Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại/gia trại ở các huyện miền núi Thanh Hóa

Nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh ở khu vực miền núi Thanh Hóa, những năm qua người dân đã có sự chuyển dịch trong chăn nuôi, đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế trang trại, gia trại tập trung, mở rộng quy mô. Đây được xem là hướng đi phù hợp với lợi thế khu vực để khai thác lợi thế về đất đai, nguồn lao động dồi dào. Đây còn là bước đệm để người dân mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Giúp xóa đói, giảm nghèo và góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông Nghiệp và PTNT Thanh Hóa đến năm 2020, trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh đã xây dựng được 42 trang trại chăn nuôi với quy mô vừa và nhỏ; 67 trang trại quy mô lớn. Với các dự án quy mô lớn điển hình như tại huyện Thạch Thành: khu chăn nuôi lợn giống quy mô 6.000 con của Công ty Cổ phần xây dựng Ngọc Sơn liên kết chăn nuôi cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP tại xã Thành Minh; trang trại chăn nuôi bò thịt 3B Công nghệ cao với diện tích hơn 4ha,  số lượng 200 con tại xã Thành Tân; Khu… Dự án “ứng dụng công nghệ cao để chăn nuôi lợn giống, sản xuất thức ăn lên men và sản xuất phân bón” của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương tại xã Minh Tiến (Ngọc Lặc); Công ty Cổ phần Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân liên kết cùng Công ty Cổ phần Nông sản Phú Gia đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi gà công nghệ cao với công suất khoảng 2,8 triệu con gà thịt/năm ; Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại xã Phú Nhuận (Như Thanh),… Dự án được ứng dụng công nghệ hiện đại với quy mô 2.000 con bò, tổng vốn đầu tư hơn 224 tỷ đồng, trên diện tích 34 ha. Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, hiện năng suất sữa bình quân tại trang trại bò sữa đạt 29,2 lít/con/ngày, tổng sản lượng toàn trang trại đạt hơn 58.000 lít/ngày,… Lợi ích của các dự án đó là thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các huyện miền núi, tạo công ăn việc làm cho người dân,  đồng thời với một số dự án chăn nuôi bò sữa còn tạo việc làm cho hàng nghìn hộ dân của các huyện Như Thanh, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc thông qua hợp đồng cung cấp nguyên liệu làm thức ăn nuôi bò nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, gần 300ha đất bị hoang hóa ở các địa phương đã được người dân tận dụng trồng ngô dầy làm thức ăn chăn nuôi, mang lại thu nhập từ 90 – 110 triệu đồng/ha, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh các dự án đầu tư quy mô lớn của các Công ty chăn nuôi thì chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô nhỏ hộ gia đình cũng phát triển nhiều hơn cả về số lượng và chất lượng như trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Hương (Cẩm Tâm, Cẩm Thủy) với vốn đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng trang trại nuôi gà kết hợp thả vườn ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi. Ông cho biết: “Trước đây, gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng đất rộng chỉ chăn thả tự nhiên nên chất thải đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, số lượng đàn không đảm bảo để xuất bán do hay bệnh tật dễ ốm chết nên hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu công nghệ trong chăn nuôi, đồng thời có sự khuyến khích của chính quyền địa phương, ông đã xây dựng chuồng trại khép kín, có máng ăn, máng nước bảo đảm vệ sinh, gia đình đã tăng số lượng đàn lên hơn 1.000 con/lứa và ứng dụng công nghệ đệm lót bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi”. Bên cạnh đó, ông lựa chọn con giống có năng suất cao; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng cho gia cầm… Theo ông Hương, đàn gà có sức đề kháng tốt hơn, da vàng, thịt chắc và thơm ngon, trứng có lòng đỏ đậm nên người tiêu dùng rất ưa chuộng; nhất là, áp dụng khoa học – kỹ thuật đã hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Vì vậy, lứa gà nào đến thời điểm xuất bán cũng có nhiều thương lái đặt mua, giá bán luôn cao hơn giá bán gà công nghiệp từ 20 đến 30%.

