Xây dựng hướng đi mới cho cây Rau Má xứ Thanh

Rau má còn có tên gọi khác là tích tuyết thảo, liên tiền thảo, địa tiền thảo, hồ quả thảo, lục địa mai hoa,..có vị đắng, tính hàn, Thanh Hóa nổi trội nhất là hai loại rau má trắng và rau má tía. Là loài cây mọc tự nhiên, rau má chứa nhiều dưỡng chất, sống khỏe và mọc hoang dại tại các ruộng đồng,  rau má không chỉ làm thức ăn mà còn là nguồn dược liệu quý giúp điều trị nhiều bệnh. Cách chế biến rất đơn giản, có thể ăn rau sống, xay nhuyễn vắt lấy nước uống hoặc nấu canh…

Trong 100g chiết xuất từ dược liệu này có chứa 88,2g nước; 3,2g đạm; 1,8g tinh bột; 4,5g cellulose; 3,7mg vitamin C; 0,15mg vitamin B1; 2,29mg canxi; 2mg phốt pho; 3,1mg sắt; 1,3mg beta carotene…

Không chỉ là một loại rau thông dụng quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày, cây rau má không chỉ bổ dưỡng mà còn có nhiều dược tính. Vì vậy, từ xa xưa, người dân đã biết sử dụng loại rau này như một vị thuốc chữa bệnh như: Điều trị mụn nhọt, sốt cao, táo bón, tim mạch. Ngoài ra, loại rau này cũng là một loại dược thảo có tính bổ dưỡng rất cao, chứa nhiều sinh tố, khoáng chất, chất chống oxy hoá có chứa các hợp chất như: Beta carotene, sterol, saponin, alkaloid, flavonol, saccharide, canxi, sắt, magiê, mangan, phốt pho, kali, kẽm, các loại vitamins B1, B2, B3, C, K… Các thành phần này sẽ thay đổi tùy theo từng khu vực hoặc mùa thu hoạch, giúp cải thiện trí nhớ, làm chậm quá trình lão hoá, cải thiện vi tuần hoàn và chữa nhiều chứng bệnh về da.

Một số nơi tại Thanh Hóa cũng trồng rau má để kinh doanh nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún. Thường là đem ra các chợ gần nhà để bán tươi hoặc bán khô, gía trị mang lại còn thấp nên người dân không mấy mặn mà. Trong khi đó nhiều địa phương phát triển thành công mô hình trồng rau má thương phẩm như: TP Hồ Chí Minh hay Tiền Giang, thì  xứ Thanh là vùng đất gắn liền với cây rau má bao đời nay lại chưa thể khai thác được thế mạnh này.

Nhìn thấy được giá trị từ cây rau má, một số doanh nghiệp đã quyết tâm, xác định tư tưởng xây dựng hướng đi mới cho cây rau má xứ Thanh từ việc xây dựng vùng nguyên liệu đến khâu sản xuất ra sản phẩm và thương mại hướng tới không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn vươn ra thế giới.

Các doanh nghiệp khi bắt tay vào một cái mới cũng đã xác định những khó khăn vốn có. Sau những bước đi đầu tiên các doanh nghiệp nhận thấy để thành công đưa rau má xứ Thanh không chỉ xuất hiện ở thị trường trong nước mà còn cả thị trường nước ngoài thì cần có sự liên kết và chia sẻ.

Vùng nguyên liệu trồng rau má

Một trong những doanh nghiệp đi đầu đó là Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) của anh Trần Văn Tân đã xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh” cho các sản phẩm từ rau má của tỉnh Thanh Hóa gắn với chương trình OCOP 4 sao đã ra đời.  Hiện nay công ty cho ra đời các sản phẩm: Bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má, viên nén rau má, rau má tươi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn và hướng đến xuất khẩu, vươn ra các thị trường nước ngoài khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ, Úc, Thái Lan và một số nước châu Phi. Để chắp cánh cho các thương hiệu rau má xứ Thanh vươn ra thị trường trong nước và thế giới.

