HUYỆN QUẢNG XƯƠNG ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI TIÊU THỤ SẢN PHẨM

Khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát chặt, từ những tháng giữa năm 2022 khi mà các hoạt động sản xuất đang dần khôi phục lại mạnh mẽ, huyện Quảng Xương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy nền sản xuất, trong đó nông nghiệp đang là ưu tiên hàng đầu của huyện. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quảng Xương lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã chỉ rõ ra 4 chương trình trọng tâm cần phải thực hiện được trong nhiệm kỳ này và trong đó: Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm, hình thành các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP là một trong những chương trình trọng điểm hàng đầu sẽ được đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới đây.

Để đẩy mạnh và phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các HTX với các doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Trong thời gian qua, UBND huyện Quảng Xương đã triển khai rà soát, cân đối bố trí nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện cho người dân tích tụ đất đai, thuận lợi cho việc mua bán, tích tụ ruộng đất, hình thành các mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn theo hướng công nghệ cao, các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm với mức kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng/chuỗi. Huyện cũng đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động mời gọi, đấu mối với các doanh nghiệp có đủ năng lực và tâm huyết với nông nghiệp để cùng với người nông dân thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và người dân khi tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm vì chỉ có như vậy chuỗi liên kết mới thực sự bền vững, lâu dài. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như: Tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách, quỹ đất, vốn vay…Đồng thời, quan tâm, hướng dẫn các hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện xác định, để gia tăng được giá trị cho sản phẩm làm ra phải cần được qua sơ chế, chế biến, nếu chỉ bán thô lợi nhuận sẽ không nhiều và không nhiều có sức cạnh tranh, chính vì vậy ưu tiên của huyện luôn là khuyến khích hộ sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển sản xuất theo hướng sơ chế, chế biến để làm gia tăng giá trị cho sản phẩm và tạo ra được những thương hiệu, đặc sản vùng miền.

Sơ chế và chế biến sản phẩm rau má của cty Queen farm (TT. Tân Phong, Quảng Xương)

Với việc nỗ lực đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Quảng Xương đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã xây dựng thành công 15 chuỗi cung ứng lúa gạo có diện tích trên 650 ha với các công ty, như: Công ty Nông sản An Thành Phong (Thanh Hóa), Công Ty giống cây trồng Bắc Trung Bộ, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang (Ninh Bình), Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa); 16 chuỗi liên kết rau, củ an toàn tập trung, trong nhà màng, nhà lưới có diện tích gần 40ha, điển hình có thể kể đến chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau má của Trang trại Queen farm (thuộc công ty CP XD và TM Phong Cách Mới). Vùng sản xuất rau an toàn tập trung VietGAP trên 28 ha ở các xã: Quảng Lưu, Quảng Yên, thị trấn Tân Phong, …; vùng sản xuất khoai tây, ớt, ngô ngọt…liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, với quy mô từ 50 – 135 ha/năm. Trong chăn nuôi, hiện nay toàn huyện có 10 trang trại thỏ thực hiện liên kết với Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam; 4 trang trại nuôi gà quy mô trên 20.000 con/năm, trong đó có mô hình chăn nuôi gà thương phẩm và trứng của hộ ông Lê Văn Lợi (địa chỉ: thôn Én Giang, xã Quảng Hợp) được liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty gia công CP Việt Nam cho thu lời gần 1 tỷ đồng/năm và 4 chuỗi liên nuôi trồng thủy sản như: sản xuất – tiêu thụ cá chép, rô phi giống, tôm thẻ chân trắng…với quy mô liên kết tiêu thụ gần 30 ha.

Khu nhà sơ chế và chế biến sản phẩm trong chuỗi  liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm rau má, rau ăn lá của cty Queen farm (TT. Tân Phong, Quảng Xương)

Với những kết quả đã đạt được đó cùng với những lợi thế sẵn có, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mở các lớp tập huấn phổ kiến kiến thức không chỉ về kỹ thuật mà còn về tư duy liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, các sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị của các sản phẩm, bảo vệ thương hiệu và quyền lợi của người tiêu dùng; tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và thương hiệu đã xây dựng thành công, được bảo hộ gắn với phát triển chuỗi giá trị, góp phần đưa ngành nông nghiệp của huyện ngày càng bay cao, vươn xa.

Mạnh Tùng