Hiệu quả từ mô hình trồng sen nuôi cá, vịt tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân

Hiệu quả từ mô hình trồng sen nuôi cá, vịt tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân

          Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, từ chuyển đổi diện tích cấy lúa vùng thấp trũng sang trồng cây khác, anh Phạm văn Cường, thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, là một hộ dân tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, theo mô hình trồng sen – nuôi cá – vịt trời.

Năm 2018, sau quá trình tìm hiểu, học hỏi, thăm quan các mô hình, anh Cường quyết định thầu của xã 8 ha đất 5%, là loại đất thịt nặng chủ yếu là ao đầm bỏ hoang và mua thêm của bà con 10 ha đất lúa kém hiệu quả để đầu tư, cải tạo, xây dựng trang trại chuyên canh cây sen, kết hợp nuôi cá, vịt trời và trồng 1.000 cây dừa xiêm.

Sau nhiều năm đầu tư, cải tạo khu đồng cũng như đã chuẩn bị đầy đủ kiến thức, đi học tập kinh nghiệm tại một số mô hình ở các địa phương, cộng với việc tìm mua được giống sen Nhật Bản bảo đảm chất lượng, nên cây sen khi được trồng đã sinh trưởng và phát triển tốt. Cây sen là loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, tỉ lệ hao hụt thấp, chỉ mất chi phí đầu tiên cho lần xuống giống, chăm sóc bón phân và thu hoạch trong nhiều năm. Sen lấy hạt cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8. Đối với cây sen có một số loại sâu bệnh hại chính sau: Sâu ăn tạp, bệnh thái thư, bệnh mục nát. Cây sen được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, làm dược liệu, thực phẩm, cảnh quan, trang trí. Với những đài sen lai từ 10 đến 15cm, có thể cho thu hoạch hàng trăm hạt sen; những bông hoa tiếp tục bung nở, tỏa hương thoang thoảng cả một vùng. Mỗi vụ sen kéo dài từ tháng 5 đến giữa tháng 9 âm lịch hàng năm. Chớm đông, cũng là lúc sen tàn, thời gian còn lại, đầm chỉ dành cho phát triển và thu hoạch các loại cá. Mùa xuân năm sau, hàng chục nghìn mầm sen lại mọc lên từ gốc cũ. Mỗi năm thu được trên 400 tấn hạt sen, trừ chi phí còn lãi 500 triệu/năm. Hiện nay, các sản phẩm từ cây sen đang tiêu thụ rất thuận lợi tại thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai,… người trồng không phải lo tìm đầu ra mà được thương lái đến tận nơi đặt hàng, thu mua. Không chỉ bán hạt, hoa, củ, các bộ phận khác của cây sen như: lá, tâm, nhụy, ngó cũng có thể bán được. Tác dụng của một số sản phẩm từ cây sen như: Hạt sen dùng để bổ dưỡng an thần, chữa thiếu máu, giảm khát vào mùa hè, kém ăn bồi dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh,… đặc biệt chữa bệnh suy dinh dưỡng, lá sen dùng để chữa bệnh mỡ máu, đau mắt, phòng chống béo phì,…

Để tận dụng mặt nước ao, đầm gia đình anh nuôi thêm vịt trời(1 tháng tuổi trở lên) được lấy giống từ tỉnh Bắc giang về nuôi để tận dụng nguồn thức ăn trong đầm sen như: tôm, tép,…cùng thức ăn lúa, ngô nên chất lượng vịt rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi năm gia đình anh nuôi 2 đến 3 lứa/năm, với số lượng xuất ra thị trường từ 8.000 – 10.000 con/năm với giá 150.000 đồng/con (từ 1,1 – 1,3 kg), vịt trời được thương lái mua tại chỗ, ngoài ra gia đình anh còn bán cho các nhà hàng, khách sạn cũng như người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý, ngoài mô hình trồng sen và nuôi vịt trời gia đình anh còn nuoi thêm các loại cá thịt như: Cá trắm đen, cá trắm cỏ, cá chép được thả vào tháng 4 đến tháng 2 năm sau cho thu hoạch. Cá được nuôi theo mô hình bán tự nhiên, thức ăn chủ yếu có sẵn tại hồ, đầm như; lá sen thối. hạt sen thối, dong, rêu,… nên chất lượng cá rất ngon. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch 3 – 4 tấn cá/năm, với giá bán từ 50.000 – 70.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm. Nuôi cá kết hợp với trồng sen, nuôi vịt chi phí thức ăn chỉ bằng một nửa so với nuôi thông thường, nên hiệu quả kinh tế đạt cao.

Đến nay, khu trang trại tổng hợp bồm gồm khu đầm sen kết hợp nuôi cá, vịt rộng tới 18 ha này đã trở thành mô hình kinh tế điển hình của xã Thọ Lâm. Mỗi năm trang trại cho lãi 700 triệu đồng/năm. Nhờ đó đã tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho 4 lao động chính và 16 lao động thời vụ tại địa phương.

Có thể nói mô hình trồng sen – nuôi vịt trời – nuôi cá của gia đình anh Phạm Văn Cường đã khẳng định sự thành công của một người dám nghĩ, dám làm, được chính quyền địa phương và Hội nông dân huyện xem là một trong những điển hình phát triển kinh tế để nhiều người học tập.

Trên địa bàn tỉnh những năm gần đây xuất hiện khá nhiều mô hình trồng sen Nhật Bản lấy hạt. Tuy nhiên, việc kết hợp nuôi thêm nhiều loại con để tăng hiệu quả kinh tế như anh Cường thì còn khá ít. Mô hình này đã mở ra cho các địa phương trên địa bàn tỉnh một hướng sản xuất mới, đạt hiệu quả kinh tế cao, nhất là những vùng đất chiêm trũng.

                                                                                                        Văn Lộc