Khu vực sơ chế rau má của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới

Từ năm 2020 đến nay, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã phát triển khoảng 0,5 ha rau má bản địa tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm ((thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), vừa để nhân giống, thử nghiệm với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ vừa làm cơ sở để nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chuyển giao công nghệ. Đến nay, Nhằm tạo sự gắn kết bền vững, công ty đã liên kết với nhiều địa phương, đơn vị để chuyển giao quy trình, kỹ thuật chăm sóc, sản xuất rau má, bao tiêu sản phẩm co người dân tại các huyện: Cẩm Thủy, Lang chánh, Triệu Sơn, Như Thanh… với diện tích lên tới gần 100 ha. Rau má trồng với 10-11 vụ/năm, nếu tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc của công ty  năng suất rau má đạt 45-50 tấn/ha, trừ tất cả các chi phí, nông dân sẽ có thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm.

Hay ông Bùi Văn Tuấn chủ tịch HĐQT  Công ty CP liên minh HTX nông lâm sản Thanh Hóa làm bột rau má sấy lạnh và trà rau má. Các đơn hàng của các doanh nghiệp đã xuất xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia…Trong đó, nổi bật là đối tác ở Ấn Độ, đặt mua rau má tươi 3.000-3.5000 tấn/năm để chiết xuất tinh dầu rau má, bên cạnh đó chuẩn bị chờ những bước kiểm định cuối cùng để sang Nhật Bản. Ngoài doanh nghiệp của ông Tuấn ở Thanh Hóa đang có doanh nghiệp khác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau má cho nông dân ở các huyện: Như Thanh, Quảng Xương, Cẩm Thủy, Nông Cống… để sản xuất các sản phẩm nước ép, bột mịn, trà túi lọc cho xuất khẩu. Nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh nên thu nhập của người nông dân cũng dần đi lên. Mô hình trồng rau má sạch đạt chuẩn VietGAP với quy trình kiểm định nghiêm ngặt cùng với những sản phẩm đầu ra chất lượng đã tạo nên thương hiệu rau má xứ Thanh.

Nhiều người nông dân ngỡ ngàng khi trồng rau má có thu nhập khá, nhiều người học theo, bỏ hoa màu thu nhập thấp để trồng rau má, nhất là khi có doanh nghiệp bao tiêu  thì người dân không còn phải lo lắng về sản phẩm đầu ra. Trồng rau má lãi hơn trồng ớt bắp cải, do đặc thù là cây ngắn ngày nên người dân chủ yếu trồng theo kiểu “cuốn chiếu”, sau khi thu hoạch lứa này thì lứa khác sẽ đến vụ. Chính vì thế, cây rau má được người dân thu hoạch quanh năm.

Như vậy, có thể thấy, rau má cho năng suất gấp 3-4 lần, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa và các cây rau màu khác.  Một lứa gần chục năm mới phải trồng lại, mỗi năm thu hoạch 10-11 vụ. Nếu tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc, năng suất đạt từ 1,7-2 tạ/sào và với giá thu mua của công ty tại ruộng 12.000 đồng/kg. Mỗi hộ dân trồng 5-7 sào rau má, bình quân mỗi tháng thu nhập từ 10-16 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí, nông dân sẽ có thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Việc này không chỉ giúp công ty có nguồn nguyên liệu ổn định mà còn giúp người dân có thể yên tâm sống khỏe trên chính đồng ruộng của mình, không phải bỏ ruộng, không phải ly hương nhất là trong thời điểm dịch dã thế này.

Sản phẩm rau má được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm bởi nó là thương hiệu của người Thanh Hóa, các sản phẩm rau má đã được UBND tỉnh đánh giá OCOP 4 sao. Rau má là sản phẩm của thiên nhiên hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho con người, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Lê Quyền