Các lò giết mổ tập trung trên địa bàn Thành Phố Thanh Hóa mang lại nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng

Thực phẩm sạch là nhu cầu thiết yếu của mọi người, mọi nhà. Không chỉ cung cấp những dưỡng chất mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Vì vậy, ngày nay người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến nguồn thực phẩm sạch và an toàn. Thực phầm qua lò giết mổ tập trung là địa chỉ đáng tin cậy để người tiêu dùng lựa chọn, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay.

Tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên bán hàng trong siêu thị Bigc Thanh Hóa, chị cho biết: So với trước kia thì hiện nay số người đến mua thực phẩm trong đó chủ yếu là nguồn thịt lợn ngày càng tăng lên, người dân ngày càng quan tâm tới những sản phẩm có rõ xuất xứ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm; Trao đổi với chị Nguyễn Thị Hải hiệu trưởng trường Mần Non Búp Sen Xanh, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa chị cho biết: Hiện nay nhà trường đã ký hợp đồng với công ty thực phẩm sạch Đức Tần, cung cấp nguồn thịt lợn hàng ngày cho nhà trường. Tuyệt đối không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, bằng cách làm đó, nhiều năm qua, trường chúng tôi không có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào xảy ra; Trao đổi với chị Nguyễn Thị Hằng phụ trách đầu bếp tại khu công nghiệp Lễ Môn, chị cho biết: Hiện nay toàn bộ nguồn thịt lợn cung cấp bữa ăn cho công nhân công ty hiện đang lấy tại lò mổ tập trung của hộ gia đình ông Nguyễn Thế Tiếp, trước khi đưa tới công ty phải được đóng dấu kiểm dịch đầy đủ.

Xuất phát từ nhu cầu về thực phẩm sạch ngày càng cao, hoạt động kiểm soát giết mổ trên địa bàn Thành Phố là rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Theo báo cáo của trạm thú ý Thành Phố hiện nay trên địa bàn Thành Phố Thanh Hóa có 164 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 3 cơ sở giết mổ gia súc (mổ lợn) tập trung theo tiêu chuẩn lifsap, có công suất giết mổ 30 con/ngày đêm, các lò mổ được phân bố ở những khu vực khác nhau rất thuận lợi cho việc cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân. Lò giết mổ tập trung của hộ gia đình ông Nguyễn Thế Tiếp ở Phố 7 Quảng Hưng, lò giết mổ tập trung của hộ gia đình ông Tào Văn Vinh ở Thôn 9 Hoằng Lý, lò mổ của công ty cổ phần chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa ở Hoàng Long, các lò mổ này cung cấp hàng chục tấn thịt lợn mỗi ngày cho thị trường.

Thịt lợn sau khi được giết mổ

Hầu hết các lò giết mổ lợn tập trung được đầu tư xây dựng từ sự hỗ trợ của dự án lifsap. Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án, các chủ lò mổ tập trung đã chủ động tiến hành đầu tư, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng theo đúng hướng dẫn thiết kế của PCU với các khu chức năng riêng biệt, đáp ứng nhu cầu giết mổ sạch. Lợn đưa vào giết mổ tại lò giết mổ lợn tập trung, phải xuất trình chứng từ hợp lệ thể hiện xuất xứ, kiểm dịch tại nguồn. Nguồn hàng được nhập chủ yếu từ các cơ sở sản xuất chăn nuôi có nguồn gốc như: Trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Công ty cổ phần lợn Dân Quyền Huyện Triệu Sơn, công ty cổ phần Vĩnh Hòa – Vĩnh Lộc, công ty cổ phần nông sản Phú Gia….

Theo anh Nguyễn Văn Toản (cán bộ kiểm dịch tại các lò mổ tập trung trên địa bàn Thành Phố Thanh Hóa) cho biết: Nguồn hàng được nhập về các lò giết mổ tập trung, trước khi chuyển về phải qua công đoạn kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng, con nào ốm yếu sẽ được nhốt riêng ở phòng cách ly để theo dõi, trường hợp nặng phải nhanh chóng tiến hành tiêu hủy để tránh lây lan. Toàn bộ quy trình giết mổ các khâu đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được cán bộ thú y trực tiếp tham gia kiểm soát, đảm bảo không có yếu tố bất thường mới được đóng dấu và cấp phiếu kiểm dịch để xuất đi các chợ, siêu thị….Nhờ triển khai bài bản, đáp ứng chặt chẽ quy trình về VSATTP (trước, trong và sau) khi giết mổ, tất cả các khâu đều có sự giám sát, kiểm định chặt chẽ từ các đơn vị chuyên ngành nên chất lượng nguồn hàng luôn đảm bảo, người tiêu dùng đánh giá cao.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay để đưa các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào các lò giết mổ tập chung là đang còn hạn chế. Lý giải về việc không chấp hành đưa gia súc, gia cầm vào lò giết mổ tập trung theo quy định của UBND Thành Phố, hầu hết các hộ giết mổ nhỏ lẻ này đều cho rằng phí giết mổ cao, việc vận chuyển tới điểm giết mổ lại quá xa so với giết mổ ngay tại nhà, thêm vào đó các cơ sở nhỏ lẻ đã quen với phương pháp giết mổ thủ công nên không thích đưa lợn vào giết mổ tập trung khi đó sẽ bị quản lý chặt chẽ. Vì vậy để đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ tập trung, chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Đồng thời đối với người tiêu dùng cần chủ động tích cực trong việc tiêu dùng các nguồn thực phẩm sạch đã qua các lò giết mổ tập trung và nhận thức rõ tiêu dùng sản phẩm sạch là bảo vệ cho sức khỏe của mình, tạo thói quen tiêu dùng thực phẩm rỏ nguồn gốc từ đó khuyến khích những nhà sản xuất và cung ứng các sản phẩm sạch.

Hoàng Bính