HIỆU QUẢ TỪ NGHỀ NUÔI ONG LẤY MẬT Ở THẠCH THÀNH

Tận dụng lợi thế về địa hình và điều kiện tự nhiên thời tiết cùng với sự ưu đãi về nhiều loại cây lâm sản và cây ăn quả, thời gian gần đây nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Thạch Thành phát triển khá mạnh. Nhiều gia đình giàu lên nhờ biết đầu tư vào nuôi ong một cách khoa học.

Những năm gần đây, thấy nghề nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít chịu rủi ro, thất thoát vốn nên nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô, tận dụng lợi thế sẵn có tăng thêm số lượng đàn, đưa nghề nuôi ong lấy mật trở thành một hướng đi tiềm năng cải thiện đời sống. Hiện nay, toàn huyện có gần 50.000 đàn ong, phát triển ở 24 xã, đã đưa huyện Thạch Thành là huyện có số đàn ong lớn nhất tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Thành Hưng;

Thành Hưng là địa phương dẫn đầu toàn huyện về nghề nuôi ong lấy mật. Thực tế mô hình này đã khẳng định được vai trò, vị trí trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm là một trong những tiêu chuẩn quan trọng tạo dựng thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm, năm 2018 các hộ nuôi ong lấy xã Thành Hưng đã thành lập HTX sản xuất mật ong Hưởng Hoa. Trao đổi với chúng tôi chị Nguyễn Thị Hoa thành viên của HTX sản xuất mật ong Hưởng Hoa chia sẻ: Sau khi tìm hiểu, được biết nhu cầu sử dụng mật ong trên thị trường ngày càng tăng, nhưng vấn đề chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm hơn. Để cho ra nguồn mật ong thiên nhiên đạt chất lượng cao nhất, các thành viên trong HTX đã đầu tư máy móc, xử lý qua các công đoạn: Lọc thô, hạ thủy phần, xử lý nấm mốc, a xít trong mật và lọc siêu mịn. Sản phẩm của HTX gồm: Mật ong hoa nhãn, mật ong hoa rừng – mỗi sản phẩm đều có tem nhãn, mã vạch sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được cơ quan chức năng chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm;

Ngoài nguồn thu từ bán mật ong hoa nhãn, mật ong hoa rừng đạt chất lượng cao, HTX còn cung cấp đa dạng các mặt hàng khác như: mật ong nguyên sáp, phấn hoa, ong mật giống. Ngoài ra HTX đã nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm sữa chua mật ong, sữa chua mật ong curcumin (tinh chất bột nghệ) có lợi sức khoẻ, đây là sản phẩm kết hợp các ưu điểm của mật ong với tinh chất bột nghệ rất ngon và bổ dưỡng, mang đặc trưng khác biệt so với các loại sữa chua khác. Hiện sản phẩm của các thành viên sản xuất ra được HTX tiêu thụ và đã ký kết với Siêu thị Coopmart Thanh Hóa để tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên. Việc xây dựng được thương hiệu sản phẩm, đa dạng sản phẩm mật ong đã mang lại thu nhập cao cho các hộ nuôi ong của HTX sản xuất mật ong Hưởng Hoa.

Đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật gia đình chị Nguyễn Thị Hoa một trong những hộ nuôi ong hiệu quả có mức thu nhập khá. Đưa chúng tôi đi thăm quan mô hình nuôi ong, chị Hoa cho biết: đã hơn 10 năm gắn bó với nghề, ban đầu gia đình chỉ nuôi ong theo phương pháp truyền thống quy mô nhỏ. Tùy vào từng thời vụ , đàn ong có thể hút mật hoa tự nhiên từ các loại cây xung quanh vườn nhà hoặc trong rừng, cứ đến mùa lại mới cho thu hoạch 2-3 lít mật ong ngọt thơm. Dần dần tôi nhận thấy đây là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong, vợ chồng tôi đã mạnh dạn tìm hiểu nghiên cứu, học hỏi cách làm hay của các mô hình nuôi ong thành công ở nhiều địa phương và quyết định mở rộng quy mô, đến nay nên tới 700 đàn ong, các đàn ong được chăm nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời đầu tư máy móc công nghệ chế biến hiện đại. Nhờ vậy, sản phẩm mật ong của gia đình chị đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiên an toàn vệ sinh thực phẩm, có tem nhãn, cấp mã vạch sở hữu trí tuệ và công nhận đạt 3 sao sản phẩm OCOP Thanh Hóa. Mỗi năm gia đình chị sản xuất được hơn 1 tấn mật ong cùng với các sản phẩm thu được từ nuôi ong, cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng, mỗi vụ trừ chi phí đầu tư, gia đình chị thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng. Không chỉ vậy mô hình nuôi ong của gia đình chị Hoa đang được xem là địa điểm thăm quan học hỏi của nhiều cá nhân.

Những kết quả bước đầu từ nghề nuôi ong lấy mật đã mở ra một hướng đi quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương, góp phần xây dựng kinh tế địa phương ngày càng giàu mạnh. Ngoài cái lời trực tiếp cho người nuôi ong, thì các đàn nuôi ong còn đem lại lợi ích cho xã hội, trong quá trình lấy mật cũng như là phấn hoa, con ong sẽ giúp thụ phấn cho các loại cây trồng và hoa màu, từ đó sẽ làm tăng hiệu quả đậu trái của cây trồng, làm tăng năng suất cây trồng 15 -20%, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp cho con người những sản phẩm bồi dưỡng và bảo vệ sức khỏe mà không có sản phẩm nào thay thế được. Từ những hiệu quả từ nghề nuôi ong lấy mật huyện Thạch Thành đã khuyến khích các hộ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình này, tập trung theo hình thức liên kết thành các hợp tác xã nuôi ong để cùng liên kết hỗ trợ nhau sản xuất, tạo ra sản phẩm, thương hiệu ổn định, tăng giá trị kinh tế của mật ong.

Thanh Tâm