Hiệu quả mô hình trồng xả dược liệu tại xã Thành vinh, Thạch Thành

          Hiệu quả mô hình trồng xả dược liệu tại xã Thành vinh, Thạch Thành

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc bạc màu, cằn cỗi, trồng cây kém hiệu quả cho năng suất thấp. Từ năm 2014, xã Thành Vinh (Thạch Thành) đã đưa cây sả chanh vào trồng thử nghiệm để lấy tinh dầu. Với ưu điểm dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, giá trị kinh tế lại cao gấp từ 3 – 4 lần so với những cây trồng truyền thống, hiện, cây sả là loại cây trồng đang được kỳ vọng mở ra hướng thoát nghèo mới bền vững cho nông dân xã Thành Vinh, từng bước góp phần xây dựng thành công nông thôn mới tại địa phương.

Vùng trồng sả dược liệu tại xã Thành Vinh, Thạch Thành

          Trước đây, những quả đồi thường được nông dân xã Thành Vinh trồng ngô, sắn, mía nguyên liệu. Tuy nhiên, do năng suất thấp, lại thường xuyên mất giá nên nhiều vụ, người trồng không có lãi. Nhận thấy tiềm năng lớn của đất đai không được khai thác hiệu quả đồng thời  ngày càng mai một do người dân canh tác thiếu bền vững theo thời gian sẽ làm đất đai ngày càng bị xói mòn, bạc màu. Vì vậy năm 2014, xã bắt đầu đưa cây sả chanh vào trồng thử nghiệm ở những vùng đất đồi có độ dốc cao, cằn cỗi với ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, vào mùa thu hoạch, người dân chỉ bán được phần củ sả còn lượng lớn lá sả thường bỏ lại trên đồi hoặc đem đốt bỏ gây lãng phí. Ngoài ra, việc đốt bỏ lá sả trên đồi hàng năm gây ra hiện tượng bạc màu đất, giảm năng suất cây sả và ảnh hưởng đến môi trường trong khi lá xả là bộ phận chứa nhiều tinh dầu nhất trong cây sả có thể tận thu để tạo ra một sản phẩm có giá trị cao hơn đó là tinh dầu.Từ đó anh Nguyễn Hữu Minh, một người con của quê hương Thành Vinh (Thạch Thành) đã trăn trở và nghĩ đến việc sản xuất tinh dầu từ cây sả chanh. Từ khi có ý tưởng, anh bắt đầu tìm hiểu quy trình sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch cây sả đến quy trình chưng cất, chế xuất tinh dầu và đưa sản phẩm ra thị trường như thế nào…. Tháng 8-2016, anh bắt tay vào sản xuất thử nghiệm với nồi chưng cất nhỏ, mỗi lượt nấu chỉ được 200kg nguyên liệu và cho ra khoảng 500ml tinh dầu. Sản phẩm ban đầu với số lượng ít ỏi cũng chưa được nhiều người biết đến nên anh dùng để tặng và bán lẻ. Đến tháng 5-2017 anh nhận được lời mời hợp tác và cung cấp khoảng 50kg tinh dầu mỗi tháng cho một công ty, Từ đó anh quyết định lắp đặt thêm 1 hệ thống chưng cất lớn hơn với công suất chưng cất được 1,5-2 tấn lá/nồi, cho ra sản lượng từ 1,8-2,4kg tinh dầu. Thời điểm này anh bắt đầu nhận được các đơn đặt hàng từ Hà Nội, Ninh Bình, Huế,….  Để sản phẩm được thương mại hóa, đến tay người tiêu dùng trong cả nước tháng 11-2017, anh quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại tinh dầu Nguyên Hồng, đăng ký thương hiệu tinh dầu Nguyên Hồng cho các sản phẩm chế biến từ tinh dầu xả.

