Liên kết sản xuất rau, quả an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Công nghệ cao Hồng Nhuệ, Hoằng Thắng

Hiện nay, xu hướng người tiêu dùng sử dụng các thực phẩm nông sản rau quả an toàn ngày càng cao.  Để đáp ứng nhu cầu đó, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao (CNC) theo chuỗi liên kết là hướng đi tất yếu mà các trang trại, HTX hướng tới để cung ứng sản phẩm cho thị trường. Tại Hoằng Hóa, HTX Nông nghiệp xanh CNC Hồng Nhuệ Hoằng Thắng là một trong những HTX đi đầu trong lĩnh vực liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt tại khắp các tỉnh thành Việt Nam.

(Chị Bùi Thị Nhung đang thu hoạch dưa tại nhà màng)

          Hợp tác xã nông nghiệp xanh Công nghệ cao Hồng Nhuệ (còn gọi là Nông trại Nhung Farms) có địa chỉ tại thôn Hồng Nhuệ 2, xã Hoằng Thắng được thành lập năm 2020 bởi chị Bùi Thị Nhung. Diện tích sản xuất chính của HTX là khu nhà màng 1ha tại cánh đồng thôn Hồng Nhuệ 2 và 2 ha liên kết sản xuất ngoài trời được chị thuê lại của người dân để đầu tư cải tạo và sản xuất. Ngoài ra để cung ứng đủ sản lượng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, HTX còn ký hợp đồng liên kết sản xuất bao tiêu với 5 HTX, trang trại ở các huyện Nông Cống, Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc với diện tích 2ha nhà màng. Sản phẩm chính của HTX là dưa vàng Kim Hoàng hậu, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa leo baby… Ngoài ra, tùy mùa vụ HTX còn cung cấp ra thị trường các loại rau dinh dưỡng như: cải kale, cà chua, khoai tây, dâu tây, ớt ngọt,… Các sản phẩm được canh tác theo tiêu chuẩn Vietgap, sử dụng hệ thống tưới nước, phân bón, chất dinh dưỡng nhỏ giọt tự động Isarel và sử dụng các loại phân vi sinh hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh hại bằng chế phẩm, bẫy sinh học. Các loại giống được trồng đều là giống chính hãng nhập khẩu của các nước như Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan,…Vì vậy sản phẩm của HTX luôn đảm bảo được cả về hính thức và chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích, tin tưởng sử dụng. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình Vietgap, canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn. Sản lượng thu hoạch hàng năm của HTX thu được khoảng 60 – 80 tấn rau, củ, quả các loại trong đó sản lượng dưa vàng 60 – 70 tấn, dưa leo 10 – 15 tấn, khoai tây 20 tấn, rau các loại 5 tấn, ớt, cà chua 2 tấn,…với giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, doanh thu của HTX hàng năm khoảng 3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 200 – 300 triệu đồng. HTX còn tạo việc làm cho 9 – 15 lao động với mức thu nhập 6 – 8 triệu đồng/tháng.

(Sản phẩm dưa kim hoàng hậu của HTX nông nghiệp công nghệ cao Hoằng Thắng)

