Trồng nấm sò an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nấm Sò được xem là một loại thực phẩm rau sạch, giàu dinh dưỡng, chất khoáng, protein, vitamin và là nguồn dược liệu quý. Nguyên liệu để sản xuất nấm có trong các phế phẩm như mạt cưa, mía đường, rơm rạ, gỗ mục… Đây là những nguyên liệu rẻ và có sẵn. Thời gian trồng nấm Sò khoảng 8 tháng. Nấm Sò có chu kỳ sinh trưởng ngắn ngày, vòng quay vốn nhanh. Do đó, hạn chế được tối đa rủi ro. Mặt khác, nấm là thực phẩm có giá trị kinh tế cao trong khi công nghệ trồng và sơ chế nấm không phức tạp, phù hợp với trình độ lao động ở nông thôn…. Đó là nhận xét của anh Lê Văn Thành xã Thọ Thế (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), khi trao đổi về mô hình trồng nấm Sò, là một trong những gương nông dân điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương với mô hình trồng nấm sạch cho hiệu quả kinh tế cao.

Là Chủ tịch Hội nông dân xã Thọ Thế (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) – anh Lê Văn Thành với mong muốn được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Trong quá trình làm việc, anh đã đi tới nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu và bắt đầu có đam mê với cây nấm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của việc trồng nấm cao gấp nhiều lần so với trồng lúa thông thường trong khi nguồn nguyên liệu tại địa phương khá dồi dào , Năm 2015, anh Thành đã quyết định xây dựng mô hình trồng nấm tại gia đình. Sau một thời gian trồng thử nghiệm và cho kết quả khả quan, anh quyết định mở rộng diện tích khoảng 500m2, đầu tư các giàn treo kiên cố, làm giàn hấp bịch phôi nấm. Anh Thành cũng mạnh tay đầu tư mua sắm thêm máy móc hiện đại khác, với mong muốn xây dựng một quy trình khép kín trong sản xuất nấm, để tạo ra những sản phẩm nấm sạch, an toàn.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng nấm với hàng nghìn bịch nấm sò vừa cho thu hoạch, anh Thành chia sẻ: “Nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh… Do đó, người sản xuất cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để nấm có thể sinh trưởng và phát triển tốt”. Để sản xuất nấm phải trải qua 4 giai đoạn, trước tiên là xử lý nguyên liệu, rồi đưa vào hấp khử trùng (cách thủy) ở nhiệt độ 100oC trong 10 – 20 giờ; tiếp đến là cấy giống nấm Sò vào các bịch nấm. Sau đó, bịch nấm được cấy chuyển vào nơi ươm, nhà ươm cần thoáng mát, sạch sẽ và không cần nhiều ánh sáng. Bịch nấm phát triển tốt sau 20 – 25 ngày có thể rạch bịch, lúc này, dùng dao nhọn, sắc rạch 4 – 6 đường xung quanh; khoảng cách các đường rạch đều nhau, chiều dài vết rạch 3 – 4 cm theo chiều dọc bịch nấm. Giai đoạn cuối cùng là chăm sóc và thu hái nấm. Trong giai đoạn này, cần treo bịch nấm cách nhau 10 – 15 cm để khi nấm ra không bị chạm vào nhau và dễ thu hái. Khoảng 2 – 3 hàng nấm tạo lối đi rộng 40 cm để đi lại, chăm sóc. Khi nấm bắt đầu lên, tiến hành tưới nước theo nguyên tắc tưới nước dạng sương mù, lượng ít nhưng thời gian tưới kéo dài trong một lần tưới đảm bảo bề mặt mũ nấm thường xuyên có lớp nước đọng ở trên. Đặc biệt, phải luôn giữ nhiệt độ thích hợp để nấm sinh trưởng và phát triển tốt (từ 18 – 25oC); khi nấm được thu hoạch, hái 1 – 2 lần/ngày (sáng sớm, chiều tối), hái đúng độ tuổi sẽ đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Việc hái nấm và vệ sinh nấm cũng rất quan trọng để không ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nấm.

Hiện nay, anh Thành đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng để làm mô hình nấm với diện tích 500 m2/10.000 bịch nấm; Mỗi ngày, anh thu hái từ 50-70 kg nấm; thời điểm nấm ra nhiều cho sản lượng lên đến 120 kg/ngày và thời gian cho thu hoạch liên tục khoảng 5 tháng. Hiện, giá bán nấm dao động từ 25.000 – 27.000 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lãi hơn100 triệu đồng/năm.

Ông Nhữ Mai Thoả – Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Triệu Sơn cho biết thêm: “Mô hình trồng nấm sò, của anh Lê Văn Thành – Chủ tịch Hội nông dân xã Thọ Thế là một mô hình mới, khá triển vọng, cho hiệu quả kinh tế cao. Hội cũng đang xây dựng kế hoạch trong thời gian tới sẽ có những chỉ đạo cụ thể để phát triển, nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện nhằm tạo việc làm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân”,

Nhờ không ngừng học hỏi, anh Thành không những phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững mà còn tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho một số lao động địa phương. Sản phẩm làm ra ngày một nhiều, hiện anh đang cung cấp nấm cho các nhà hàng, thương lái trên địa bàn trong huyện, trong tỉnh, có thời điểm khách hàng từ Hà Nội cũng vào đặt mua. Ngoài ra, anh còn bán phôi trồng nấm cho một số hộ dân có nhu cầu mua để tăng thu nhập.

Nói về những dự định, anh Thành chia sẻ thêm: Thời gian tới, tôi có kế hoạch mở rộng quy mô nhà xưởng thêm nữa; nghiên cứu và sản xuất giống nấm thay vì phải đi nhập như hiện nay; tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ./.

Thanh Tâm