Nhận thức được xu hướng tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ an toàn cho sức khỏe từ năm 2017 Công ty đã tiến hành đưa quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác theo hướng hữu cơ, theo đó hạn chế sử dụng phân bón hóa học thay vào đó là phân hữu cơ vi sinh, không dùng thuốc bảo vệ thực vật để cải tạo đất, nước và tăng đa dạng sinh học tại vùng trồng.Sau nhiều năm thực hiện quy trình sản xuất thực hành tốt của công ty, năm 2019 vùng nguyên liệu 3ha sản xuất tinh dầu của Minh Hồng đã đủ tiêu chuẩn và đạt được chứng nhận VietGap, sản phẩm tinh dầu Sả Chanh của công ty Nguyên Hồng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, theo đó sản phẩm đã có mặt ở hơn 20 đại lý trên 10 tỉnh thành và đang nhận được sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng. Ngoài 3ha vùng nguyên liệu của Công ty để đáp ứng đủ nhu cầu của thọ trường công ty cũng tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sả cho các hộ dân theo giá thị trường với giá bán lá sả tươi khoảng 700 đồng/kg, giá bán củ sả dao động từ 2 – 5 nghìn đồng/kg. Ước tính mỗi ha sả cho năng suất bình quân khoảng 20 tấn lá mỗi năm,  mỗi năm Công ty thu mua khoảng 4.000 – 5.000 tấn lá sả, chiết xuất được 500 lít tinh dầu sả. với giá bán 700.000đồng/lít. Anh cho biết so với các loại cây trồng truyền thống khác ở địa phương thì cây sả chanh có ưu điểm là dễ trồng hơn các loại cây trồng khác, không kén đất phù hợp với đất đồi cằn, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, nhất là không tốn nhiều công chăm sóc. Từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất 3 tháng, mỗi lứa sả chanh cho thu hoạch cách nhau khoảng 40 – 50 ngày nên cho thu hoạch nhiều lần trong năm và liên tục từ 5 đến 6 năm liền, vì thế tinh dầu sả có thể xuất bán liên tục quanh năm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây sả để chế xuất tinh dầu đến nay, xã Thành Vinh có 200 ha chuyển đổi từ những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây sả chanh, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. giúp các hộ trồng sả tăng thêm thu nhập bình quân khoảng 12 triệu/ha, đồng thời hạn chế được việc người dân đốt bỏ lá sả sau thu hoạch.

Nhận thấy không chỉ sản xuất sản phẩm mà còn phải giới thiệu, quảng bá sản phẩm nên anh tập trung cho marketing và phát triển đại lý. Quảng bá trên các kênh điện tử và trên website riêng, đồng thời thường xuyên tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại hàng năm ở nhiều tỉnh, thành nhằm quảng bá sản phẩm rộng rãi đến với người tiêu dùng. Hiện  nay thương hiệu của anh cũng đã có chỗ đứng trên thị trường, lượng khách quen ngày càng nhiều hơn tại các tỉnh thành. Doanh thu hiện tại của công ty khoảng 100-300 triệu đồng mỗi tháng, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động chính và 15 -20 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 5 – 7 triệu đồng/tháng. Anh cho biết định hướng của Công ty đó là phát triển đa dạng thêm nhiều loại sản phẩm như tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế,… đồng thời phát triển mô hình theo hướng từ tay người nông dân đến tay người tiêu dùng, tức là sản xuất và bán trực tiếp thông qua hệ thống chuỗi cửa hàng. Hơn nữa để phát triển sản phẩm, anh muốn nghiên cứu và phát triển sản phẩm chuyên sâu, biến tinh dầu thành các sản phẩm đặc biệt hơn nữa tinh dầu treo xe, tinh chất gội đầu, xà bông tinh dầu thảo dược,… để đa dạng hóa các sản phẩm và gắn với việc tiêu dùng hàng ngày.

Phát triển mô hình trồng sả dược liệu đã mang lại một diện mạo mới cho một vùng quê Thạch Thành. Không chỉ tác động tích cực đến môi trường cảnh quan sinh thái, mà còn tạo giá trị kinh tế đảm bảo thu nhập ổn định cho bà con nông dân ngay chính tại địa phương, đồng thời tạo ra được sản phẩm tinh dầu hữu cơ đặc trưng của vùng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Phương Thúy