          Để các sản phẩm của HTX có mặt tại các chuỗi cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn tại các tỉnh thành, chị chủ động tìm kiếm ký kết đợp đồng bao tiêu sản xuất với các trang trại trên địa bàn tỉnh, cung ứng vật tư nông nghiệp như giống, phân bón,… hưỡng dẫn kỹ thuật sản xuất, đảm bảo thu mua sản phẩm hàng hóa theo đúng quy cách – phẩm chất đã cam kết và số lượng thu hoạch thực tế, tổ chức thu mua phù hợp với thời gian thu hoạch của bên sản xuất. Đối với bên sản xuất phải cam kết tuân thủ các quy trình canh tác thực hành nông nghiệp tốt Vietgap, có nhật ký trồng trọt công khai; cung cấp đầy đủ thông tin quá trình canh tác, thời gian thu hoạch, địa điểm giao hàng; hàng hóa được giao phải theo đúng quy cách về phẩm chất, số lượng, đúng thời gian, địa điểm giao hàng đã được hai bên thống nhất. Tùy loại rau, quả mà thu hoạch theo đúng yêu cầu về thời gian, chất lượng. Sau khi thu hoạch không được để tiếp xúc trực tiếp với đất, đựng trong thùng giấy hoặc các thiết bị không gây ô nhiễm lên rau và vận chuyển chuyển vào phòng sơ chế để phân loại loại bỏ đất, rau úa dập, làm sạch và bọc bằng màng xốp chống sốc, hoặc túi giấy, hộp đựng để bảo quản. Sau đó sản phẩm sẽ được dán nhãn, tem truy xuất nguồn gốc và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Nhằm duy trì ổn định việc sản xuất, tiêu thụ rau quả an toàn, thời gian qua, HTX còn liên kết cung cấp cho hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch và chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố như: Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển Trung Thực Hà Nội, Công ty TNHH Spico Thanh Hóa… Trên cơ sở hợp đồng, các DN phải cam kết trách nhiệm thu mua sản phẩm theo khối lượng đã ký với giá cả ổn định, thanh toán tiền đúng thời hạn; nếu không bao tiêu hết mà không phải do lỗi bên cung cấp phải bồi thường cho HTX và nông dân theo thỏa thuận. Ngược lại HTX và người nông dân cũng phải chịu trách nhiệm với các DN, đối tác tiêu thụ trong việc bảo đảm chất lượng, sản lượng, chủng loại rau cung ứng.

Nhờ sự liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng mà HTX và người nông dân hoàn toàn yên tâm sản xuất, nâng cao nhận thức cho người dân, loại bỏ tập quán canh tác truyền thống nhỏ lẻ, hướng vào nền sản xuất quy mô hàng hóa, định hướng sản xuất cho người dân, nắm bắt được nhu cầu thị trường để sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nâng cao nhận thức sản xuất rau an toàn cho người sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái.Mô hình liên kết sản xuất theo hướng an toàn giúp sản lượng tăng hơn 30 % so với canh tác truyền thống, giá HTX thu mua sản phẩm cho người dân tăng từ 10 – 15% so với giá thị trường, nhờ vậy thu nhập của người dân trong chuỗi liên kết cũng được tăng lên. Chuỗi liên kết “3 bên” của HTX Nông nghiệp xanh công nghệ cao Hoằng Thắng là một trong những mô hình tiêu biểu trong phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị trong tỉnh. Ở đó, HTX và người nông dân chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, có đầu ra và thu nhập ổn định trong khi DN cũng chủ động được nguồn hàng, hạn chế rủi ro khi thị trường biến động về giá cả, đồng thời kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm. Để đẩy mạnh thương hiệu chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, năm 2021, HTX đã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là dưa kim hoàng hậu. Đây là một sự lỗ lực cố gắng của HTX trong quá trình sản xuất để tạo ra được những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, giới thiệu cho khách hàng và người tiêu dùng biết đến các sản phẩm truyền thống có tiêu chuẩn chất lượng cao, cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại ở thị trường trong tỉnh và cả nước. Định hướng của chị cùng HTX đó là ngoài các sản phẩm rau quả tươi sống, chị sẽ sản xuất thêm các sản phẩm chế biến sâu như dưa bao tử ngâm giấm mơ, mứt dâu tây, hay khoai tây miếng để chế biến sẵn nhằm đa dạng sản phẩm phục vụ khách hàng cũng như tận dụng nguồn nông sản dồi dào địa phương nâng cao giá trị sản phẩm.

Mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của HTX Nông nghiệp xanh công nghệ cao Hồng Nhuệ cho thấy sự hiệu quả của việc liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm. Giúp các HTX khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của địa phương tạo ra tạo chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa có giá trị kinh tế cao, ổn định cho người sản xuất. Góp phần thực hiện chương trình trọng tâm về phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch mà huyện Hoằng Hóa đã và đang tập trung thực hiện. Nâng cao hiệu quả, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương.

Phương Thúy