Ứng dụng chế phẩm sinh học nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt

Chế phẩm sinh học (CPSH) là những sản phẩm thông qua nghiên cứu thực nghiệm được điều chế, chiết xuất từ những thành phần nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, có nguồn gốc từ thực vật (rong, rêu, tảo…), động vật (giun quế, côn trùng…), vi sinh vật. CPSH có độ an toàn cao, thân thiện với con người và môi trường. Các CPSH sử dụng trong trồng trọt gồm: phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học. Vì vậy, hiện nay nhiều hộ gia đình và trang trại đã ứng dụng CPSH vào sản xuất nâng cao hiệu quả sản xuất, an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường

(Các chế phẩm sinh học cho cây trồng)

          HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hoằng Đạt của anh Lê Ngọc Nam là một trong những HTX đi đầu trong ứng dụng CPSH vào sản xuất dưa kim hoàng hậu, dưa lưới,… với diện tích 1,5ha. Anh Nam cho biết: Mục tiêu của HTX là sản xuất ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, an toàn cho chính người lao động của HTX. Trước sự lạm dụng sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đã tác động đến an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, anh đã tìm hiểu áp dụng chế phẩm EM vào sản xuất dung dịch phòng trừ sâu hại trên cây. Nguyên liệu là chế phẩm EM trộn cùng các phế phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả hư hỏng bỏ đi cùng với đường, tỏi, ớt và một số phụ gia khác để ngâm, ủ lên men rồi lấy nước xịt cho cây trồng. Theo anh, chế phẩm EM có thể diệt sâu bọ, nấm các loại; trộn vào thức ăn chăn nuôi để tăng sức đề kháng và tiêu hóa cho vật nuôi, giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, bã của chế phẩm EM dùng làm phân bón cho cây trồng. Từ khi sử dụng CPSH  anh thấy hiệu quả rõ rệt, vụ dưa đầu tiên thu được 10 tấn trừ mọi chi phí sản xuất thu lãi 400-600 triệu đồng/năm, năng suất cây trồng và giá trị kinh tế tăng từ 2,5 đến 4 lần so với sử dụng phân bón hóa học.

(Mô hình trồng dưa kim hoàng hậu trong nhà lưới sử dụng phân hữu cơ sản xuất từ CPSH của anh Lê Ngọc Nam, xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa)

          Trang trại tổng hợp của chị Lê Thị Ngọc, xã Hải An, TX Nghi Sơn với diện tích hơn 2 ha là một trang trại điển hình trong việc sử dụng CPSH. Chị chia sẻ: Trong quá trình sản xuất, hàng ngày một lượng lớn thân vỏ cây quả, phân vật nuôi được thải ra rất nhiều không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn mất chi phí nhân công để thu dọn, vệ sinh, giá phân bón trang trại khá cao. Từ đó chị tìm hiểu và ứng dụng chế phẩm EM để ủ hoai bổ sung vi sinh vào đống ủ với nguyên liệu là phân chuồng (phân lợn, gà, vịt,…) và xác bã thực vật (vỏ chuối, vỏ chanh leo, thân cây quả hỏng của cây dâu, actiso, rơm rạ, lá cây, mạt xơ dừa,…) phối trộn theo tỷ lệ 1:1, bổ sung thêm nấm Tricoderma đến khi phân hữu cơ chín là có thể dùng bón cho cây. Trước đây, khi chưa sử dụng CPSH tự sản xuất phân bón hữu cơ, mỗi năm trang trại của chị phải nhập thêm 36 40 triệu đồng tiền phân bón hóa học dẫn đến chi phí đầu vào cao, chất lượng đất ngày càng giảm, đất chai cứng, mất chất dinh dưỡng. Từ khi sử dụng CPSH để cải tạo đất và sản xuất phân hữu cơ chất lượng nâng cao rõ rệt, các loại cây của trang trại như chanh leo, cây dâu tằm, dừa, actiso,… đậu quả cao hơn, năng suất và chất lượng quả đều tăng. Trang trại như một hệ tuần hoàn sinh thái, không có rác thải, chất thải dư thừa, toàn bộ được tận dụng xử lý lại dùng để bón cây, giúp phục hồi đất tơi xốp màu mỡ và tái tạo lại sức sản xuất dưỡng chất cho đất. Hiệu quả kinh tế nâng cao rõ rệt, mỗi năm thu nhập bình quân từ 300 – 400 triệu đồng/năm, cao gấp 2 lần so với trước đây.

Sử dụng CPSH cho cây trồng có thể chủ động giảm lượng phân bón sử dụng từ 10 – 15%; tăng sức kháng bệnh cho cây, cây trồng cho năng suất cao từ 5 – 10%, chất lượng sản phẩm tốt, có màu sắc tươi đẹp, chi phí đầu vào giảm do lượng phân bón hóa học và thuốc BVTV giảm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường, giúp xử lý chất thải hiệu quả cao hơn, không làm thoái hóa đất, tăng độ phì nhiêu của đất, đồng hóa các chất dinh dưỡng giúp sinh vật và vi sinh vật có lợi phát triển, cân bằng hệ sinh thái, cây trồng sinh trưởng một cách bền vững, giảm dịch bệnh bùng phát.

Thực hiện Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển ứng dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp hữu cơ. Tại tỉnh Thanh Hóa, các HTX, trang trại, hộ gia đình tại một số huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Yên Định, Quảng Xương, Thọ Xuân… đã tích cực triển khai và áp dụng CPSH phổ biến như EM, BIMA TRICHODERMA… vào sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu vi sinh. Với nguồn nguyên liệu chính là phế phụ phẩm, chế phẩm gốc với một vài phụ liệu khác là đạm, lân, kali, rỉ mật,… người dân có thể tự sản xuất được phân bón, tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất. Để nhân rộng mô hình này hơn nữa, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng CPSH trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức các lớp chuyển giao khoa học – kỹ thuật, tuyên truyền hướng dẫn người dân cách sử dụng đúng quy trình kỹ thuật; xây dựng các mô hình điểm để người dân học tập, ứng dụng. Khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ an toàn, kiểm soát và giảm tối đa việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Đồng thời, Nhà nước và ngành nông nghiệp cũng cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ các DN đầu tư sản xuất kinh doanh lĩnh vực này, giúp người nông dân nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.

Hiện nay, trong bối cảnh yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng tăng thì xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ sinh học đang được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng ngày càng quan tâm. Sử dụng CPSH trong sản xuất nông nghiệp là một hướng đi đúng đắn, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ an toàn, hệ sinh thái bền vững theo xu hướng sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Có như vậy mới tạo ra những sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Lê Thúy