Mô hình nuôi cá nước ngọt thâm canh theo hướng công nghiệp hiệu quả tại xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa

Những năm gần đây, nuôi cá nước ngọt đang trở thành hướng phát triển đầy tiềm năng. Mô hình này không đòi hỏi vốn nhiều, có thể nuôi và thu hoạch quanh năm, thời gian thu hồi vốn nhanh.

Nuôi cá thâm canh là hình thức nuôi và chăm sóc hoàn toàn dựa vào các loại thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn được chế biến. Mật độ thả cá thường rất cao, dao động từ 10 – 100 cá/m2. Đây là phương thức nuôi cá chủ yếu dựa trên việc đầu tư liệu sản xuất và kĩ thuật, năng suất nuôi cá trong điều kiện thâm canh trung bình đạt 2 – 4tấn/ha/năm, với mức thâm canh cao có thể đạt 6 – 8tấn/ha/năm. Nuôi cá thâm canh đặc biệt phải chú ý các yếu tố: giống tốt, thức ăn đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng, đủ các thành phần dinh dưỡng thích hợp cho các loại cá, thường dung thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn sẵn có ở địa phương được chế biến theo phương pháp thô sơ, các yếu tố môi trường và nghiêm khắc thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.

Xã Thiệu Long có điều kiện ao, hồ, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết công việc cho người lao động và góp phần đảm bảo chất lượng cuộc sống người nông dân trên địa bàn xã, UBND xã Thiệu Long đưa mô hình nuôi cá nước ngọt thâm canh theo hướng công nghiệp tại khu vực Đồng Vước thôn Minh Đức, với diện tích 30ha và 15 hộ nuôi. Đây là khu vực thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, giúp các hộ nuôi cá tiếp cận với các kỹ thuật, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản an toàn, có thu nhập ổn định.

Để nuôi các loại cá hiệu quả, anh Trịnh Văn Thành – Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Long chia sẻ: “Trước tiên, đối với ao nuôi phải tháo cạn nước, dọn sạch cỏ, tu sửa bờ, đăng cống, vét bùn nếu lượng bùn quá nhiều, bắt hết cá cũ, cá dữ và phát quang bụi rậm quanh ao. Tiếp đến, bón vôi khắp đáy ao để diệt cá tạp và các mầm bệnh bằng cách rải đều từ 7 – 10kg vôi bột cho 100m2 đáy ao, tùy theo độ pH của ao nuôi, sau 3 – 5 ngày, người nuôi cần bón lót bằng cách tung đều khắp ao từ 20 – 30kg phân chuồng và 50kg lá xanh cho 100m2 (loại lá cây thân mềm để làm phân xanh), lá xanh được băm nhỏ tung đều đáy ao, vùi vào bùn hoặc bó thành các bó nhỏ từ 5 – 7kg ở góc ao”.

Khu Đồng Vước, thôn Minh Đức, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa

Việc đưa nước vào ao cũng rất quan trọng, nước lấy ngập từ 0,3 – 0,4m, ngâm 5 – 7 ngày, vớt hết bã xác phân xanh, lấy nước tiếp vào ao đạt độ sâu 1m. Dùng lưới có kích thước mắt lưới từ 0,5 – 1mm để lọc nước đề phòng dịch hại theo nước vào ao nuôi.

Các loại cá nước ngọt dễ nuôi, năng suất cao phù hợp với mô hình nuôi thâm canh như: Cá chép, trắm đen, trắm trắng, cá chép giòn, cá mè trắng, cá trôi, cá trê, cá rô phi, cá diêu hồng, cá tra…Căn cứ vào đặc điểm sinh học của loài và nhu cầu nuôi thả, bà con lựa chọn giống nuôi phù hợp. Có thể nuôi riêng lẻ từng loại hoặc nuôi ghép giống với nhau. Ao nuôi có diện tích rộng thường có xu hướng nuôi trắm cỏ, cá chép giòn. Nếu trong ao nuôi nhiều mùn, bà con có thể xem xét các giống cá rô phi, cá trôi làm đối tượng chính. Bên cạnh đó, thả thêm một số loại cá khác. Cá giống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, kích cỡ cá 4 – 6cm, cá giống khoẻ, nhanh nhẹn, sáng đẹp,… Mật độ thả cá từ 1 – 1,5 con/m2. Nên thả cá từ tháng 3 – 4 hàng năm. Thời gian thả vào sáng sớm từ 6 – 9 giờ hoặc chiều tối khi trời mát, thả đầu hướng gió, không thả vào buổi trưa hoặc trời nắng gay gắt. Thức ăn của cá chép lai thường sử dụng cám công nghiệp hoặc thức ăn tự chế biến có hàm lượng đạm 20 – 30%. Hàng ngày, người nuôi phải kiểm tra ao vào buổi sáng sớm phát hiện kịp thời trường hợp cá nổi đầu, thiếu oxy, màu nước quá đặc, cá bị bệnh,…Đồng thời, quan sát bờ ao, cống để khi có sự cố xảy ra để xử lý kịp thời. Chế độ ăn được chia thành nhiều lần, buổi sáng cho ăn nhiều hơn. Nuôi thời gian từ 8 – 10 tháng, cá đạt trọng lượng khoảng 0,6 – 0,8kg/con, có thể thu hoạch cá thịt, trước khi thu hoạch ngưng cho cá ăn từ 1 – 2 ngày.

Việc áp dụng nuôi cá thâm canh theo hướng công nghiệp, quy trình nuôi được áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, sau nhiều năm nuôi cá mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình tại xã Thiệu Long. Điều các hộ nuôi yên tâm nhất là giá bán cá ổn định, thị trường đầu ra đảm bảo. Với diện tích 1 ha ao nuôi cá các loại đảm bảo năng suất trung bình từ 9 – 10 tấn/ha/năm, thu nhập từ 100 -130 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình nuôi cá nước ngọt theo hướng công nghiệp, là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế so với các mô hình thủy sản khác, phù hợp với những hộ dân có ít diện tích thả nuôi, có khả năng nhân rộng để phát huy lợi thế về nguồn nước. Tuy nhiên, để thành công từ mô hình, người nuôi cần có kế hoạch, chiến lược đầu tư phù hợp bởi đây là mô hình đòi hỏi kỹ thuật nuôi chăm sóc đầy đủ./.

                                                                                                                 Văn Lộc