Hiệu quả lai tạo chọn lọc lợn cái sinh sản từ giống lợn Móng Cái và giống VCN-MS15 để sản xuất lợn sữa xuất khẩu tại Thanh Hóa

 

Tại Thanh Hóa, việc nghiên cứu lai tạo, chọn lọc lợn cái F1(♂MC- ♀ VCN15) từ tổ hợp lai giữa lợn cái VCN-MS15 và lợn đực Móng Cái thuần để sản xuất lợn sữa thương phẩm xuất khẩu đã được Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ vật nuôi – Viện Nông nghiệp Thanh Hóa thực hiện và mang lại kết quả khả quan.

Kết quả đề tài đã tạo ra giống lợn mới có khả năng sinh sản cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ tại Thanh Hóa. Đây cũng là giống lợn có khả năng sản xuất lợn sữa xuất khẩu góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Đề tài nghiên cứu này đã khẳng định được trình độ nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giúp nâng cao vị thế của Trung tâm khảo nghiệm và dịch vụ chăn nuôi – Viện Nông nghiệp Thanh Hóa trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi, là địa chỉ uy tín cung cấp các dịch vụ, giống vật nuôi và thông tin cho các tổ chức, người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

Lợn F1 (♂MC-♀ VCN15) cai sữa

Giống lợn VCN-MS15 (Meishan) là nguồn gene mới có ưu điểm nổi trội về khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nhược điểm của giống lợn VCN-MS15 có đôi tai to cụp rũ xuống nên không phù hợp với tiêu chuẩn ngoại hình của lợn sữa xuất khẩu. Nên cần có giải pháp nghiên cứu thay đổi kích thước tai lợn VCN-MS15. Việc sử dụng lợn đực Móng Cái để phối giống với lợn cái VCN-MS15 nhằm mục đích thay đổi kích thích tai lợn là phù hợp. Đây là tính mới mang tính đột phá, sáng tạo. Các tổ hợp lai F1(MCxVCN-MS15) khi phối giống với đựcYorkshire/Landrace tạo tổ hợp lai thương phẩm để sản xuất lợn sữa thương phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhằm phục vụ phát triển chăn nuôi trong nông hộ. Vì thế, đề tài này là một trong những khâu đột phá trong nghiên cứu khoa học trong chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa.

(Lợn sữa thương phẩm)

Việc thực hiện đánh giá con lai F1(♂MC x ♀VCN-MS15) được thực hiện tại các gia trại thuộc địa bàn huyện Hoằng Hóa 54 con và huyện Triệu Sơn 44 con. Sử dụng tinh lợn đực giống Yorkshire phối với 54 nái F1 và Landrace phối với 44 nái F1 bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, thời gian từ tháng 01/2022 đến tháng 12/ 2023. Con lai F1 có các đặc điểm nổi trội được đánh giá qua chỉ tiêu sinh lý như tuổi đẻ lứa đầu thấp, khoảng cách giữa hai lứa đẻ ngắn hơn so với một số giống lợn nội, thời gian nuôi con thấp nhất là 30 ngày. Vì vậygiảm thời gian và chi phí chăn nuôi,phù hợp với mục tiêu sản xuất lợn sữa. Thời gian chờ phối được rút ngắn còn 14,2 ngày, thấp nhất là 7 ngày vì vậy tăng được lứa đẻ/năm, giảm số ngày nuôi con của lợn nái, từ đó tiết kiệm được thức ăn và công chăm sóc. Như vậy, thời gian động dục trở lại tính từ khi cai sữa của lợn nái F1 là tương đối ngắn, trong khi của những nhóm lợn nái khác thường từ 15-20 ngày.

