Mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao tại xã Nga Tân huyện Nga Sơn mang lại hiệu quả kinh tế

Trước những khó khăn do biến đổi khí hậu nên việc chuyển đổi đối tượng, hình thức nuôi thích ứng tình hình, nhất là nuôi tôm để mang lại hiệu quả kinh tế cao là nhu cầu thiết yếu. Thực tiễn đã chứng minh mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao có thể ngăn ngừa được mầm bệnh từ đất, làm giảm dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi tôm, năng suất cao hơn so với nuôi tôm thâm canh theo phương pháp truyền thống. Nắm bắt được điều này nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Nga Sơn đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, giúp nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và phát triển vùng nuôi theo hướng bền vững.

Tìm tới vùng nuôi trồng thủy sản xã Nga Tân huyện Nga Sơn hỏi thăm nhà anh Nguyễn Văn Cường thì không ai còn xa lạ bởi anh là người tiên phong xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao. Những năm trước đây, với diện tích hơn 1 ha anh cường đã đầu tư nuôi tôm theo hướng quảng canh truyền thống, tuy nhiên nhiều vụ nuôi thất bại do không chủ động được nguồn nước, không kiểm soát được dịch bệnh và do ảnh hưởng của thời tiết, kỹ thuật nuôi còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu khi nuôi trái vụ. Để giải quyết vấn đề khó khăn này, với kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được từ năm 2019 anh quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Trong đó diện tích ao lắng 5000 m2 và 2 ao nuôi tôm trong nhà lưới với tổng diện tích 1300m2. Anh xây dựng hệ thống ao lắng để sử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi để bảo đảm chất lượng theo yêu cầu, ngoài ra anh còn xây dựng nhà lưới, tường xây bao quanh, lót bạt dưới đáy ao, lập hệ thống quạt sục khí… toàn bộ ao nuôi đều được thiết kế theo kiểu ao nổi, thay vì đào sâu theo như phương pháp truyền thống, anh Cường chỉ đào sâu khoảng 30cm, sau đó xây cao lên mặt đất từ 1,5 – 2m. Theo anh ưu điểm của ao nổi là đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng nên hạn chế được rủi ro cho tôm trong điều kiện thời tiết biến đổi thất thường. Cũng theo anh tuy vốn đầu tư xây dựng ban đầu khá cao nhưng có thể sử dụng được từ 5 đến 7 năm.

Mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao

Bên cạnh đó lợi thế lớn nhất của việc nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng ứng dụng công nghệ cao chính là quy trình nuôi khép kín, người nuôi chủ động được kiểm soát môi trường nuôi nên hạn chế đến mức thấp nhất nhiều nguy cơ dịch bệnh ngay từ khi bắt đầu thả nuôi, ngoài ra mật độ nuôi cũng dày hơn so với môi trường nuôi tự nhiên, trung bình từ 200 – 250 con/m2, sau thời gian nuôi từ 2,5 – 3 tháng là có thể cho thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 40 – 50 con/kg với năng xuất đạt 20 – 25 tấn/ha. Cũng theo anh mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 – 2,5 lần so với nuôi thông thường. Cũng theo anh Cường ngoài yếu tố môi trường, trong nuôi tôm theo hướng công nghệ cao thì chi phí thức ăn chiếm  tới 50 – 60% giá thành sản xuất, do đó việc lựa chọn và quản lý thức ăn để nuôi tôm phù hợp và đạt hiệu quả kinh tế cao là vấn đề rất quan trọng. Nếu quản lý thức ăn không tốt giá thành thức ăn sẽ tăng lên, thức ăn dư thừa sẽ làm ô nhiễm môi trường. Anh cũng cho biết giống tôm thẻ được anh nhập từ các tỉnh phía nam như Ninh Thuận, Khánh Hòa, với giá nhập như hiện nay dao động từ 90 – 100 đồng/con. Sau 3 tháng nuôi là cho thu hoạch với giá bán là 280000 đồng/kg. Trừ chi phí thức ăn, con giống cũng cho anh thu lãi gần 300 triệu đồng. Anh cũng cho biết thêm về thị trường tiêu thụ được các thương lái đến tận nơi thu mua ngoài ra các cấp chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm như xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, siêu thị. Khuyến khích phát triển hình thức liên kết hợp đồng giữa doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến với người nuôi hoặc nhóm hộ nuôi. Thành lập các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, các nhóm hộ, hộ gia đình sản xuất tập trung quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao được đánh giá là bước thay đổi đột phá cho nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Thời gian tới, các cấp chính quyền sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích, đầu tư áp dụng nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao, UBND huyện Nga Sơn sẽ tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp  các công trình như, hệ thống kênh cấp nước, thoát nước vùng nuôi trồng thủy sản… đồng thời tiếp tục thực hiện và triển khai  có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp, giúp người dân tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất.

 

Hoàng Bính