Bánh lá răng bừa truyền thống đặc sản quê hương Lê Hoàn Thọ Xuân

Bánh lá răng bừa có nguồn gốc từ xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, khi xưa vua Lê Hoàn đích thân xuống đồng cày ruộng trong Lễ Hội đầu năm. Đây là một trong những đặc sản tiến vua thời xưa, người dân nơi đây đã chắt lọc những hạt gạo ngon nhất để làm nên những chiếc bánh với hương vị riêng để dâng lên các vị vua. Chiếc bánh có hình răng bừa gắn liền với thanh quả một công cụ lao động của người dân xứ Thanh thời xưa, đây cung là hình tượng từ những thành quả lao động cần cù của họ.

Bánh lá răng bừa là loại bánh truyền thống thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc. Ngày nay bánh lá răng bừa được làm quanh năm để phục vụ du khách về dâng hương tại khu di tích  lịch sử Lê Hoàn và nhân dân trong và ngoài tỉnh.

               Bánh Lá Xuân Lập – Thọ Xuân – Thanh Hóa

Để làm những chiếc bánh xinh xắn như vậy người dân rất vắt vã từ khâu chuẩn bị đến khi hình thành những chiếc bánh như vậy. Gạo để làm bánh lá răng bừa phải là gạo tẻ, dẻo và ngon nhất. Gạo tẻ phải ngâm trong nước lạnh khoảng 2 – 3 giờ rồi đem xay thành bột, thường là xay cùng với nước, bằng chiếc cối xay bột quay tay thủ công (hiện nay đã có máy xay bột) cho bột dẻo và nhỏ mịn hơn. Sau đó, bột làm bánh được đặt lên bếp nấu, dùng tay khuấy liên tục sao cho bột không bị vón cục, không quá chín. Đến khi nồi bột gạo đặc sền sệt thì bắc ra ngoài để bắt đầu gói bánh. Lá để gói bánh răng bừa thường là lá chuối tươi cắt ở vườn nhà, rửa sạch đã được hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá và khỏi rách. Nhân bánh lá răng bừa gồm hành khô, thịt ba chỉ băm nhỏ, mộc nhĩ trộn với hạt tiêu, muối vừa đủ. Sau khi gói xong, những chiếc bánh lá răng bừa bằng ngón tay trỏ hoặc như những chiếc răng bừa xinh xắn được xếp ngay ngắn vào nồi, sau đó đổ nước đun sôi rồi luộc chín.

Về quê hương Lê Hoàn quý khách sẽ được thưởng thức bánh răng bừa mới thấy hết được sự quý giá của những hạt gạo và sự khéo léo của con người nơi đây…Những chiếc bánh dẻo thơm chấm vào bát mắm ngon thì không còn gì tuyệt bằng. Phải thưởng thức thì mới thấy hết vị ngon của quê hương đọng lại  và mới hiểu hết được đặc sản của quê hương Lê Hoàn.

 

Hiện nay, toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…. Mỗi năm, xã Xuân Lập cung ứng ra thị trường khoảng 15 triệu cái bánh răng bừa, giá trị thu nhập trên 20 tỷ đồng. Những năm gần đây, bánh răng bừa Xuân Lập đã được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh và vươn cả ra ngoài tỉnh, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, với giá bán buôn 25.000 đồng/10 cái, bán lẻ 30.000 đồng/10 cái, hạn sử dụng 15 ngày, Địa chỉ Hợp Tác Xã Bánh răng bừa- Thôn Trung Lập – xã Xuân Lập – Thọ Xuân – Thanh Hóa – Đổ Minh Sơn – giám đốc: Điện Thoại 0979745921.

Bánh lá răng bừa Xuân Lập không chỉ là một món ăn ngon, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất giầu truyền thống này. Việc duy trì, phát triển nghề làm bánh lá răng bừa gắn với hoạt động du lịch đang là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo việc làm cho hơn 300 lao động của địa phương.

Sản phẩm Bánh lá răng bừa đã được các cấp kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm và đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Năm 2021 Bánh lá răng bừa đã Hội đồng thẩm định các cấp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao.

Để duy trì, phát triển nghề truyền thống 1 cách bền vững, cùng với việc đảm bảo chất lượng bánh, chính quyền và người dân địa phương đã quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm bánh răng bừa Xuân Lập. Đặc biệt, việc làng nghề Trung Lập được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống đã tạo điều kiện để địa phương tổ chức sản xuất 1 cách quy củ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, đồng thời thuận lợi cho việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm.