Mô hình nuôi cá hồi mang lại hiệu quả kinh tế tại xã Trí Nang huyện Lang Chánh

Xã Trí Nang là một xã miền núi thuộc khu vực phía tây của tỉnh Thanh Hóa. Với độ cao trên 1000 m so với mực nước biển, có đỉnh núi Pù Rinh quanh năm mát mẻ, khí hậu trong lành, sườn núi có độ dốc, nước chảy mạnh và nhiệt độ trung bình từ 15 đến 18 độ C, rất phù hợp để nuôi các giống cá nước lạnh.Nắm bắt được đặc tính này, người dân nơi đây đã tận dụng thế mạnh về khí hậu và nguồn nước tự nhiên để nuôi cá hồi ngay giữa lưng chừng đồi.

Anh  Hà Khắc Sâm là một người nông dân dám nghĩ dám làm, anh đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá hồi trên đỉnh núi Pù Rinh thuộc xã Trí Nang. Ban đầu anh  xây 3 bể nuôi với tổng diện tích 300 m2, phía trong bể được ốp bằng inox, làm mái che để che nắng che mưa cho cá, ngoài ra anh còn xây 2 đập ngưng, làm hệ thống ống dẫn nước từ thượng nguồn về, anh Sâm cũng cho biết lứa đầu tiên anh đã mua 6000 con cá giống tại trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh (viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1). Với giá 70 nghìn đồng/con, (tổng cộng hết 420 triệu đồng). Mỗi kg thức ăn cho cá hồi ở thời điểm đó được nhập từ nước ngoài với giá 55 nghìn đồng/kg. Đến khoảng giữa năm 2014 trang trại cá hồi của anh bắt đầu xuất bán trọng lượng đạt trên 1kg với giá bán 400 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thức ăn (khoảng 300 triệu) và tiền giống cũng cho anh thu lời hơn 1 tỷ đồng.

Bể nuôi cá hồi thương phẩm

Đến nay trang trại của gia đình anh có khoảng 10 bể nuôi cá hồi. Bình quân mỗi năm anh Sâm xuất bán khoảng 9 đến 10 tấn cá thương phẩm thu về gần 3 tỷ đồng, trang trại nuôi cá hồi của anh luôn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động chính với mức lương bình quân 5 triệu đồng/ người/ tháng. Anh cũng cho biết thêm hiện các sản phẩm cá khi xuất bán ra thị trường đều có chất lượng rất tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm nên được các thương lái đến tận nơi thu mua ngoài ra anh còn nhập cho các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhập đi các nơi như Hà Nội, Hải Phòng.

Cũng theo anh Sâm môi trường thích hợp để nuôi cá hồi phải là nước lạnh và sạch do vậy các bể nuôi thường được đặt ở gần đầu nguồn của những con suối, người nuôi sẽ sử dụng ống dẫn nước từ đầu nguồn về qua hệ thống bể lọc nước trước khi đưa vào bể nuôi cá, ngưỡng nhiệt độ nước để nuôi cá hồi từ 4 đến 21 độ c, nếu vượt ngưỡng cá sẽ bỏ ăn và sống trong thời gian ngắn. Bên cạnh các tiêu chí khắt khe về nhiệt độ yếu tố về độ PH ở ngưỡng thích hợp là từ 6,5 – 8,5; oxy hòa tan trên 6mg/lít, đặc biệt các bể phải có hệ thống sục khí để cung cấp nguồn oxy cần thiết cho cá.

Anh cũng cho biết trong điều kiện nuôi cá giống với cỡ lớn 30g/con, sau 6 tháng nuôi cá có thể đạt trọng lượng bình quân từ 0,6 đến 1kg/con và từ 1,5 đến 2kg/con sau 1 năm nuôi. Tốc độ tăng trưởng của cá hồi phụ thuộc nhiều vào chất lượng và chế độ thức ăn. Tùy vào từng giai đoạn mà chế độ ăn của cá có sự khác nhau.Ở giai đoạn cá giống cho ăn liên tục 6 lần/ngày, thức ăn chia đều giữa các lần ăn, cho ăn 6 – 10% trọng lượng của cá. Khi cho ăn nên vặn nhỏ van cấp nước rồi dải đều thức ăn lên mặt bể để cá được ăn đều. Ở giai đoạn cá thương phẩm 1 ngày cho cá ăn 4 lần, thức ăn có hàm lượng đạm trên 45%. Ngoài ra anh cũng cho biết khi nuôi cá hồi bệnh thường gặp nhiều nhất là do nấm và ký sinh trùng vì vậy cần có chế độ chăm sóc cẩn thận như tắm muối định kỳ 2 tuần/lần, nồng độ 2% trong khoảng 20 – 30 phút, Anh cũng cho biết thêm khi thu hoạch cá thương phẩm cần phải thực hiện thao tác nhẹ nhàng vì thể trạng của cá rất yếu dễ bị chết sẽ làm giảm giá trị sản phẩm.

Anh Sâm cũng cho biết trong tương lai anh sẽ mở rộng quy mô hơn nữa, gắn mô hình nuôi cá với phát triển du lịch tham quan, du lịch cộng đồng sẵn có tại địa phương.

Có thể thấy đây là mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra một nghề nuôi thủy sản đặc sản, tận dụng được thủy vực nước lạnh ở vùng sâu, vùng xa, góp phần tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho đồng bào các dân tộc miền núi. Thời gian tới, các cấp chính quyền sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích, UBND huyện Lang Chánh sẽ tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình hệ thống đường giao thông tại các trang trại nuôi, mở các lớp tập huấn để người dân nắm bắt được kỹ thuật nuôi, đồng thời tiếp tục thực hiện và triển khai các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp, giúp người dân tiếp cận được với nguồn vốn.

 

Hoàng Bính