Hiệu quả kinh tế từ cây măng tây trên đất Hoằng Tân

Chuyển đổi từ trồng cây thuốc lào sang trồng măng tây trên diện tích 2.500.000m2, Anh Bình có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

             Theo lời giới thiệu của cán bộ khuyến nông về các mô hình nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, tôi tìm đến vườn măng tây của gia đình anh Bình thuộc xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hóa.

Vườn măng tây của anh Bình

          Đứng giữa vườn măng tây xanh với những mầm măng nhô lên mập mạp anh Bình kể: Gia đình anh có 2.500.000m2 đất trước đây trồng thuốc lào, nhưng nghề trồng thuốc lào vất vả thu nhập chẳng đáng là bao. Năm 2015 sau khi đi thăm quan mô hình trồng cây măng tây của một người bạn thấy hiệu quả kinh tế cao. Anh nhận thấy diện tích đất trồng cây thuốc lào của nhà anh thích nghi trồng cây măng tây, Anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây măng tây. Trước khi trồng anh đã đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều mô hình khác trong và ngoài tỉnh, sau nhiều ngày kiên trì học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng tây cuối cùng anh đã thành công. Sau 6 tháng trồng măng tây đã phát triển tốt và cho năng suất khá cao. Đến nay với diện tích trồng măng tây xanh mỗi ngày anh thu thu hoạch khoảng 25 kg măng tây. Với giá bán dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, bán đến đâu thu tiền đến đấy, mỗi ngày anh thu lãi khoảng 1 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Sau 1 vụ thu hoạch măng tây anh đã thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.

Sơ chế, đóng gói măng tây xanh trước khi đưa đi tiêu thụ.

Theo anh Bình, quan trọng nhất đối với trồng măng tây xanh là khâu chọn đất, vì loài cây này khá kén đất trồng. Theo đó, đất trồng măng tây xanh phải có độ phì nhiêu, giàu mùn và phù sa. Loại đất tốt nhất để trồng măng tây xanh là đất phù sa, đất thịt nhẹ hoặc đất pha cát; Cây giống đem trồng, được ương từ hạt gieo trong bầu nhựa khoảng 2,5 tháng. Khi cây cao khoảng 30-40cm, đem trồng trên các luống đất đã cải tạo và bón lót phân chuồng. Cây trồng theo hàng. Hàng cách hàng 1 mét và cây cách cây 60cm. Do thân cây mềm, nên sau một tháng trồng phải làm giá đỡ cho cây khỏi ngã. Để cây măng phát triển và cho năng suất cao, việc chăm sóc cây đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật cắt tỉa, chọn và thay đổi cây măng mẹ để sinh sản và nuôi dưỡng cây măng con. Hàng ngày vườn măng được tưới nước qua hệ thống tưới phun. Định kỳ một tuần sử dụng phân hữu cơ dạng hạt hòa tan trong nước tưới phun cho cây măng. Cây măng tây trồng 6 tháng là có thể thu hoạch. Việc thu hoạch măng liên tục hàng ngày trong suốt 3 tháng. Sau thời gian này cây măng mẹ có hiện tượng già cỗi, lá chuyển màu úa vàng thì phải nhổ bỏ, chọn cây khỏe, mập giữ lại làm cây thay thế cây mẹ cũ. Sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai với nấm Trichoderma bón trực tiếp lên gốc măng, sau khoảng nửa tháng là có thể cho thu hoạch măng đợt tiếp. Nếu chăm sóc tốt thì tuổi thọ của cây măng kéo dài đến 10 năm; Cây măng tây thường ít xảy ra các hiện tượng bệnh so với trồng cây rau màu khác. Nhưng để phòng bệnh cho cây, định kỳ chị sử dụng dung dịch nano bạc, vôi phun trực tiếp lên cây phòng trị một số bệnh như thán thư, mốc sương, thối rễ, đốm lá, thối măng…Măng từ lúc mọc lên khỏi mặt đất đến lúc thu hoạch khoảng 2- 3 ngày. Cây măng có chiều dài khoảng 40cm, chỉ lấy phần phần ngọn khoảng 30cm làm thực phẩm chế biến món ăn, phần gốc còn lại phơi khô chế biến làm trà măng tây.          Anh Bình cho biết: “Đầu tư ban đầu cho mỗi sào măng tây xanh gồm: tiền giống, vật liệu làm giàn, phân bón, thiết bị tưới tiết kiệm hết khoảng 70-80 triệu đồng, tuy nhiên mỗi chu kỳ thu hoạch từ 8 – 10 năm nên tính ra thì suất đầu tư không phải là cao; Trồng măng tây xanh không quá khó nhưng cũng không phải dễ, đòi hỏi người trồng phải đam mê, chăm sóc thường xuyên, chịu khó”.

Măng tây xanh là một trong những loại rau có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế rất cao. Nhận thức được vai trò dinh dưỡng của măng tây xanh cũng như tác dụng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị một số bệnh như: Ung thư, tiểu đường, tim mạch… nên hiện nay nhu cầu của thị trường về măng tây rất lớn, nhất là ở các thành phố. Hơn nữa, tuổi thọ khai thác đối với cây măng tây xanh khá cao (từ 8 – 10 năm). Mô hình măng tây xanh của hộ anh Bình phát  đã có hiệu quả bước đầu. anh Bình mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục được các đơn vị chuyên môn giúp đỡ về kỹ thuật, giúp anh xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cây măng tây xanh, tiến tới xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm măng tây xanh của gia đình; được liên kết với doanh nghiệp, cung cấp sản phẩm ra thị trường các tỉnh, thành phố lớn, các siêu thị, các bếp ăn tập thể, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả kinh tế./.

THANH TÂM