Phát triển nghề chế biến nước mắm tại huyện Hoằng Hóa

Huyện Hoằng Hóa có hơn 12km đường bờ biển là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề chế biến nước mắm. Tận dụng tiềm năng lợi thế đó, người dân làng chài ven biển Hoằng Hóa, đặc biệt là xã Hoằng Phụ đã phát triển nghề chế biến nước mắm truyền thống vừa để gìn giữ nét văn hóa làng nghề vừa mang lại thu nhập kinh tế cho các hộ sản xuất.

(Nước Mắm Bà Hoan – Công ty TNHH Khuê Các, Hoằng Phụ- sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3sao Ocop được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng)

Nghề chế biến nước mắm tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa là nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, thương hiệu nước mắm Khúc Phụ được đông đảo khách hàng trong, ngoài tỉnh và nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên khoảng 10 năm trở về trước, nghề chế biến nước mắm truyền thống lâm vào cảnh khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Do sự nổi lên của nước mắm công nghiệp trong khi việc sản xuất và tiêu thụ nước mắm truyền thống nhỏ lẻ, chính quyền địa phương cũng chưa có định hướng và chính sách cụ thể cho sự phát triển của nghề. Nước mắm Khúc Phụ chưa được quan tâm đăng ký nhãn hiệu, việc quảng bá giới thiệu cũng hạn chế trên phương tiện thông tin đại chúng, chủ yếu qua hình thức truyền miệng. Một số hộ sản xuất vì lợi nhuận đã không giữ được đúng quy trình, kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước mắm truyền thống nên làng nghề bị mai một dần. Những năm gần đây, cùng với sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương, nhận thức của người dân đối với nghề chế biến nước mắm truyền thống được nâng cao hơn. Năm 2015, nước mắm Khúc Phụ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp logo và chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã vạch. Nhờ đó nước mắm Khúc Phụ được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, thị trường tiêu thụ được phát triển rộng rãi. Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT Hoằng Hóa, hiện nay toàn huyện có 390 hộ chế biến nước mắm, chủ yếu ở 3 thôn Bắc Sơn, Hợp Tân và Hồng Kỳ, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1000 lao động với mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người. Mỗi năm bình quân sản xuất được hơn 1,5 triệu lít nước mắm và hàng nghìn tấn mắm các loại. Bởi vậy, huyện Hoằng Hóa cũng như xã Hoằng Phụ xác định phát triển nghề chế biến nước mắm là nghề kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống cho người dân địa phương. Thời gian qua huyện luôn khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nước mắm mở rộng quy mô nhà xưởng, nâng cao công suất sản xuất; đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến mắm theo phương pháp truyền thống để giữ nguyên hương vị; ứng dụng khoa học – công nghệ vào trong chế biến như sử dụng hệ thống lọc nước mắm hiện đại, dây truyền đóng chai, dán nhãn tự động để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm được thời gian, nhân công mà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện cũng khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, cơ sở chế biến đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Đẩy mạnh, xúc tiến quảng bá sản phẩm thông qua tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến như: đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá; nâng cao nhân lực đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu phát triển ngành khai thác, hoàn thiện quy trình giám sát và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy hải sản khai thác; phát triển đội tàu dịch vụ, thu mua, bảo quản và sơ chế sản phẩm trên biển để tiết kiệm thời gian và giảm chi phí, nâng cao chất lượng nguyên liệu; Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới trong khai thác và bảo quản trên tàu khai thác, từ đó nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu nên các nhà sản xuất luôn chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nước mắm Khúc Phụ được vươn xa hơn không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu nước ngoài. Hiện, xã đã có 7 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng và công nhận OCOP; trong đó, Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia, Công ty TNHH Khuê Các và HTX Chế biến nước mắm Khúc Phụ có 1 sản phẩm mắm tôm đạt 5 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 3 sao. Đáng chú ý sản phẩm của Công ty Lê Gia không chỉ có mặt tại các siêu thị lớn ở cả trong và ngoài tỉnh như Winmart, Aeon, Market/Go, Co.op Mart, BigC… hay các cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Biggreen… mà còn xuất khẩu sang các thị trường Quốc tế như: Hồng Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nam Phi,…. Các công ty cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm nước mắm, mắm tôm, mắm tép,… xuất xứ từ Hoằng Phụ ngày càng được nhiều người tiêu dùng  trong và ngoài nước biết đến và tin tưởng sử dụng, mang lại thu nhập trung bình cho các hộ sản xuất với doanh thu trung bình 500 triệu đồng/hộ/năm, lợi nhuận trung bình 150 triệu đồng/hộ/năm.

Nghề chế biến nước mắm Khúc Phụ, huyện Hoằng Hóa nếu tiếp tục duy trì, phát triển đúng hướng sẽ góp phần vừa bảo tồn được làng nghề truyền thống, lưu giữ nét văn hóa ẩm thực, văn hóa vùng miền vừa thúc đẩy phát triển du lịch biển trong hoạt động tham quan, trải nghiệm nghề làm mắm đối với du khách, giúp cải thiện thu nhập cho người dân vùng biển.

Lê Thúy