HIỆU QUẢ MÔ HÌNH TRỒNG CÂY GAI XANH TẠI HUYỆN CẨM THỦY

Huyện Cẩm Thủy là huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Diện tích đất bãi, đất đồi núi dưới 10% độ dốc chủ yếu trồng các loại cây truyền thống như: Sắn, ngô, keo lấy gỗ… mang lại hiệu quả kinh tế chưa cao.

Để thay thế các cây trồng truyền thống mô hình cây gai xanh tại huyện Cẩm thủy được thực hiện theo chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh giữa huyện Cẩm Thủy và Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước được xây dựng tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy. Mô hình cây gai xanh được triển khai từ năm 2017 đến năm 2021 đạt được gần 260 ha gai xanh ở các xã Cẩm Tú, Cẩm Lương, Cẩm Thành, Cẩm Thạch… cho năng suất, sản lượng cao.

Vùng nguyên liệu cây gai xanh

Cây gai xanh được huyện Cẩm Thủy đưa vào phát triển là một trong những cây trồng chủ lực, huyện ngoài việc tiếp tục tập huấn cho nông dân nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gai xanh, huyện sẽ tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các hộ dân liên kết, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất cây gai xanh.  Ngoài ra tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, như: Phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh tại Quyết định 1484/QĐ-UBND, ngày 24/4/2018; Nghị quyết số 385/2021/NQ-HĐND ngày 26 tháng 4 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023 và Nghị quyết số 116/2021/NQ-HĐND, ngày 17/7/2021 về việc ban hành trình tự thủ tục cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gia đoạn 2021-2023. Các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác được hỗ trợ như: Chuyển đổi từ trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh  10 triệu đồng/1 ha; chi phí mua giống cây gai xanh hỗ trợ 50% ; chi phí mua máy tước vỏ cây gai xanh với mức 5 triệu đồng/1máy.

Cây gai xanh là cây dễ chăm sóc, có thể trồng trên đất dốc 10%, khả năng chịu hạn tốt, có khả năng giữ ẩm, cải tạo lý tính của đất, tăng độ phì nhiêu, làm đất tơi xốp, tăng độ che phủ, chống xói mòn và bảo vệ đất hiệu quả.

Cây gai vỏ dùng sản xuất sợi dệt vải chất lượng cao, lá sử dụng trong chế biến bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu, sản xuất chất màu tự nhiên, thân cây gai còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy, chất đốt và nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh…

Công ty CP Nông nghiệp An Phước – Viramie  tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy có công suất thiết kế 10 nghìn tấn cọc sợi, 1.400 tấn bông gai/năm. Công ty CP Nông nghiệp An Phước – Viramie đang đồng hành cùng người dân liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Thông qua liên kết sản xuất, các hộ dân đã được công ty chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Trồng cây gai xanh một lần thu hoạch 10 năm và cho thu 4 đến 5 lứa/năm. Cây có giá trị kinh tế cao, trừ chi phí trung bình một năm thu được từ trên 80 – 100 triệu đồng/ha.

Nhận thấy tiềm năng phát triển cây gai xanh huyện Cẩm thủy mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt khoảng trên 800 ha. Huyện tập chung ưu tiên phát triển những diện tích có đủ điều kiện thâm canh, người dân có trình độ sản xuất, có khả năng đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy sản xuất sợi gai An Phước.

 

Lê Quyền