Hiệu quả mô hình nuôi cá lồng tại HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Cửa Đạt

Hồ Cửa Đạt thuộc xã Xuân Mỹ, huyện Thường xuân là công trình thủy điện, thủy lợi lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, với trữ lượng nướclên tới 1.45 tỷ m3 và diện tích bề mặt khoảng 31km2.Là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất cả nước, hồ Cửa Đạt có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá lồng theo hướng thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế cao giúp nhiều hộ dân huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

(Khu nuôi cá lồng tại lòng hồ Cửa Đạt)

Từ lâu người dân sinh sống trên khu vực hồ Cửa Đạt đã biết tận dụng vùng lòng hồđể nuôi các loại cá nước ngọt, tuy nhiên trước đây người dân chỉ nuôi thả theo hình thức tự nhiên với quy mô nhỏ lẻ, việc nuôi hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên sản lượng và chất lượng chưa cao, chưa hình thành được quy mô hàng hóa, hiệu quả kinh tế thấpchưatương xứng với tiềm năng tự nhiên. Từ đó huyện Thường Xuân thực hiện đề án “Hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2019-2021”, trong đó chú trọng phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng an toàn sinh học tại vùng lòng hồ kết hợp phát triển du lịch. Địa phương có cơ chế hỗ trợ 10 triệu đồng/ lồng để khuyến khích các hộ dân tham gia. Hiện tại mô hình do HTX DVNTTS Cửa Đạt quản lý với 16 hộ tham gia, diện tích NTTS khoảng 11.448m3 mặt nước,với số lượng 108 lồng nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá trắm cỏ, cá diêu hồng,… Mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường 140 – 160 tấn cá/năm. Anh Nguyễn văn Sinh – Giám đốc HTX cho biết, HTX là đầu mối liên kết các hộ dân để cấp con giống và bao tiêu sản phẩm. Ngoài việc liên kết tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, HTX còn là nơi các hộ nuôi chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng, bảo vệ vùng nuôi trồng và môi trường nước trên lòng hồ. Hiện tạiđầu ra của HTX khá ổn định, hầu hết cá lồng đến thời kỳ xuất bán đều được thương lái đến tận nơi thu mua. Sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An,… Doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm .Mô hình đã tạo công ăn việc làm cho 30 – 50 lao động địa phương với mức thu nhập 6 – 8 triệu đồng/người.

Mô hình nuôi cá lồng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, theo dõi, quản lý và điều chỉnh được mật độ nuôi, lượng thức ăn, thuốc hóa chất phòng trừ bệnh. Cá nuôi được mật độ cao, nuôi kết hợp được nhiều chủng loại cá, nhất là những loại cá đặc sản theo nhu cầu thị trường. Quản lý giám sát được môi trường nuôi từ đó điều chỉnh được chất lượng nước nuôi hạn chế bị ô nhiễm, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, kết hợp phụ phẩm nông nghiệp với thức ăn công nghiệp, cá được nuôi trong môi trường nước sạch, nguồn nước được lưu thông chảy liên tục, lượng oxy trong nước cao là điều kiện thuận lợi để cá sinh trưởng, phát triển tốt, khỏe mạnh, lớn nhanh, chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon. Tham gia mô hình, người dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá theo hướng an toàn ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn Vietgap nhằm đạt hiệu quả cao, giảm thiểu thiệt hại. Người nuôi được tập huấn hưỡng dẫn kỹ thuật cách chọn vật liệu làm lồng bằng gỗ, tre, thùng phuy,… vị trí đặt lồng, cách chọn và thả cá giống, chăm sóc phòng trừ bệnh, thức ăn, thời điểm thu hoạch cá, vệ sinh lồng,… Áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh cho cá, đảm bảo bổ sung đủ vitamin, chất khoáng cho cá khỏe mạnh. Nếu bảo đảm được nguồn nước sạch, chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất nuôi cá lồng trên sông cao hơn so với nuôi thả truyền thốngtừ 4 – 6 tấn/chu kỳ nuôi. Mỗi năm, người nuôi có thể thâm canh 2 – 2,5 chu kỳ nuôi. Góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho người nuôi.

(Cánuôi lồng tại Hồ Cửa Đạt)

          Nhờ việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật mà thu nhập các hộ nuôi cálồng ở huyện Thường Xuân đã tăng lênhàng trăm triệu đồng mỗi năm. Định hướngcủa HTX trong những năm tới đó là lồng ghép gắn kết song song giữa hoạt động nuôi cá lồng và du lịch sinh thái khu vực hồ Cửa Đạt. Về hoạt động nuôi cá, tiếp tục áp dụng nuôi cá theo hướng thâm canh ứng dụng công nghệ cao, sử dụng lồng nuôi công nghiệpbằng vật liệu mới như lồng sắt, inox, HDPE,… hướng tới quy mô nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa những vẫn đảm bảo theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường sinh thái nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao gắn với phát triển thương hiệu. Cam kết thực hiện quy trình kỹ thuật Vietgap trong quá trình nuôi. Đảm bảo chất lượng thịt cá sạch theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, không tồn dư kháng sinh,… đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.Đưa vào nuôi thử nghiệm những giống thủy sản có chất lượng, giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Chú trọng xây dựng và thương hiệu và quảng bá sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm.HTX là đầu mối tăng cường liên kết bao tiêu sản phẩm theo chuỗi trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, nuôi cá nhưng vẫn bảo đảm cảnh quan, giữ gìn vệ sinh, hồ, môi trường nước luôn tự nhiên, xanh, sạch, đẹp, góp phần thu hút ngày càng đông đảo khách đến tham quan, du lịch khám phá cảnh đẹp non nước, núi rừng hùng vĩ nơi đây.

          Nghề nuôi cá lồng đã và đang trở thành mô hình kinh tế điển hình khu vực miền núi Thanh Hóa, góp phần giải quyết việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây. Việc khai thác lợi thế tự nhiên nơi đây không chỉ nuôi cá mà còn lồng ghép với phát triển mô hình du lịch sinh thái khu vực lòng hồ Cửa Đạt giúp thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo sinh kế, nâng cao nhận thứccho người dân bản địa cũng được hưởng lợi từ hoạt động du lịch trải nghiệm cộng đồng.

Phương Thúy