HUYỆN NGA SƠN ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP NÂNG CAO THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN

Nga Sơn là một huyện ven biển có tiềm năng phát triển nông nghiệp với nhiều loại sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Những năm gần đây, huyện Nga Sơn đã từng bước đẩy mạnh, nâng cao thu nhập cho người nông dân theo hướng bền vững. Liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm trong nông nghiệp là hướng đi được huyện Nga Sơn lựa chọn thực hiện trong thời gian vừa qua, giúp giải bài toán đầu ra cho người nông dân trong tiêu thụ nông sản, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong báo cáo số: 126/BC-UBND về việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách tái cơ cấu nghành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 -2020 của UBND huyện Nga Sơn đã chỉ rõ: Hằng năm căn cứ vào các chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện về khối lượng và kinh phí thực hiện chính sách, UBND huyện ban hành Quyết định giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho các xã, thị trấn tổ chức thực hiện. Hàng vụ, hàng năm UBND huyện ban hành các phương án sản xuất có các cơ chế khuyến khích hỗ trợ theo cơ chế của tỉnh, cơ chế của huyện như: Hỗ trợ nông dân mua giống lúa phục vụ sản xuất; hỗ trợ sản xuất vùng dưa hấu tập trung; hỗ trợ trong liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm….UBND huyện Nga Sơn cũng đã ban hành quyết định: 1401/QĐ-UBND ngày 16/5/2019 về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch diện tích, vốn thực hiện sản xuất liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, UBND huyện Nga Sơn đã thực hiện giải ngân nguồn vốn nhằm tái cơ cấu nghành nông nghiệp, trong đó có giải ngân nguồn vốn hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, cụ thể: Năm 2017 hỗ trợ 1090 triệu đồng ; năm 2018 hỗ trợ 910 triệu đồng; năm 2019 hỗ trợ 1840,37 triệu đồng.

So với nhiều huyện trong tỉnh, Nga Sơn là địa phương có diện tích đất nông nghiệp không lớn. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, huyện ven biển này đang vươn lên thành một trong những vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2021 – 2025, nông nghiệp chính là một trong 2 khâu đột phá của huyện. Dựa trên những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của một vùng đất ven biển, huyện Nga Sơn đang thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học – kỹ thuật vào canh tác. Trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đang ghi dấu ấn đậm nét, phát huy vai trò liên kết, trở thành điểm tựa vững vàng cho nông dân trong sản xuất, mang lại giá trị kép về kinh tế, môi trường. Điển hình như HTX nông nghiệp Nga Yên (xã Nga Yên), tính đến nay, HTX đã liên kết và ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp, như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt… bảo đảm đầu ra cho nông sản của các thành viên. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp liên kết, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, người nông dân đạt hiệu quả kinh tế, HTX tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ thành viên, đồng hành với hội nông dân xã, hội phụ nữ xã và nhân dân thực hiện phát triển sản xuất. Vùng sản xuất hàng hóa theo hợp đồng liên kết trên địa bàn đủ lớn để phục vụ phát triển sản xuất tập trung, cung ứng sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường.

Xã  Nga Trường cũng là một điểm sáng trong liên kết sản xuất tiêu thụ nông nghiệp tại huyện Nga Sơn. Từ năm 2017 đến nay, HTX nông nghiệp xã Nga Trường phát triển sản xuất theo hướng tập trung gắn với chuỗi giá trị, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp uy tín. Trong năm 2021, đơn vị thực hiện liên kết sản xuất trên 50 ha cây khoai tây với với Công ty TNHH thực phẩm Orion Việt Nam, sản lượng trung bình ước đạt 400 – 500 tấn/mùa. Ngoài ra, Hợp tác xã nông nghiệp Nga Trường còn liên kết trồng 7 ha rau cải bó xôi với Công ty TNHH thực phẩm Đồng Giao, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với sản lượng đạt gần 100 tấn/vụ. Hiện, hợp tác xã đang thu hút hơn 200 hộ dân tham gia liên kết sản xuất. Trong năm 2021, dự kiến giá trị thu hoạch khoai tây của xã Nga Trung ước đạt 120 triệu đồng/ha. Để đạt được kết quả này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường chỉ đạo HTX nông nghiệp của xã chủ động tham gia chuỗi sản xuất an toàn, liên kết, bao tiêu sản phẩm. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Vượng, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Nga Trung cho biết: Hàng năm HTX cung ứng 795kg giống lúa; 7,1 tấn khoai tây giống; 3 tấn phân bón các loại… cho người dân. Riêng đối với khoai tây, HXT liên kết với Công ty GVA (Hà Nội) chịu trách nhiệm cung ứng giống, liên kết sản xuất, quản lý vùng trồng… bảo đảm đầu ra cho người dân. HTX hiện có 54,5 ha diện tích trồng khoai tây, thu hút 500 hộ tham gia trồng. Chỉ tính riêng khoai tây mang lại thu nhập cho người dân 80 – 90 triệu/vụ. So với trước đây, hiện nay sau mỗi vụ, trừ hết chi phí, thu nhập của người nông dân cũng được nâng cao đáng kể (tăng từ 30 – 50% so với trước đây).

Nhờ đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã giúp nông dân huyện Nga Sơn tiêu thụ nông sản thuận lợi trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đó nâng cao thu nhập cao người nông dân. Để đạt kế hoạch đề ra, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và nhu cầu thị trường. Khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác với nông dân; chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Ổn định chăn nuôi các trang trại công nghiệp, từng bước áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, giảm chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư, khuyến khích sản xuất chăn nuôi theo hợp đồng để nâng cao giá trị. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Mạnh Tùng