THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TRONG CÁC MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO TẠI THANH HOÁ

Thanh Hoá, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn như: Quá trình đô thị hoá tăng nhanh dẫn đến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp lại nên đòi hỏi phải nâng cao năng xuất nông nghiệp để đáp ứng an ninh lương thực; biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển nông nghiệp; cùng với việc dự báo thời cơ của quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản ngày càng cao. Vì vậy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đề án tái cơ cấu là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Đầu tiên phải kể đến Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, đã tiên phong triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao. Với công nghệ nhân giống invitro; sản xuất rau, hoa quả theo công nghệ Isarel; sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ điều khiển dinh dưỡng tự động….mô hình ứng dụng CNC này đã khai thác tối đa lợi thế tiềm năng đất đai, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hoá chủ lực như sản xuất đường và các chế phẩm sau đường, rau củ quả, hoa kiểng … đặt hiệu quả kinh tế cao, gấp hàng chục lần sản xuất truyền thống, đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn VietGap. Từ mô hình này đã mở ra hướng mới trong phát triển NNCNC của tỉnh, là điểm tham quan học hỏi của các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất NNCNC. Với kỳ vọng phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng CNC, thời gian qua cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ưong. Tỉnh Thanh Hoá đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình phát triển NNCNC. Vì vậy tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư phát triển NNCNC trong lĩnh vực trồng trọt như: Công ty CP mía đường Lam Sơn, CTCP Công Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông, Dự án chăn nuôi bò sữa Vinamilk, TH True milk; mô hình chăn nuôi theo chuỗi của Công ty CP Nông sản, thực phẩm Việt Hưng; Công ty CP Nông sản Phú Gia,….với hàng trăm trang trại chăn nuôi, quy mô lớn được đầu tư chuồng trại khép kín, hiện đại; gần 300 ha sản xuất rau quả được trồng trong nhà mái có che. Giá trị sản xuất NNCNC đạt 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.

Sản xuất NNCNC ở các mô hình này có những thuận lợi như đảm bảo được tính đồng bộ liên hoàn trong các hoạt động; hàng hoá tập trung; kiểm soát được chất lượng nông sản; giảm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho một đơn vị diện tích; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; Được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước như: Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với nhiều quy định cởi mở, trong đó, khuyến khích cho vay ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đối với các dự án tham gia mô hình liên kết, NNCNC trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án; phương án sản xuất, kinh doanh với hạn mức 5 – 7 tỷ đồng. Xác định đầu tư công nghệ cao là lĩnh vực mới và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy để các ngân hàng mạnh dạn hơn khi cho vay, Nghị định 55/NĐ-CP cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ cấu lại nợ hoặc có thể khoanh nợ, đối với trường hợp khách hàng gặp rủi ro nguyên nhân khách quan bất khả kháng. Đặc biệt là thủ tướng chính phủ đã huy động gói tín dụng thương mại 100 nghìn tỷ đồng, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5% – 1,5% so với mức cho vay lãi suất thông thường cùng kỳ hạn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN về tiêu chí xác định chương trình, dự án NNCNC, nông nghiệp sạch, làm cơ sở để các ngân hàng thực thi chính sách.

Bên cạnh những thuận lợi, việc hình thành và phát triển các mô hình NNCNC như Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn còn rất ít, tính đến nay trên địa bản tỉnh Thanh Hoá chỉ có 6 doanh nghiệp đầu tư sản xuất ứng dụng sản xuất NNCNC có quy mô và vốn đầu tư lớn (trong khi có khoảng 790 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn  trên địa bản tỉnh còn lại là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, lẻ, thiếu tập trung, mức độ áp dụng công nghệ thấp). Khó khăn lớn nhất sản xuất NNCNC có quy mô là nguồn vốn đầu tư lớn: ước tính muốn thành lập phát triển trang trại chăn nuôi theo mô hình NNCNC ở quy mô vừa chi phí sẽ gấp 4-5 lần so với việc xây dựng trang trại chăn nhuôi mô hình truyền thống, để đầu tư 1ha trồng rau quả theo hướng CNC, yêu cầu vốn đầu tư tối thiểu từ 3-5 tỷ đồng, đối với nhà lưới là khoảng 1,5 tỷ đồng/ha, một nguồn vốn đầu tư lớn cùng với khả năng xoay vòng nguồn vốn lâu, tỷ lệ rủi ro trong sản xuất không hề nhỏ, khiến nhiều doanh nghiệp còn e dè; Tuy nhà nước đã có những chính sách hố trợ nguồn vốn nhưng trên địa bàn tỉnh hiện chưa có rất ít dự án được thụ hưởng các khoản vay ưu đãi này. Các ngân hàng thương mại vẫn còn khá e dè và nhận định, doanh nghiệp, hộ sản xuất chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn để được vay vốn ưu đãi theo quy định. Phần tài sản của doanh nghiệp, hộ sản xuất ứng dụng công nghệ cao chủ yếu là nhà lưới, nhà kính, song những tài sản và chi phí này hiện chưa được tính vào giá trị bảo đảm khoản vay và danh mục thế chấp. Bên cạnh đó, khâu tích tụ ruộng đất trong việc dồn điền đổi thửa để có quỹ đất tập trung quy mô lớn để doanh nghiệp đầu tư sản xuất NNCNC còn gặp bất cập của người dân, hệ thống văn bản đất đai, khiến thủ tục thuê, chuyển nhượng, góp đất sản xuất còn gặp nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp không yên tâm khi đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất; nhân lực phục vụ cho phát triển NNCNC đa phần người dân trong độ tuổi chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật khiến quá trình ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế; Sản phẩm theo mô hình NNCNC tiêu thụ trên thị trường còn bị hạn hẹp, khả năng cạnh tranh kém cả trong nước và nước ngoài, chưa thực sự tương xứng với chi phí đầu tư

Để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất NNCNC, rất cần nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tỉnh trong đó có Thanh Hoá; Tập trung cho công tác đào tào nguồn nhân lực, hỗ trợ vốn, vật tư cho NNCNC phát triển; hỗ trợ các cơ chế kết nối các chuỗi hàng hoá sản phẩm nông nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu bên vững.

Thanh Tâm