Hiệu quả các mô hình tích tụ, tập trung đất đai ở Thanh Hóa

Tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 1998 thông qua việc đổi điền, dồn thửa. Tuy nhiên, phải đến năm 2015, khi tỉnh bắt đầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì việc tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn mới được chú trọng thực hiện.

Đến năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì vai trò, tầm quan trọng của công tác tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn càng được khẳng định. Do đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã và đang nỗ lực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, từ đó xây dựng được những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế, bắt kịp với xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại.

Nhưng cho tới nay, nhận thức về vị trí, vai trò và lợi ích của việc tích tụ , tập trung đất đai ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế. Hầu hết các địa phương đều chưa có quy hoạch cụ thể tạo thuận lợi cho việc tích tụ đất, lập trang trại để tạo ra được các vùng sản xuất lớn, tập trung, chuyên canh cho rau quả, sản xuất hàng hóa tạo sản lượng lớn ổn định, chất lượng cao… đáp ứng yêu cầu thị trường. Hiện nay, sản xuất của người nông dân vẫn chủ yếu theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống, dựa chủ yếu vào khai thác lợi thế tự nhiên, theo mùa vụ nên vào thời kỳ cao điểm của các mùa vụ thì lượng hàng hóa tập trung quá cao, không tiêu thụ nhanh thì thua lỗ nặng, nhưng trái vụ thì hầu như không có, không tạo được sản lượng đủ lớn, ổn định cho xuất khẩu. Sản xuất chủ yếu vẫn theo quy mô hộ gia đình. Quy mô sản xuất quá nhỏ bé khiến cho sản lượng hàng hóa không nhiều. Bên cạnh đó, việc mở rộng sản xuất cây rau quả phục vụ chế biến, xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn. Hợp đồng ký kết giữa một số doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Khi giá thị trường lên cao, nông dân bán sản phẩm ra ngoài hoặc bán lẻ ở chợ. Nhiều hộ nông dân còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc kích thích sinh trưởng tùy tiện nên sản phẩm không đạt yêu cầu. Cần có cơ chế hỗ trợ các HTX xây dựng mối quan hệ giữa người sản xuất và các nhà xuất khẩu. Ngành chức năng tăng cường các dịch vụ, cung cấp thông tin thị trường cho người sản xuất; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến rau quả cho người sản xuất cũng như các tác nhân trung gian. Các địa phương khuyến khích nông dân áp dụng giống mới, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và chế biến, đầu tư xây dựng mô hình sản xuất chất lượng cao…

Hiện nay, toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung được 15.891 ha tại 25 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 1.895 ha được tích tụ, tập trung theo hình thức chuyển nhượng, 2.100 ha tích tụ, tập trung theo hình thức thuê đất; còn lại là tích tụ, tập trung theo hình thức góp vốn liên kết sản xuất bằng quyền sử dụng đất. Có 51 doanh nghiệp tham gia tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp với diện tích đất tích tụ 3.177,9 ha. 11 HTX tham gia tích tụ đất nông nghiệp, sản xuất chủ yếu rau màu các loại thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, có 5.861 hộ gia đình, cá nhân tham gia tích tụ đất đai xây dựng các mô hình trang trại, gia trại và nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện các chính sách khuyến khích của tỉnh về việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, huyện Thiệu Hóa đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện đã tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao được 360 ha; trong đó, lúa 220 ha, ngô 100 ha, các loại cây trồng khác 40 ha. Ngoài ra, một số vùng có tiềm năng tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, như: Vùng rau an toàn tập trung, vùng cây ăn quả tập trung… Đi đôi với đó, huyện tạo thuận lợi để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, toàn huyện có 40 DN đang tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đảm nhận các khâu như cung ứng vật tư đầu vào, chuyển giao khoa học – kỹ thuật hoặc chế biến và tiêu thụ nông sản… Trong đó, có 20 DN liên kết chặt chẽ, thường xuyên với các hộ nông dân trên địa bàn; các nội dung liên kết chủ yếu là đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Điển hình, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn tổ chức thuê lại 160 ha đất sản xuất lúa của Nhân dân thị trấn Thiệu Hóa để sản xuất lúa hữu cơ. Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây ngô ngọt với một số xã, thị trấn, diện tích khoảng 30 ha/năm. Công ty CP Nông sản Phú Gia, đầu tư trang trại chăn nuôi lợn ngoại tại xã Thiệu Phú, với diện tích 41.000m2, quy mô 500 con lợn nái và 2.000 lợn thương phẩm…

      Vùng sản xuất lúa sạch toàn tập trung tại Thị Trấn Thiệu Hóa

Tại huyện Yên Định, nhờ thực hiện tích tụ ruộng đất, người dân và doanh nghiệp đã liên kết duy trì thực hiện các mô hình sản xuất 500 ha lúa gạo an toàn, 1.200 ha ớt xuất khẩu, 40 ha rau an toàn, 60 ha bưởi Diễn, 150 ha ngô ngọt tại các xã Định Tường, Quý Lộc, Yên Thái,… Đồng thời, chuyển đổi hơn 529,9 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao và xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp, trồng trọt chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Yên Định, cho biết: Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, UBND huyện đã có quyết định về việc giao chỉ tiêu, kế hoạch tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao năm 2021 với tổng diện tích 1.100 ha để các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Theo đó, các xã, thị trấn đang tích cực rà soát diện tích đất sản xuất hiện có và xây dựng kế hoạch tích tụ đất đai để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu đầu tư. Khuyến khích các hộ sản xuất góp đất liên kết tạo thành vùng sản xuất lớn. Tiếp tục kêu gọi thu hút doanh nghiệp liên kết đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp…

Từ kết quả đạt được trong việc tích tụ ruộng đất tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế đạt cao. Trong sản xuất trồng trọt tăng từ 1,5 – 1,7 lần so với sản xuất thông thường; sản xuất thủy sản tăng 30% so với trước khi tích tụ ruộng đất, góp phần tích cực trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có quy mô tập trung, gắn với cơ giới hóa, áp dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường./.

                                                                                                      Văn Lộc