Thực trạng bảo quản, chế biến và tiêu thụ trái cây trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Theo số liệu thống kê của Sở Nông Nghiệp và PTNT Thanh Hóa đến nay diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt khoảng 21.668 ha, diện tích cho thu hoạch ước đạt 17.931 ha, sản lượng sản lượng 304.828 tấn. Diện tích cây ăn quả phát triển theo hướng tập trung thâm canh có diện tích là 7.000ha; Trong đó VietGAP toàn tỉnh mới chỉ đạt 108,1 ha chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP đạt khoảng 1.5% so với diện tích cây ăn quả tập trung và đạt khoảng 0,5% so với tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Diện tích cây ăn quả còn lại chưa có điều kiện đăng ký cấp mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm;

Với những lợi thế điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng ở Thanh Hoá phù hợp phát triển một số loại cây ăn quả: Dứa, chuối, bưởi, cam, thanh long, dưa hấu…. Những loại trái cây này thu hoạch theo mùa, thời gian ngắn, chi phí vận chuyển lớn, và nhất là sự thay đổi giá khá đột ngột. Vì vậy việc áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm sau khi thu hoạch là rất cần thiết. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ trái cây của tỉnh phụ thuộc phần lớn vào thị trường nội địa, việc xuất khẩu còn hạn hẹp, chủ yếu xuất đi Trung Quốc; khâu chế biến nông sản thành các sản phẩm nước ép, đóng hộp, sấy khô, tách múi đông lạnh xuất khẩu còn yếu; công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây còn hạn chế, chưa đáp ứng vận chuyển đi xa và xuất khẩu…

Tình hình bảo quản, chế biến.

          Phần lớn sản lượng cây ăn quả sản xuất được sử dụng dưới dạng ăn tươi. Vấn đề thu hoach, đóng gói phải nói là rất sơ sài: Người nông dân chủ yếu dùng tay để hái trái cây, dùng thúng, chậu, bao tải…để đựng, thu hoạch song để nguyên, hoặc cầu kỳ hơn cũng chỉ bỏ vào thùng carton đã qua sử dụng, chất lên xe tải hoặc xe máy chở đi tiêu thụ. Bảo quản sơ sài nên dẫn đến tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch rất cao, chiếm khoảng 30% bị thất thoát hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Trong khi điều này có thể khắc phục dễ dàng nếu trái cây được đóng gói cẩn thận hạn chế vi khuẩn xâm hại.

Khâu chế biến để tăng giá trị cũng còn yếu chủ yếu xuất thô, xuất tươi vì theo khảo sát thực tế, đến đầu năm 2020 tỉnh Thanh Hoá có 09 doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm trái cây, nhìn chung các cơ sở chế biến đều có quy mô nhỏ, sản lượng và công suất chế biến thấp; sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ hộp đông lạnh điển hình Công ty CPXNK Đồng Xanh chế biến Dứa đóng hộp với công xuất 500 tấn/tháng, Công ty CP XNK Hà Trung chế biến Dứa với công suất 200 tấn/tháng. Ngoài dứa, các  sản phẩm hoa quả khác hầu như chưa có cơ sở bảo quản và chế biến nhất là những sản phẩm có thể chế biến sâu như: cam, bưởi, nhãn vải ….; Số lượng trái cây được doanh nghiệp liên kết đầu tư thu mua chế biến chủ yếu dứa, chuối… chỉ chiếm khoảng 10%;

Vùng trồng dứa gai có hợp đồng liên kết thu mua chế biến tại nông trường Vân Du

 

Đối với nhiều loại trái cây do có thời gian bảo quản ngắn, dễ bị tổn thương và tỷ lệ hư hỏng cao, trong điều kiện khâu chế biến thiếu và công nghệ sau thu hoạch kém đã và đang dẫn đến nhiều khó khăn cho người trồng cây ăn quả và các doanh nghiệp kinh doanh trái cây.

Tình hình tiêu thụ.

