Thực trạng và một số giải pháp tiêu thụ các sản phẩm ocop tỉnh Thanh Hóa

Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 59 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3-5 sao, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao đã đề xuất trở thành sản phẩm OCOP Quốc gia là nước mắm Lê Gia – cốt đặc biệt và mắm tôm Lê Gia (của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và thương mại dịch vụ  Lê Gia, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa). Ngoài ra, ở cấp huyện, thành phố các địa phương cũng đã lựa chọn, chấm điểm phân hạng các sản phẩm OCOP cấp huyện. Bước đầu đã thu hút nhiều chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cá nhân tham gia, qua đó giúp các địa phương tìm kiếm, phát triển được nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có thế mạnh. Với kết quả đạt được, chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường theo huớng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Tuy nhiên, nút thắt khiến cho các sản phẩm OCOP của tỉnh ta chưa thể vươn xa, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường lớn là vấn đề liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, các cửa hàng bán lẻ lớn. Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu có mặt trong các siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, còn thị trường ngoài tỉnh rất ít.

Sản phẩm Gạo Hương Thanh 2 của Công ty CP Thương mại Sao Khuê được xếp hạng tiêu chuẩn 4 sao đợt 3 năm 2020

Việc lựa chọn, phát triển rồi đánh giá, gắn sao cho sản phẩm OCOP mới chỉ là bước đầu. Khâu quan trọng là xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, bán lẻ, có như vậy chuỗi giá trị mới phát triển bền vững. Thế nhưng, đây vẫn còn là điểm yếu của các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh ta. Nguyên nhân do các chủ thể tham gia OCOP phần lớn đều là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô sản xuất nhỏ nên kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ khó khăn. Các sản phẩm OCOP tuy có chất lượng tốt, có tiềm năng phát triển song hầu như các chủ thể còn lúng túng trong việc xây dựng và nâng tầm thương hiệu; bao bì, nhãn mác chưa bắt mắt và tạo ra sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng…;

Đơn cử như sản phẩm dầu lạc Linh Phượng của hộ sản xuất Nguyễn Thị Thùy Linh (Hà Trung) cũng là một trong những sản phẩm được xếp hạng 3 sao trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tháng 2 năm 2020. Sản phẩm được đánh giá có chất lượng, nhưng thị trường tiêu thụ vẫn còn khá khiêm tốn, mới chỉ có mặt tại một số cửa hàng nhỏ lẻ, bán hàng online. Chị Linh chủ cơ sở sản xuất cho biết hiện nay, chị đang tích cực tìm kiếm, tham gia những chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại với mong muốn đưa sản phẩm vào được các kênh phân phối lớn.

Hay Mật Ong Hưởng Hoa của HTX ong mật Hưởng Hoa (Thạch Thành), sản phẩm mật ong  của hợp tác xã đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp loại 3 sao tháng 2 năm 2020, trao đổi với chúng tôi Bà Nguyễn Thị Hoa – Chủ tịch HĐQT cho biết: Thực tế hiện nay sản phẩm mật ong Hưởng Hoa vẫn đang “đứng ngoài” ngưỡng cửa của các hệ thống bán lẻ lớn, việc mở rộng thị trường còn khó khăn. Vì vậy kết nối sản phẩm OCOP vào thị trường là vấn đề cấp bách để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

Trong khi các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp còn loay hoay trong khâu kết nối thì nhiều siêu thị chưa tìm thấy nguồn hàng phù hợp từ nơi sản xuất. Theo đại diện siêu thị big C  cho biết: Hiện nay trên siêu thị big C Thanh Hóa đang có khoảng 30 sản phẩm ocop từ các địa phương và rất nhiều nông sản đặc sản vùng miền. Quan điểm của phía siêu thị là ủng hộ sản xuất sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa được các sản phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng. Sau này nếu đủ các điều kiện, siêu thị sẵn sàng hỗ trợ các chủ sản xuất để đưa lên quầy vào chuỗi cung ứng lâu dài của siêu thị. Điều đó cũng đồng nghĩa, các sản phẩm OCOP của Thanh Hóa có thể thâm nhập vào được tất cả các siêu thị của hệ thống Big C trên toàn quốc. Mặc dù Big C có nhu cầu kinh doanh sản phẩm ocop nhưng hiện nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức hỏ lẻ, manh mún. Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm ocop chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại;

Nhằm tăng cường phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP Thời gian qua, để xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 13 sản phẩm đạt sao OCOP với mức hỗ trợ 75 triệu đồng/sản phẩm để thực hiện các nội dung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; in tem, nhãn, QR code; in bao bì sản phẩm… Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố đang tiến hành hỗ trợ phát triển cửa hàng giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP ở các địa phương, từ đó giúp người dân nhận biết, mua được đúng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm  thì chính quyền địa phương, ngành chức năng cần tập trung hỗ trợ sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn, các thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện về mẫu mã, bao bì bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, hội thảo; Tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ cước phí vận chuyển đến nơi tiêu thụ sản phẩm ocop cho người sản xuất. Thông qua đó các hộ sản xuất, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất sản phẩm ocop và cung cấp ra thị trường; Bản thân các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất cũng phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất hàng hóa để đáp ứng các điều kiện tối thiểu nhất của siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại và hướng tới xuất khẩu sản phẩm OCOP./.

THANH TÂM