HUYỆN NHƯ XUÂN ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG AN TOÀN

Để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp của địa phương đi lên, ngành nông nghiệp huyện Như Xuân đã và đang tích cực tập trung chỉ đạo sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Một trong những giải pháp được huyện triển khai đó là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016 – 2020, trong đó chú trọng và duy trì tốt phong trào cải tạo vườn tạp, gắn với chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, tạo cảnh quan sanh, sạch, đẹp, kinh tế vườn hiệu quả; Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 31-12-2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đến năm 2020, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò và một số con đặc sản khác như: lợn cỏ, vịt bầu Thanh Quân, gà thả vườn;…Huyện Như Xuân đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân như: Tăng cường cơ giới hóa và chuyển giao khoa học – kĩ thuật vào sản xuất. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp, nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo trong khu vực nông thôn. Từ giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đến nay huyện Như Xuân đã hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích đạt trên 300 ha; trong đó, diện tích gieo trồng áp dụng quy trình VietGAP là trên 60 ha. Bên cạnh đó, nhờ sản xuất theo hướng an toàn nên huyện có trên 10% diện tích rau, quả được tiêu thụ thông qua chuỗi cung ứng an toàn.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị Hiền xã Hóa Quỳ

Trong lĩnh vực trồng trọt thể hiện rõ nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới nhỏ giọt, áp dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, nhất là tăng cường liên kết, hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp. Tại các xã: Bình Lương, Hóa Quỳ, thị trấn Yên Cát và Bãi Trành người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao để mở rộng phát triển sản xuất rau an toàn (RAT). Đến cuối năm 2021, trên địa bàn huyện phát triển được hơn 10 ha RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 15.000m2 sản xuất rau trong nhà lưới với những sản phẩm như: Cải, su hào, cà chua, dưa chuột… Ngoài ra, người dân địa phương cũng được chính quyền hướng dẫn, hỗ trợ để phát triển diện tích RAT tập trung theo quy trình VietGAP; từ khâu làm đất, chọn giống, sử dụng phân bón,… đến kĩ thuật sơ chế, đóng gói, dán tem mác sản phẩm…

Trong lĩnh vực chăn nuôi huyện cũng khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhằm giảm tỷ lệ dịch bệnh do có biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường, bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng thu nhập. Sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và các địa phương đã thúc đẩy hình thành và nhân rộng những mô hình chăn nuôi an toàn trong Nhân dân. Tính đến nay, toàn huyện đã hình thành được 6 vùng chăn nuôi an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAHP.

Mô hình chăn nuôi gà bản địa thả vườn – đồi theo hình thức liên kết chuỗi giá trị của gia đình anh Hoàng Ngọc Năm xã Hóa Quỳ

            Nhờ đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, đến nay toàn huyện đã tổ chức xây dựng và xác nhận 3 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung ứng qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn ước đạt 26,1%. Một số chuỗi được mở rộng, phát triển cả về quy mô, sản lượng cũng như thị trường tiêu thụ, nhờ đó giá trị sản phẩm trong chuỗi được nâng lên, giá thành sản phẩm cao hơn với giá ngoài thị trường từ 20 – 30% (Chuỗi sản phẩm cây có múi của HTX Thành Công).

Thực tế cho thấy, những chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện đã được người sản xuất vận dụng linh hoạt. Đồng thời, huy động nguồn lực, tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, an toàn góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao chính là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển nông nghiệp an toàn. Trong cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, người dân trên địa bàn huyện đang từng bước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giá trị kinh tế.

Với nhiều giải pháp đúng hướng trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, nên huyện Như Xuân đã có những chuyển dịch tích cực và hiệu quả, cây trồng, vật nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm thuần nông, độc canh. Trong thời gian tới, huyện Như Xuân sẽ chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, gắn với quảng bá, duy trì và xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp với sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu đặc trưng để tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao./.

Thanh Tâm