Hiệu quả từ mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ ngô ngọt tại xã Quảng Long, huyện Quảng Xương

Hiệu quả từ mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ ngô ngọt tại xã Quảng Long, huyện Quảng Xương

          Xã Quảng Long, huyện Quảng Xương là một xã thuần nông với nghành nghề chủ yếu là trồng trọt. Với mong muốn thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất, trong những năm gần đây, huyện Quảng Xương đã chỉ đạo, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản xuất cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đơn vị được lựa chọn tham gia mô hình là công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phát (đ/c: Thôn Cống Trúc, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá)  đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương triển khai mô hình “Liên kết sản xuất ngô ngọt gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại các xã trên địa bàn huyện, trong đó xã Quảng Long là một trong những xã có diện tích trồng ngô ngọt lớn của cả huyện.

Giống ngô ngọt Việt Thái 01 cho năng suất, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.

          Mô hình được triển khai với quy mô trên 30 ha tại nhiều xã của huyện và có 60 hộ dân được lựa chọn tham gia mô hình. Xã Quảng Long tham gia mô hình với diện tích hơn 8 ha ngô ngọt. Loại giống được chọn là giống ngô ngọt Việt Thái 01 cho năng suất, chất lượng cao đã được trồng thử nghiệm tại nhiều địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế. Trước khi sản xuất các hộ dân tham gia mô hình đều được tập huấn quy trình sản xuất thâm canh ngô ngọt giống Việt Thái 01 và ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra với Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phát với giá sàn là 3.500 đồng/kg bắp ngô tươi thu tại hiện trường đầu bờ (giá theo thị trường nhưng không thấp hơn 3.500 đồng/kg). Khi tham gia mô hình, cây giống và các loại vật tư thiết yếu phục vụ cho mô hình như: giống, phân bón, thuốc BVTV,… sẽ được công ty cung cấp miễn phí 50 % cho các hộ dân và 50% còn lại là vốn đối ứng của các hộ và sẽ được trừ vào tiền bán ngô cho công ty sau khi thu hoạch sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, công ty sẽ cử cán bộ kỹ thuật xuống tận đồng để hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và thu thu hoạch cũng như giám sát kỹ thuật trong suốt quá trình diễn ra mô hình để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm đạt kết quả tốt nhất.

Cánh đồng ngô ngọt tại xã Quảng Long, huyện Quảng Xương.

          Kết quả bước đầu của mô hình đã cho thấy: Giống ngô ngọt Việt Thái 01 có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương, cây sinh trưởng nhanh, dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu được sâu bệnh, chống rét tốt. Giống ngô có thời gian sinh trưởng từ 70 đến 80 ngày cho thu hoạch, bắp to, có khối lượng từ trung bình 1 đến 2 bắp/kg. Hạt ngô màu vàng tươi đẹp, hạt sáng bóng, xếp thẳng hàng, vỏ hạt mỏng, chất lượng ăn ngon mềm và ngọt. Sau khi thu hoạch, thân lá sẽ được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm được các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm thu mua lại với giá 500 nghìn đồng/sào. Năng suất bắp tươi đạt từ 16 đến 18 tấn/ha. Tổng thu nhập sau khi bán bắp ngô cho công ty đạt trên 80 triệu đồng/ha và sau khi trừ đi các chi phí như: giống, phân bón, thuốc BVTV… mà công ty đã cung cấp cho các hộ ngay từ đầu thì bình quân mỗi hộ thu về được từ 50 – 60 triệu đồng/ha. Điều đặc biệt của cây ngô ngọt là có thể trồng được nhiều vụ trong năm, không giống như các cây vụ đông khác chỉ trồng được một vụ nên nếu trồng chuyên canh cây ngô ngọt có thể cho thu lợi gấp nhiều lần cây lúa và nếu so sánh với cây trồng khác như cây rau màu, ngô lai, ngô nếp… thì cây ngô ngọt cho thu nhập cao hơn từ 10 – 20 triệu đồng/ha nếu trồng liên tục theo chuỗi giá trị.

Trao đổi với ông Lê Bá Bình – Phó chủ tịch UBND xã Quảng Long cho biết: Mô hình triển khai hiệu quả đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân tham gia và hơn hết là củng cố niềm tin cũng như nhận thức của bà con nông dân vào liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sẽ gia tăng được giá trị cho sản phẩm và đầu ra ổn định không phải lo về vấn đề được mùa mất giá. Theo kế hoạch, trong vụ đông tới đây, Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phát cùng với bà con nông dân xã Quảng Long trao đổi thống nhất triển khai mở rộng diện tích liên kết trồng ngô ngọt lên khoảng từ 10 – 15 ha trong năm nay đối với xã Quảng Long.

Có thể nói, thành công từ mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ ngô ngọt tại xã Quảng Long, huyện Quảng Xương đã đem lại hướng đi mới cho người nông dân không chỉ ở Quảng Long mà còn ở cả huyện Quảng Xương. Liên kết sản xuất  – tiêu thụ sản phẩm đang là xu thế chung và là hướng đi đúng đắn nhất để gia tăng giá trị cho sản phẩm một cách bền vững nhất. Mô hình bước đầu thành công cũng cho thấy được hiệu quả kinh tế so với các loại cây trồng khác cũng góp phần không nhỏ thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng và tái cơ cấu nghành nông nghiệp theo chủ trương chung của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu của thị trường cả về sản lượng và chất lượng sản phẩm. Đây thực sự là một mô hình kiểu mẫu cần được học tập và nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.

Mạnh Tùng