ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU GẠO NẾP LỘC THỊNH HUYỆN VĨNH LỘC

Đến với xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc chúng ta không khó có thể bắt gặp những cánh đồng lúa nếp trải dài khắp các con đường. Từ lâu lúa nếp hạt cau đã được xem là giống lúa truyền thống của địa phương. Đây là giống lúa quý, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, sản phẩm gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh đã được đề cử tham gia chương trình: Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đã được công nhận xếp hạng là sản phẩm OCOP 4 sao. Lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh là giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, gạo có mùi hương đặc trưng, hạt gạo tròn, trắng, khi nấu hạt dẻo và ráo, mềm ăn rất ngon. Tuy nhiên, giống lúa hạt cau dần bị mai một do tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu dẫn đến sản phẩm làm ra năng suất thấp, chất lượng không cao cho hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy diện tích canh tác giống lúa này ngày càng bị thu hẹp bị thay thế bởi các loại giống lúa khác dẫn đến nguy cơ đánh mất một giống lúa tốt lâu đời. Trước nguy cơ đó, từ năm 2017, sau khi giống lúa này được phục tráng thành công, xã đã khuyến khích, hỗ trợ người dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung đất đai, đưa vào sản xuất tập trung với diện tích ban đầu là hơn 30 ha. Đầu năm 2021, theo khảo sát diện tích sản xuất lúa nếp hạt cau đã tăng lên hơn 300 ha với hơn 300 hộ tham gia sản xuất, năng suất trung bình đạt 50 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với các giống lúa nếp khác.

Để làm ra sản phẩm nếp hạt cau đạt chuẩn thương hiệu Lộc Thịnh, phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất gồm 3 bước là chọn giống, chăm sóc và đóng gói sản phẩm; trong đó, khâu quan trọng nhất là chọn giống lúa. Theo đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thịnh đã tiến hành lựa chọn những hộ còn lưu giữ được giống không bị lai tạp rồi mới tiến hành gieo cấy trên diện rộng. Tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để làm ra những hạt gạo sạch, chất lượng nhất, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng vẫn đảm bảo có hiệu quả kinh tế cho người dân. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ người dân các khâu dịch vụ, như: cung ứng vật tư nông nghiệp, dự báo sâu bệnh, làm đất…và quan trọng nhất là đầu mối trung gian liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân tham gia sản xuất lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh.

Gạo nếp hạt cau được chứng nhận sản phẩm ocop 4 sao

Để đẩy mạnh và phát triển thương hiệu gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh, UBND huyện Vĩnh Lộc đã tập trung phối hợp, chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực ở địa phương nói chung và sản phẩm gạo nếp hoa cau Lộc Thịnh nói riêng nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm. Thời gian tiếp theo, xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng diện tích sản xuất lúa nếp hạt cau thêm 50 ha. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua sản xuất, chế biến và đóng gói sản phẩm. Mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm, xây dựng các điểm giới thiệu, bán hàng, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thịnh cũng rất trăn trở với giống lúa truyền thống của địa phương và hy vọng trong tương lai gần có thể được các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện để có một nhà máy bảo quản, chế biến gạo ngay trên địa bàn xã để có thể từng bước nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng để gia tăng giá trị sản xuất góp phần phát triển thương hiệu lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh.

Mạnh Tùng