Viện Nông nghiệp Thanh Hóa: Mô hình mới, kỳ vọng mới cho nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 30-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là mô hình viện nghiên cứu nông nghiệp cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước, tạo tiền đề quan trọng trong việc tập trung nguồn lực, đầu mối nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, tư vấn về chiến lược phát triển và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Ông Nguyễn Đình Hải

Viện Trưởng Viện Nông Nghiệp Thanh Hóa

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập, trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tư vấn về chiến lược phát triển và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Viện có nhiệm vụ xây dựng chương trình, dự án, kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp dài hạn, 5 năm và hàng năm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thực hiện nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Tuyển chọn, khảo nghiệm và sản xuất thử giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm và giống vi sinh vật.

Thực hiện hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm và công nghệ lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản; cung cấp dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các sản phẩm phù hợp với lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Viện. Lập dự án đầu tư, các dự án quy hoạch, đề án, phương án, mô hình dự án về phát triển nông nghiệp nông thôn; tư vấn đầu tư, thẩm định, khảo sát, thiết kế, giám sát, lắp đặt thi công các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi và hạ tầng nông nghiệp nông thôn; báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, quy hoạch.

Trụ sở Viện Nông Nghiệp Thanh Hóa

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa gồm: Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa; Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi Thanh Hóa; Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp Thanh Hóa; Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản; Đoàn Quy hoạch nông, lâm nghiệp Thanh Hóa; Ban Quản lý Trung tâm Phát triển nông thôn thuộc Chi cục Phát triển nông thôn và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa. Sau khi sáp nhập, viện đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy, sắp xếp biên chế, người lao động với 4 phòng chuyên môn, 3 trung tâm trực thuộc, từng bước ổn định tổ chức, cơ sở vật chất, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp và nhiệm vụ mới đúng tiến độ.

Sau khi thành lập, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa khắc phục được tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các Trung tâm, các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi đi vào hoạt động Viên cũng thu hút được lực lượng lao động có trình độ khoa học công nghệ tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở nâng cao đời sống, thu nhập của cán bộ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Bên cạnh đó viện cũng đảm bảo sự phân công, hợp tác giữa các bộ phận nghiên cứu, chuyển giao một cách khoa học để có các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu thực tế của của sản xuất và nhu cầu của nhân dân. Viện cũng góp phần tăng cường hợp tác với các cơ sở khoa học công nghệ trong nước và quốc tế để tiếp nhận, chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp.

Từ khi thành lập đến nay, viện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện đúng tiến độ 9 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp chuyển tiếp (trong đó có 1 nhiệm vụ cấp bộ và 8 nhiệm vụ cấp tỉnh). Thu hút mới 1 nhiệm vụ cấp Trung ương và 3 nhiệm vụ nghiên cứu cấp tỉnh bắt đầu triển khai từ năm 2020. Tiếp tục nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới, hoàn thiện quy trình nhân giống sản xuất thương phẩm lúa lai, lúa thuần; tổ chức khảo nghiệm hơn 200 giống lúa, ngô, lạc, đậu tương; nghiên cứu phát triển, nhận chuyển giao các cây rau, cây hoa, cây ăn quả; giống cây lâm nghiệp quý, giá trị kinh tế cao theo hướng mô, hom và trồng khảo nghiệm các mô hình keo lai mô phục vụ trồng rừng gỗ lớn; cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò và đàn trâu; nghiên cứu chọn tạo, từng bước sản xuất cung ứng ra thị trường các giống con chủ lực, lợi thế và đặc sản có chất lượng cao, sạch bệnh và gắn với hoạt động lưu giữ giống gốc ông bà, cụ kỵ; tăng cường hoạt động dịch vụ tư vấn trong quy hoạch, xây dựng đề án trong nông nghiệp; phối hợp với các trung tâm tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và dịch vụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có giá trị kinh tế cao, như: Đông trùng hạ thảo, sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu, sản phẩm gạo chất lượng cao… Sản xuất, dịch vụ các loại giống cây trồng, vật nuôi phục vụ nhu cầu giống tốt cho sản xuất.

Riêng trong Trong 6 tháng đầu năm 2020, Viện đang triển khai thực hiện 1 đề tài cấp Bộ “Xây dựng mô hình sản xuất lúa, gạo an toàn, bền vững theo chuỗi giá trị tại một số huyện nông thôn miền núi tỉnh Thanh Hóa”; chọn tạo được giống lúa thuần chất lượng Sao Vàng, Việt Thanh 30 gửi đi khảo nghiệm quốc gia đánh giá giống mới vụ xuân 2020. Triển khai dự án NTMN cấp bộ “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt tại các huyện trung du, miền núi của tỉnh Thanh Hóa”; “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm thử nghiệm Phi góp phần bảo tồn và phát triển loài thủy sản quý hiếm tại Thanh Hóa”.

Viện cũng đã sản xuất 13.383 kg Trà lúa Bắc Thịnh SNC; 31.004 kg Trà lúa Bắc Thịnh NC; 10.878 kg Trà lúa SUMO;  Sản xuất nấm:1.100 hộp tươi nấm Đông trùng hạ thảo; 5.000 bịch, thu hoạch 679 kg nấm Sò; 13.000 bịch nấm Linh chi; Ra ngôi 2.000 cây hoa đồng tiền; 2,5 kg lan kim tuyến ngâm rượu. Sản xuất rượu ngâm các loại rượu từ sản phẩm KHCN: Ngâm 1.500 lít rượu đông trùng hạ thảo; 200 lít rượu lan kim tuyến; 200 lít rượu Linh chi….

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, triển khai các đề tài, dự án hoạt động khoa học công nghệ trong nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị kinh tế và dịch vụ tư vấn. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thường xuyên cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học và yêu cầu xét nghiệm các bệnh cây trồng, vật nuôi, phân tích các dư lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu ứng dụng xây dựng thực hiện các mô hình nông nghiệp thông minh. Tích cực hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Nghiên cứu đầu tư hạ tầng cho Trạm thực nghiệm và bảo vệ rừng Ngọc Lặc trở thành nơi sản xuất cung cấp giống cây trồng chất lượng cao cho khu vực các huyện miền núi của tỉnh./.