Hiện nay phát triển chăn nuôi ở các huyện miền núi đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại sản xuất khép kín. Để tạo động lực giúp người dân chăn nuôi theo hướng bền vững, các địa phương đã có các giải pháp tích cực như: Các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ được vay vốn của ngân hàng với lãi suất ưu đãi để người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng mở rộng sản xuất kinh doanh, trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi cũng có các chính sách hỗ trợ kinh phí, tư vấn thủ tục xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm chăn nuôi nhanh gọn, hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng để tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm chăn nuôi tại các quầy hàng, điểm bán hàng tại các cửa hàng sạch trên địa bàn và trong tỉnh, quảng bá sản phẩm trên các web an tòan thực phẩm như nongsanantoanthanhhoa.gov.vn; khuyến khích dồn điền, đổi thửa… để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khả thi đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả kinh tế sang phát triển trang trại chăn nuôi. Áp dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa các trang trại, HTX,… với các doanh nghiệp trong toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất để tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn nhằm xây dựng chuỗi liên kết theo mục tiêu từ trang trại đến bàn ăn, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững; hỗ trợ đầu tư khuyến nông và khoa học kỹ thuật, hỗ trợ các mô hình trình diễn, mở các lớp đào tạo, tập huấn, áp dụng khoa học – kỹ thuật về giống, thức ăn chăn nuôi,… chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh; tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, áp dụng công nghệ trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học như sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng thức ăn lên men, bố trí quy hoạch chuồng trại theo tiêu chuẩn, bảo đảm vệ sinh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường… theo tiêu chí phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn cho người chăn nuôi, đảm bảo nguồn thực phẩm tươi sạch đến tay người tiêu dùng, thân thiện môi trường. Đồng thời, hình thành các hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa trang trại với doanh nghiệp để đôi bên cùng có lợi hướng tới chăn nuôi bền vững”.

Tuy nhiên, những khó khăn về điệu kiện sản xuất, kinh doanh như: Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân còn hạn chế. Với đặc thù địa hình chia cắt phức tạp khó tích tụ đất đai, hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn. Giá sản phẩm chăn nuôi luôn bấp bênh, trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra của sản phẩm chưa thực sự ổn định, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người chăn nuôi chưa thực sự yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Thực trạng liên kết sản xuất giữa các hộ chăn nuôi với Công ty bao tiêu còn ít và chưa bền vững chủ yếu chăn nuôi gia công, thu nhập của người chăn nuôi chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào các công ty thuê chăn nuôi khiến cho “đầu ra” chưa ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cách thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trình độ sản xuất thấp cũng đang là những hạn chế không nhỏ. nên kinh tế trang trại ở các địa phương miền núi vẫn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp phù hợp như: Quy hoạch khoanh vùng, lựa chọn mô hình kinh tế trang trại phù hợp với đặc điểm tự nhiên của từng vùng nhằm tạo điều kiện cho tất cả các vùng phát triển đồng đều trên cơ sở hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và liên kết giữa các vùng, tạo nên sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trên địa bàn; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các dự án chế biến, dịch vụ và mở rộng diện tích cho các trang trại; Thực hiện các chính sách hỗ trợ về đầu tư và vốn của Nhà nước đối với phát triển kinh tế trang trại: các địa phương có kế hoạch bố trí vốn để hỗ trợ các trang trại đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng sản xuất, cơ sở chế biến. Trang trại được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo Quyết định số 423/QĐ/NHNN ngày 22/9/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quy định chính sách tín dụng ngân hàng đối với kinh tế trang trại; Nâng cao trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN): áp dụng KH&CN cho các chủ trang trại, đầu tư công tác khuyến nông để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trang trại, đưa các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất; áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản; Nâng cao năng lực quản lý của chủ trang trại và nâng cao tay nghề của người lao động thông qua các lớp quản lý quy trình và cách thức sản xuất, xu hướng phát triển kinh tế trang trại, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách về phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Chuyển giao kỹ thuật và công nghệ mới thông qua các lớp tham quan, tập huấn; Hỗ trợ tiếp cận thị trường, tiêu thụ hàng hoá: tổ chức dự báo thị trường, khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp dịch vụ chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng, phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng khâu bảo quản, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư để phát triển dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, Nhà nước cùng các tổ chức kinh tế có các biện pháp thu mua, chế biến, dự trữ, điều hoà cung cầu để giữ giá ổn định một số mặt hàng thiết yếu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng.

Với việc kết hợp đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế trang trại, gia trại được xem là hướng đi phù hợp với khu vực miền núi để khai thác lợi thế nơi đây. Đây còn là bước đệm để người dân mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa giúp xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế ổn định nâng cao đời sống người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Phương Thúy