Hiệu quả mô hình trồng Ổi lê Quý Hương tại xã Hà Long, huyện Hà Trung

Hiệu quả mô hình trồng Ổi lê Quý Hương tại xã Hà Long, huyện Hà Trung

          Những năm qua, nông nghiệp xã Hà Long huyện Hà Trung đã có những chuyển biến mạnh mẽ tích cực, các mô hình kinh tế mới góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó, mô hình trồng ổi lê theo hướng an toàn được chính quyền và nhân dân trong xã phát triển, nhân rộng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân trong xã.

(Sản phẩm Ổi lê Quý Hương Hà Long, Hà Trung, Thanh Hóa)

          Khai thác lợi thế của vùng bán sơn địa và thay thế đất trồng lúa kém hiệu quả người dân xã Hà Long có xu hướng chuyển sang phát triển kinh tế vườn đồi, nổi bật là trồng giống ổi lê Đài Loan. Giống ổi được trồng tại đây có nhiều ưu điểm, quả có hình dạng như quả lê, to nặng trung bình 300gam – 700gam. Ổi chín có màu trắng, cùi dày, giòn, ít hạt, vị ngọt, mùi thơm đặc trưng. Ổi là loại cây dễ trồng, khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh tốt, cho năng suất cao và có thể thu hoạch quanh năm nếu được chăm sóc tốt. Sau 8 tháng trồng sẽ cho thu hoạch quả, giá bán lại ổn định do nhu cầu tiêu thụ hiện nay trên thị trường tăng cao nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với một số loại cây khác. Hiện nay toàn xã đã mở rộng diện tích trồng ổi trên 190 ha với 500 hộ tham gia, trong đó có 20 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Xã đã thành lập HTX DVTM Quý Hương nhằm quản lý, hỗ trợ người dân phát triển mô hình này. HTX đã phối hợp cùng Hội Nông dân xã, các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các hộ dân nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào trồng ổi theo quy trình Vietgap. Người trồng cần kiểm sóat chặt chẽ từng khâu từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch quả. Trong quá trình chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đúng và đủ liều lượng, chủng loại, thời gian cách ly khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ghi chép nhật ký trồng, chăm sóc, thu hoạch, khuyến khích xử lý cỏ dưới gốc cây bằng phương pháp thủ công, hạn chế dùng thuốc diệt cỏ nguồn gốc hóa học… đảm bảo hệ thống mương lớn cấp, thoát nước dễ dàng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm đảm bảo đủ độ ẩm, kỹ thuật cắt tỉa cành tạo hình cho cây… Không chỉ sản xuất ổi chính vụ, bà con còn học hỏi được kỹ thuật sản xuất trái vụ chủ động điều chỉnh thời điểm cây ra hoa, kết trái theo ý muốn cho thu hoạch quả quanh năm. Nhờ đó năng suất và giá trị cây trồng được nâng cao, năng suất đạt 35 – 50 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt 350 – 500 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 180 – 200 triệu đồng/ha/năm cao hơn từ 3 đến 5 lần so với các cây trồng khác, mang lại thu nhập bình quân cho người lao động từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Và mỗi ha trồng ổi cần 3 lao động chăm sóc, theo dõi xuyên suốt cả vụ, vì vậy mô hình này tạo công ăn việc làm cho những người lao động địa phương trong và ngoài xã.

(Vườn ổi lê tại xã Hà Long, Hà Trung)

          Mô hình trồng ổi lê đang là hướng đi đúng đắn, phù hợp với người dân xã Hà Long trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với các ưu thế như không tốn quá nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư năm đầu thấp (khoảng 26,8 triệu đồng), tuổi thọ cây khá cao (khoảng 5 – 7 năm) và nhanh cho thu hoạch quả nên mô hình trồng ổi lê hiện đang được chính quyền xã và người dân quan tâm, mở rộng diện tích. Ngoài được hỗ trợ về kỹ thuật, đầu ra đều được HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm và được các thương lái thu mua ngay để cung cấp cho thị trường không chỉ trong mà còn mở rộng thị trường ngoài tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,…. Anh Nguyễn Văn Phong, GĐ HTX cho biết, để ổi lê Quý Hương có chỗ đứng trên thị trường nông sản HTX ngoài chú trọng trong khâu chăm sóc để sản phẩm đạt hình thức, chất lượng tốt nhất còn đặc biệt chú trọng đến đăng ký thương hiệu, sử dụng tem mã vạch truy xuất nguồn gốc để đáp ứng đủ tiêu chí lưu thông ngoài thị trường và đặc biệt có mặt trong các siêu thị, cửa hàng nông sản, thực phẩm sạch nâng cao giá trị sản phẩm. Xã Hà Long đã xây dựng được sản phẩm ổi sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2021,được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho thương hiệu “ổi Quý Hương” năm 2022. Anh cho biết thêm để sản phẩm ngày càng phát triển hơn nữa, HTX sẽ mở rộng liên doanh, liên kết tăng cường quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm thông qua các web bán nông sản, sàn thương mại điện tử và tích cực tham gia các hội chợ nông sản trong và ngoài tỉnh để phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch. Về phía người dân sẽ vận động tuyên truyền phổ biến hưỡng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ổi đúng quy trình, không lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu,… trong quá trình cây sinh trưởng. Trồng đúng mật độ, khoảng cách để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất tạo niềm tin với người tiêu dùng, nâng tầm thương hiệu ổi Quý Hương.

Mô hình trồng ổi lê tại Hà Long được xem là mô hình mới góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của địa phương và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng tầm thương hiệu ổi lê Quý Hương thúc đẩy kinh tế – xã hội ở địa phương phát triển, nâng cao đời sống người dân xã Hà Long.

Lê Thúy