Nhu cầu tiêu thụ trái cây thị trường, Thanh Hóa là tỉnh có quy mô dân số trong tỉnh đông (trên 3,6 triệu người) và xu thế tăng dân số nhanh kết hợp với đời sống, thu nhập ngày càng được cải thiện, nhu cầu sử dụng trái cây trong tỉnh cũng như cả nước ngày càng tăng về số lượng, yêu cầu cao về chất lượng và đa dạng hóa chủng loại; Với sản lượng trên 304.828 tấn, đáp ứng trên 50% nhu cầu tiêu dùng. Nhu cầu còn lại phải nhập từ các tỉnh, nước ngoài. Sản xuất trái cây tại Thanh Hoá chủ yếu phục vụ nhu cầu quả tươi, bao gồm các loại quả thu hoạch quanh năm như chuối và quả có tính thời vụ như: Dứa, bưởi, cam, thanh long, dưa hấu…; Các loại quả đặc sản Thanh Hoá như: cam Vân Du, bưởi Luận Văn,…được người tiêu dùng ưa chuộng nhất là vào dịp tết nguyên đán.

Việc tiêu thụ trái cây chủ yếu thông qua thương lái, tiêu thụ trực tiếp qua các nhà hàng, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối, siêu thị: Sản xuất manh mún, ít loại cây ăn quả được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để tạo sự thu hút người tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Do đó, sản lượng trái cây của tỉnh chưa có thị trường ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa ( khoảng 90%) thông qua các thương lái, bán tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh qua nhiều khâu trung gian. Theo đó, việc quản lý chất lượng sản phẩm của nhiều loại trái cây từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng chưa được chặt chẽ, để có thể truy xuất được nguồn gốc và đảm bảo chất lượng. Đây là thực trạng khiến các loại quả của tỉnh khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu;

Số lượng trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sản xuất, truy xuất nguồn gốc xuất xứ theo quy định được doanh nghiệp thu mua đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị như: cam Xuân Hòa Như Xuân, Cam, bưởi Thọ Xuân, ổi Thạch Thành tại hệ thống siêu thị BigC, Coopmart ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…đây là kênh tiêu thụ trái cây ổn định cho người sản xuất. Tuy nhiên việc đưa các loại trái cây vào siêu thị vẫn gặp nhiều khó khăn, nên nhiều sản lượng trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP phải tiêu thụ qua thương lái;

Vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây thông qua hợp đồng đã được đề cập nhiều trong các hội nghị, hội thảo, … song đến nay mô hình này còn phát triển rất chậm. Các mô hình HTX cây ăn quả ra đời tương đối chậm, nhiều mô hình mang tính hình thức chưa thực sự là một nơi hỗ trợ nông dân trong khâu tiêu thụ, lý do chính là các HTX này thiếu kỹ năng kinh doanh, thiếu vốn kinh doanh. Việc xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp kinh doanh trái cây với các hợp tác xã đang được khuyến khích nhưng số lượng mô hình liên kết này còn rất ít, không có tính bền vững cao. Vẫn xảy ra tình trạng nông dân phá bỏ hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, hoặc nông dân tham gia HTX không muốn ký với doanh nghiệp ở mức giá ổn định; Công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu trái cây trong tỉnh còn nhiều yếu kém, chưa có nhiều doanh nghiệp đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ này.

Thanh Hóa còn nhiều tiềm năng để phát triển sả‌n xuất và xuất khẩu trái cây. Song muốn sả‌n xuất cây ăn trái hiệu quả và bền vững lâu dài cần có: Vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các địa phương; mở các hội nghị khách hàng có sự tham gia của người trồng và người sử dụng sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá rộng rãi những sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước thông qua việc tổ chức các phiên chợ nông sản, hội nghị kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp xuất khẩu trái cây với các hợp tác xã trái cây; tăng cường nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các loại trái cây trên để phục vụ xuất khẩu; hướng dẫn nông dân sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân từ sả‌n xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu. Tạo nên chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người nông dân và doanh nghiệp với sự hỗ trợ chính sách của nhà nước./.

 

THANH TÂM