THỰC PHẨM SẠCH: XU HƯỚNG SẢN XUẤT TẤT YẾU THEO NHU CẦU TIÊU DÙNG

Tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và tốt cho sức khỏe được quan tâm nhiều hơn, đã trở thành xu hướng hiện đại và là nhu cầu thiết yếu của người dân. Nắm bắt được yêu cầu đó, nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ra đời bước đầu đạt được nhiều kết quả cho đầu ra sản phẩm tiêu thụ khá ổn định.

Qua khảo sát thực tế tại một số cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố Thanh Hóa,lượng tiêu thụ thực phẩm sạch năm nay tăng 20%- 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo chị Tuyết chủ cửa hàng nông sản sạch tại phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hoá – ITC FOOD cho biết: Số người tiêu dùng nông sản sạch hiện nay có xu hướng gia tăng, nhất là từ khi do ảnh hưởng của dịch H5N6, dịch tả lợn châu phi…việc lựa chọn sản phẩm ở các cửa hàng thực phẩm sạch là một lựa chọn yên tâm đối với người tiêu dùng; Theo kết quả khảo sát mới nhất của hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, có tới 90% người tiêu dùng nhận định rằng sản phẩm đạt các chứng nhận tiêu chuẩn như ISO, VietGAP, GlobalGAP… sẽ giúp họ yên tâm hơn khi mua sử dụng. Cuộc khảo sát này còn chỉ ra yếu tố chất lượng và tính an toàn khi sử dụng được người tiêu dùng hiện nay quan tâm hơn cả. Có thể thấy, sự tăng trưởng kinh tế ổn định đã làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người và tạo nền tảng cho sự tăng trưởng bùng nổ của ngành thực phẩm. Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng của người dân đang dịch chuyển sang tiêu dùng an toàn và mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng là an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe.

Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch ngày càng tăng cao, Thanh Hóa đã có nhiều mô hình, gia trại, trang trại, doanh nghiệp đầu tư sản xuất thực phẩm sạch như: Mô hình trồng nấm an toàn của anh Lê Trọng Thiện xã Đông khê, huyện Đông sơn, dựa vào nguyên liệu sẵn có ở địa phương đã sản xuất thành công hơn 20 nghìn phôi nấm các loại, từ những loại nấm được trồng đại trà như sò trắng, sò nâu…đến các loại nấm đòi hỏi kỹ thuật cao, có giá trị kinh tế như nấm linh chi, nấm hoàng đế. Sản phẩm của anh đang được cung cấp cho 04 cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Thanh Hoá, các tỉnh, thành khác trong cả nước và hướng tới xuất khẩu. Mỗi mô hình, trang trại có thế mạnh và đặc thù riêng, trong đó mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, doanh nghiệp luôn được xác định là “đầu tàu”, có vai trò quyết định trong phát triển chuỗi liên kết từ tổ chức sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, phân phối trực tiếp nông sản thực phẩm an toàn trên thị trường. Trong đó, nổi lên một số doanh nghiệp điển hình như:  Công ty TNHH gia cầm HAPPY FARM (xã Yên Thịnh, huyện Yên Định) đã thực hiện liên kết chuỗi sản xuất và cung ứng thịt gà với cơ sở giết mổ Trịnh Đình Long ( xã Định Liên, huyện Yên Định); Công ty TNHH MTV nông sản hữu cơ Như Thanh (xã Yên Thọ, huyện Như Thanh) liên kết trong việc sản xuất cung ứng nấm rơm, mộc nhĩ, nấm linh chi với cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn Nguyễn Thị Mỹ Phương( thị trấn bến sung, huyện Như Thanh); Công ty CP GREAT FARM (xã Xuân Khánh, huyện Thọ Xuân), các hộ sản xuất rau an toàn ( TP Thanh Hóa) và các hộ trồng lúa ( xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) liên kết với công ty TNHH nông sản Tiến Sáu (xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) cung cấp rau các loại, gạo bắc thơm, gạo thái xuyên, dưa vàng cho công ty cổ phần Thực phẩm xanh HC ( phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa)…. Các đơn vị cam kết sẽ tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và thực hiện cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Để tiến tới sản xuất an toàn thì các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường cần phải được triển khai nhân rộng. Theo đó, quy trình từ người sản xuất, đến tiêu dùng phải khép kín và được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì điều này mà hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tự chủ động được vùng nguyên liệu bằng cách thuê đất của người dân để hình thành nên trang trại của riêng mình. Các sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt trong trang trại đều được kiểm định, cấp giấy chứng nhận ATTP, sau đó được đóng gói và chuyển thẳng đến cửa hàng. Với chuỗi sản xuất như vậy, người tiêu dùng có thể hoàn toàn đặt niềm tin vào những sản phẩm được cung cấp ra thị trường.

Hiện tỉnh đã có nhiều chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình phát triển loại hình nông nghiệp sạch này. Tuy nhiên để sản xuất thực phẩm an toàn thành tập quán canh tác, cần xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để giảm các đầu mối trung gian. Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình xúc tiến thương mại thông qua việc xây dựng logo, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, kỹ năng tiếp cận thị trường. Để sản phẩm sạch được lan tỏa đến người tiêu dùng nhà nước cần hỗ trợ phát triển hạ tầng hệ thống phân phối sản phẩm sạch an toàn theo chuỗi được chứng nhận để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và ủng hộ. Đồng thời, hướng tới sản xuất hàng hóa lớn tập trung, có chất lượng đồng đều, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ ổn định về số lượng và chất lượng.

Thanh Tâm