MÔ HÌNH NUÔI GÀ TIẾN VUA ĐEM LẠI HIỆU QUẢ KINH TẾ

Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sản nên anh Trương Tiến Hải, nguyên là giảng viên tại Khoa nuôi trồng thủy sản – Trường Đại học Hồng Đức, với niềm đam mê nghiên cứu các giống gà đặc sản, bản địa, anh đã triển khai tìm kiếm giống gà “Tiến Vua” về nhân giống và nuôi tại trang trại.

Theo anh Hải chia sẻ, ngay từ đầu năm 2011, anh đã đến vùng núi Chí Linh (nay thuộc huyện Lang Chánh – Thanh Hóa) tìm kiếm một thời gian về dấu tích của giống gà “Tiến Vua” trong các nhà dân địa phương, nhưng không có kết quả. Mở rộng tìm kiếm giống gà này đế tận vùng núi rừng Quan Hóa cũng không còn dấu tích. Đến cuối tháng 5 năm 2011, anh tiếp tục chuyến tìm kiếm thứ 2 tại Ngọc Lặc. May mắn với anh, tại đây, một số hộ dân vẫn còn chăn nuôi giống gà này nhưng đã bị lai tạp nhiều. Những người dân chăn nuôi giống gà này cho biết, gà “Tiến Vua” là một giống gà rừng nên rất khỏe, chống chịu tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và bệnh tật. Với điều kiện chăn nuôi tự cung tự cấp của các gia đình ở đây, thấy giống gà khỏe mạnh và tự tìm kiếm được thức ăn nên các gia đình vẫn duy trì giống gà này theo kiểu nuôi chăn thả tự nhiên. Khi hỏi về nguồn gốc giống gà này thì các gia đình đều không biết, chỉ biết là từ bao đời nay thấy giống gà này chăn nuôi dễ, thịt thơm ngon nên các gia đình vẫn chăn nuôi và cho sinh sản tự nhiên. Anh Hải đã tìm mua được 5 cá thể gà trống và 6 cá thể gà mái thuộc 3 hộ gia đình, đem về trang trại bắt đầu thực hiện quy trình khôi phục giống gà “Tiến Vua”.

Qua tìm tòi, nghiên cứu thử ngiệm các công thức lai tạo khác nhau, sau 6 năm, đến năm 2016 thì giống gà đạt được 98% so với mô tả và đến năm 2018 thì đúng với mô tả. Gà có thân hình tròn, gọn, chân nhỏ, cổ ngắn; gà trống có màu lông sặc sỡ hơn gà mái, màu lông chủ yếu màu vàng đỏ pha lẫn trắng, đen hoặc xám. Gà có có mào đỏ và mào lá, mào nụ là chủ yếu (mào phải luôn dựng thẳng, tương đối mỏng, phần thịt nhẵn nhụi và mềm, gốc mào kéo dài từ mỏ cho đến đỉnh đầu, phần trên cùng bao gồm từ 5 đến 6 gai mào hay chóp, chóp chính giữa cao nhất so với các chóp phía trước hay sau, tạo thành hình nửa o-van khi nhìn tổng thể).

Hình ảnh đàn gà “Tiến Vua” tại trang trại của anh Hải

Khi nuôi thả trong môi trường tự nhiên, thức ăn ở giai đoạn đầu chủ yếu là gạo mẳn (gạo tấm), giai đoạn sau là thức ăn trộn chuối, ngô, cám gạo, bã bia, bã rượu… Quy trình từ lúc nhân giống đến lúc xuất chuồng khoảng 07 tháng. Khối lượng trưởng thành con trống đạt 2,4 – 2,6kg, con mái đạt 1,5 – 1,7kg. Năng suất trứng bình quân 120 – 150 quả/năm. Thịt gà đặc biệt có phẩm chất lượng mỡ ít, thịt dai chắc, thơm, ngọt, kích thước trứng khá lớn, lòng đỏ nhiều phù hợp với sở thích ẩm thực của người Việt Nam.

Nhắc đến những thất bại đầu tiên, anh Hải cho biết: Năm 2012, do dịch bệnh nên hàng ngàn con gà bị chết, anh bị lỗ mất hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân là do chưa nắm vững những kỹ thuật chăn nuôi, kinh nghiệm chăm sóc còn ít. Từ lần thất bại đó, anh đã đọc sách, nghiên cứu các tài liệu về gen di truyền và tham khảo thêm được nhiều ý kiến từ những chuyên gia. Để giống gà phát triển tự nhiên, anh không tiêm vacxin cho chúng mà chủ động nghiên cứu, tham khảo các tài liệu và kinh nghiệm từ bà con dân tộc để chế nguồn dược liệu quý hiếm, sử dụng cho gia cầm tránh bệnh tật.

Ảnh: Anh Hải với gà “Tiến Vua” thương phẩm

 

Từ trang trại của anh Hải ở Quảng Thành – Thanh Hóa, đặc sản gà “Tiến Vua” thương phẩm hiện được cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch, các nhà hàng và các hộ gia đình đặt mua trực tiếp. Sản lượng xuất bán được từ 3 – 5 tấn gà/năm. Giá bán ra thị trường từ 180 – 200 ngàn đồng/kg. Giá giống dưới 10 ngày tuổi thường từ 30.000 – 50.000 đồng/con; 01 tháng tuổi từ 80.000 – 100.000 đồng/con. Tổng doanh thu 150.000.000 – 200.000.000 đồng/năm?

Với mô hình nghiên cứu, bảo tồn và chăn nuôi phát triển giống Gà “Tiến Vua” tại Quảng Xương, anh Hải không chỉ là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và giúp đỡ nhiều gia đình đi lên từ mô hình kinh tế trang trại.

Anh Hải cho biết, ngoài giá trị về kinh tế, gà “Tiến Vua” được bảo tồn và phát triển còn có ý nghĩa rất quan trọng về việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm về giống gà “Tiến Vua” xưa kia. Do vậy, anh Hải mong muốn trong thời gian tới sẽ phối hợp với trung tâm nghiên cứu công nghệ xanh, trường Đại học Hồng Đức để nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa về một số giống gà quý. Đồng thời, nhân rộng hơn nữa mô hình gà tiến Vua và đẩy mạnh thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, sẽ đưa gà Tiến vua đến nhiều hộ dân, sẵn sàng tư vấn giúp đỡ những người có nguyện vọng theo đuổi mô hình này.

Nguyễn Yến