Đối với chỉ tiêu năng suất sinh sản của lợn F1(♂ MC  x ♀ VCN-MS15) đây là chỉ tiêu kinh tế quan trọng quyết định đến hiệu quả kinh tế chăn nuôi. Số lượng lợn con đẻ ra/lứa của lợn nái F1 ở mức rất cao so với một số giống lợn lai hiện có tại Việt Nam. Số lợn sữa thương phẩm được sinh ra tại cả hai địa điểm là 2.465, kết quả này đã vượt với mục tiêu đề tài là 65 con, số con đẻ ra/ổ của lợn nái  F1 được phối giống với lợn đực Yorkshire và Landrace cho kết quả 12 – 13 con/ổ cao hơn so với kết quả nghiên cứu khác trên lợn nái nội như giống lợn Móng Cái là 11,78 con; lợn bản nuôi tại huyện Mai Sơn – Sơn La là 9,75 con/lứa, mỗi năm có thể đẻ 2,2 – 2,3 lứa, làm tăng số lượng lợn con sản xuất trong một năm, tăng hiệu quả trong chăn nuôi lợn nái sinh sản, đặc biệt trong sản xuất lợn sữa thương phẩm. Lợn sữa có các đặc tính vượt trội như nhu cầu dinh dưỡng thấp, chịu được thức ăn kham khổ, không đòi hỏi nhu cầu thức ăn công nghiệp cao. Khối lượng lợn con cai sữa 30 ngày tuổi đạt 7,45 kg/con cho thấy khả năng sinh trưởng tích lũy lợn sữa khá cao. Chứng tỏ rằng, khi lai tạo lợn lợn Móng Cái và lợn Yorkshire, lợn Landrace với lợn VCN-MS15, con lai 3 máu đã thừa hưởng được đặc tính di truyền của mẹ về sức sinh sản (đẻ sai con) và khả năng tăng trưởng của lợn ngoại. Khối lượng của lợn sữa là chỉ tiêu quan trọng gắn với mục tiêu xuất khẩu lợn sữa theo quy định 39/2002/QĐ-BNN ngày 17 tháng 05 năm 2002 của Bộ NN & PTNTvề việc ban hành tiêu chuẩn về lợn sữa và lợn choai có tỷ lệ nạc cao đông lạnh xuất khẩu. Tiêu chuẩn lợn sữa đông lạnh xuất khẩu quy định tại TCN: 10TCN-508-2002. Khối lượng này phù hợp với điều kiện, thời gian nuôi dưỡng của nông hộ cũng như tiêu chuẩn về khối lượng lợn sữa mà công ty CP chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa khuyến cáo.

Khi tham gia mô hình, các hộ dân được Trung tâm hỗ trợ con giống, kỹ thuật nuôi, người dân chỉ phải chi phí chăn nuôi ban đầu. Kết quả đánh giá các chỉ tiêu, chất lượng lợn sữa được công ty CP chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa kiểm nghiệm và đánh giá đạt yêu cầu, cụ thể như: Lợn sữa thương phẩm có độ tuổi từ 30 đến 60 ngày, khối lượng lợn hơi đạt từ 5,0 đến 9,0 kg và không mắc bệnh truyền nhiễm và ngoài da. Ngoại hình: lợn có lông màu trắng, thỉnh thoảng có đốm lang đen, bụ bẫm, lông mượt, da bóng, còn nguyên đuôi. Với mức giá thu mua hiện tại của công ty chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa là 600 nghìn đồng/lợn sữa, mỗi lứa sinh sản cho thu nhập đạt được 7 – 8 triệu đồng/lứa/nái. Chi phí chăn nuôi khoảng 4 triệu đồng/lứa/nái mẹ, vậy người chăn nuôi còn được lợi nhuận từ 3 – 4triệu đồng/lứa/nái mẹ. Hiện tại sản phẩm lợn sữa cấp đông được công ty xuất khẩu sang các thị trường như Macao, Malaixia, đây là các thị trường đặc biệt yêu thích và có nhu cầu tiêu thụ rất cao do khí hậu lạnh và truyền thống văn hóa ẩm thực nơi đây. Vì vậy, mô hình chăn nuôi lợn sữa đang được trung tâm khuyến cáo các hộ mở rộng quy mô và số hộ chăn nuôi trong địa bàn tỉnh. Quá trình thực hiện đề tài đã được Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, Sở Khoa học và công nghệ Thanh Hóa, UBND huyện xác nhận, Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh thông qua làm cơ sở cho việc ứng dụng và nhân rộng kết quả đề tài này.

Giống lợn F1(MC-VCN-MS15) được phối giống nhân tạo với lợn đực giống ngoại (Yorshire, Landrace), có năng suất sinh sản cao. Do vậy cần khuyến cáo phát triển giống lợn F1(MC-VCN-MS15) trong chăn nuôi nông hộ, gia trại để sản xuất lợn sữa ở tỉnh Thanh  Hóa và các địa phương có điều kiện tương đồng để đa dạng hóa giống lợn và làm cơ sở để lai tạo với các giống lợn hiện có nhằm cải thiện khả năng sinh sản của đàn lợn địa phương. Từ đề tài nghiên cứu này có thể thấy thành công của đề tài trong việc nghiên cứu, lai tạo giống lợn để sản xuất ra được lợn sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu về hình thái, chất lượng, mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi thông thường. Thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh hướng tới đa dạng hóa sản phẩm hướng tới xuất khẩu nâng cao hiệu quả kinh tế.

Phương Thúy