Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất nấm theo chuỗi giá trị tại xã miền núi Yên Thọ, huyện Như Thanh

Xã Yên Thọ là một xã miền núi của huyện Như Thanh, cách thị trấn Bến Sung tầm 10 Km về phía Nam. Đây là một xã thuần nông với điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, người dân chỉ quanh năm sống phụ thuộc vào đồng ruộng. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi đến với Yên Thọ, chúng ta sẽ thấy phong trào phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, điển hình có thể kể đến HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng, có địa chỉ tại: thôn Hùng Sơn, xã Yên Thọ – một trong những cơ sở sản xuất nấm lớn nhất của huyện Như Thanh.

Mô hình trồng nấm tại HTX Trúc Phượng, xã Yên Thọ là một trong những HTX điển hình về phát triển kinh tế của huyện Như Thanh. Nhờ định hướng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, HTX Trúc Phượng đã đạt được hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập cao cho các thành viên tham gia mô hình. HTX đã góp phần không nhỏ cung cấp ra thị trường những sản phẩm nấm sạch, chất lượng và thân thiện với môi trường. Anh Lê Đình Trúc, giám đốc HTX Trúc Phượng là người khởi xướng phong trào trồng nấm tại địa phương, anh chia sẻ: “Những ngày đầu khởi nghiệp anh gặp nhiều khó khăn, do thiếu kinh nghiệm, mô hình sản xuất lạc hậu dẫn đến nấm bị bệnh, không có đầu ra ổn định khiến anh thua lỗ, lao đao trong một thời gian dài. Nhận thấy không thể thành công nếu đi theo phương thức sản xuất cũ, anh đã quyết tâm thay đổi tư duy, chuyển đổi sang mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm. Để làm được điều này anh Trúc đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, người thân để nhập nguyên liệu, xây dựng một nhà màng chuyên trồng nấm rộng 5.000 m2, cải tiến máy móc để thực hiện mô hình trồng nấm an toàn theo công nghệ cao với các loại nấm như: Linh chi, mộc nhĩ, nấm bào ngư xám”.

Mô hình trồng nấm ứng dụng công nghệ cao tại HTX Trúc Phượng.

Và rồi thành công cũng đến với anh và các thành viên trong HTX Trúc Phượng khi những sản phẩm nấm sạch đầu tiên được đưa ra thị trường, với chất lượng sạch, mẫu mã đẹp, bao bì đóng gói có dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng đã được người tiêu dùng đón nhận và dần có chỗ đứng trên thị trường. Mỗi năm, HTX Trúc Phượng xuất ra thị trường khoảng 400.000 bịch nấm các loại. Dự kiến đến năm 2023 số lượng sẽ tăng lên 500.000 bịch.  Hiện nay, HTX Trúc Phượng đã mở rộng quy mô sản xuất lên 5.000m2 diện tích trồng nấm trong nhà màng, tổng diện tích cơ sở trồng và chế biến nấm của anh là 4 ha. Anh đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; từ khâu xử lý nguyên liệu, dây chuyền đóng bịch nguyên liệu tự động với công suất hơn 2.000 bịch/giờ, đến dây chuyền khử trùng, đóng gói sản phẩm, nhà cấy giống, nhà ươm, nhà nuôi trồng nấm,… tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao.

Hiệu quả kinh tế của mô hình đem lại doanh thu cho HTX năm 2021 đạt trên 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức thu nhập bình quân hàng tháng trên 5 triệu đồng/người. Hiện mỗi tháng, HTX xuất bán trên dưới 3 tấn nấm thương phẩm, giá bán 1 kg nấm Bào ngư xám tươi trên thị trường giá khoảng 40.000đồng/kg, nấm bào ngư xám khô 300.000đồng/kg, nấm mộc nhĩ 100.000đồng/kg, nấm linh chi khô 1,5 – 1,7 triệu đồng/kg.

Sản phẩm từ nấm linh chi được xuất bán trong thị trường

Để đạt được thành công này, ngay từ khi thành lập HTX Trúc Phượng, anh Trúc cùng các cộng sự đã xác định phải sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Có thể nói HTX Trúc Phượng là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông sản hữu cơ của huyện Như Thanh. Hiện nay sản phẩm nấm bào ngư xám, nấm mộc nhĩ của HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị lớn trên địa bàn Tỉnh như: Siêu thị BigC, Co.opmart,… và nhiều cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh; Ngoài ra, để chủ động hơn trong khâu tiêu thụ, giảm giá thành, anh Trúc đã xây dựng cửa hàng bán nông sản sạch tại địa phương để trực tiếp cung ứng sản phẩm nông sản sạch tới tay người tiêu dùng, giúp người dân địa phương được tiếp cận dễ dàng nhất đến sản phẩm. Cửa hàng đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp các sản phẩm nông sản sạch không chỉ là nấm mà còn là các sản phẩm đặc sản của quê hương đảm bảo vệ sinh ATTP tới tay người tiêu dùng ngay tại địa phương.

Năm 2019, để khẳng định thương hiệu, HTX Trúc Phượng đã đăng ký tham gia các sản phẩm OCOP. Trong quá trình thực hiện, HTX được UBND huyện Như Thanh tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà lưới và 50 triệu đồng/sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Nắm bắt được những điều kiện thuận lợi đó, HTX đã tập trung đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm bằng việc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, cải tiến mẫu mã, bao bì, tem nhãn, chú trọng quảng bá sản phẩm và bảo vệ môi trường. Với nhiều nỗ lực, cố gắng, đến cuối năm 2019, HTX Trúc Phượng được UBND tỉnh công nhận 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh đầu tiên trên địa bàn huyện Như Thanh, gồm: Nấm bào ngư xám, mộc nhĩ, linh chi đỏ. Định hướng trong thời gian tới, HTX Trúc Phượng sẽ xuất khẩu các sản phẩm sang một số thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc,…. Anh Trúc cùng các thành viên trong HTX Trúc Phượng đang xây dựng kế hoạch sản xuất từ con người cho đến các nguyên liệu sản xuất đều phải đảm bảo như: máy móc, loại sản phẩm, số lượng, giá đỡ, nhãn mác, bao túi sản phẩm,…. đảm bảo số lượng, chất lượng theo hợp đồng sẽ ký kết với bên mua. Như vậy, tạo dựng được thương hiệu và giữ uy tín cho HTX Trúc Phượng là tiền đề để duy trì và phát triển bền vững chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Với những thành công đó, trong thời gian tới, huyện  Như Thanh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nấm ra địa bàn xã Yên Thọ để người dân trong huyện cùng thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại các xã miền núi huyện Như Thanh.

Mạnh Tùng