Hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn sạch tại xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa

Chăn nuôi theo quy trình VietGAP  (Vietnamese Good Animal Husbandry Practices) là áp dụng những nguyên tắc, trình tự, thủ tục vào chăn nuôi nhằm đảm bảo vật nuôi được nuôi dưỡng đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn Vietgap là xu hướng và tiêu chuẩn hiện nay, vì vậy nhiều hộ gia đình, trang trại, tổ hợp tác đã và đang áp dụng mô hình này trong chăn nuôi, trong đó có xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa – một trong những xã điển hình trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi lợn sạch mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi.

Trang trại chăn nuôi lợn Vietgap tại xã Hoằng Phượng

          Tại xã Hoằng Phượng, Tổ hợp tác chăn nuôi lợn sạch được thành lập năm 2017 có 21 hộ thành viên tham gia với diện tích chuồng 9.462m2, tổng đàn 3.434 con, trong đó có 298 lợn nái còn lại là lợn thịt. Trong quá trình chăn nuôi, các nguyên tắc chăn nuôi VietGAP được các hộ áp dụng bài bản: Các khu chăn nuôi, khu chứa vật tư, khu thu gom chất thải được bố trí khoa học, ngăn nắp, chuồng trại được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên, tuân thủ quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho heo theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, không chất tăng trưởng, tạo nạc, không dư thừa lượng kháng sinh; lịch tiêm phòng cho đàn lợn được ghi chép đầy đủ, chất thải chăn nuôi cũng tập trung đúng nơi quy định và qua hầm biogas xử lý giúp các hộ chăn nuôi tiết kiệm được nguồn nhiên liệu cho đun nấu và tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ cho việc trồng trọt.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Thời gian đầu áp dụng, các hộ chăn nuôi cảm thấy rất gò bó bởi những tiêu chuẩn như: Quy trình tiêm vắc-xin, khử trùng tiêu độc chuồng trại; đánh số theo dõi đối với từng ô chuồng, từng lô lợn đưa vào nuôi; nhập, sử dụng thức ăn, thuốc thú y phải ghi nhật ký. Tuy nhiên sau 1 thời gian thực hiện, mọi người đã thấy sự thay đổi tích cực so với nuôi theo phương thức cũ. Khi chưa áp dụng quy trình Vietgap việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi không đầy đủ theo định kỳ, nguồn thức ăn, môi trường khu vực chuồng nuôi chưa đảm bảo nên tỷ lệ đàn hao hụt còn cao, tốc độ tăng trưởng chậm, môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi bị ô nhiễm do lượng lớn chất thải chăn nuôi thải ra không được xử lý đúng quy trình gây ảnh đến môi trường sống và sức khỏe của người dân xung quanh, hiệu quả chăn nuôi thấp bình quân thu lãi mỗi con khi xuất chuồng chỉ từ 700 – 800.000 đồng. Từ khi tuân thủ quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho lợn theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ lợn bị hao hụt thấp, ít xảy ra dịch bệnh, đạt năng suất cao, chất lượng thịt an toàn với giá xuất chuồng ổn định từ 40.000 – 45.000 đồng/kg và là địa chỉ tin cậy của nhiều thương lái, cửa hàng thực phẩm an toàn và các bếp ăn tập thể trên địa bàn và thành phố Thanh Hóa. Gia đình ông Nam nuôi 4 lợn nái, 20 lợn thịt, lứa lợn nào cũng khỏe mạnh phát triển tốt, xuất chuồng nhanh với trọng lượng đạt bình quân từ 100 – 120 kg/con, hàng năm thu lãi từ bán lợn thịt và lợn giống từ 80-100 triệu đồng. Không chỉ gia đình ông mà nhiều gia đình khác khi tham gia mô hình nuôi lợn VietGAP đều đem lại hiệu quả cao, sau khi trừ chi phí về giống, thức ăn, thuốc thú y,… cho lãi từ 1 – 1,4 triệu đồng/con.

Ngoài việc chăn nuôi theo quy trình VietGap mang lại lợi ích cho các hộ trong tổ, các hộ cùng chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi, tự sản xuất và hỗ trợ nhau về con giống, tổ chức lấy chung thức ăn chăn nuôi, liên kết sử dụng chung dịch vụ thú y và liên kết tìm đầu ra cho các hộ trong tổ, hướng tới tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm để ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn cho các thành viên của tổ, cùng tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi. Qua đó đã tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm và trong vùng giúp việc chăn nuôi trở nên hiệu quả và bền vững.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi như hiện nay thì việc áp dụng quy trình tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi Vietgap là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để quản lý, phòng, chống dịch bệnh, xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín, kiểm soát được từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm giúp tổ hợp tác điều tiết sản xuất, hạn chế dịch bệnh xâm nhập trong quá trình nhập con giống và tiêu thụ lợn thịt đến kỳ xuất chuồng.

Thời gian qua xã Hoằng Phượng đã thực hiện tổ chức, khuyến khích các hộ chăn nuôi tập trung, thay thế cho phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, vừa tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu mở rộng diện tích trang trại, vừa tiện cho việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát được dịch bệnh… Bên cạnh đó, xã cũng như tổ hợp tác yêu cầu các hộ chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Qua đó, đã giúp người chăn nuôi nâng cao nhận thức trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để hạn chế dịch bệnh, nâng cao giá trị kinh tế. Từ hiệu quả thiết thực mang lại, vùng chăn nuôi VietGAP ngày càng được mở rộng từ 21 hộ tham gia ban đầu, đến nay đã có hơn 80 hộ tham gia.

Phát triển chăn nuôi theo mô hình VietGap tại xã Hoằng Phượng đã và đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng bền vững. Các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP rất khắt khe về chất lượng cũng như nguồn gốc sẽ tạo ra sản phẩm thịt an toàn và chất lượng, chủ động hơn trong khâu sản xuất lẫn tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái không bị ô nhiễm.

Lê Thúy