Hoạt động nông ngiệp mang lại hiệu quả tại Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Phú, Thọ Xuân

Hợp tác xã  Nông nghiệp (HTX NN) Quảng Phú là một trong những HTX hoạt động tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện Thọ Xuân nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Để có được sự đổi mới và phát triển như hiện nay, HTX đã không ngừng nỗ lực đổi mới, nâng cao mọi mặt, và có những chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngày càng phát triển hơn trước.

HTX Nông nghiệp Quảng Phú được thành lập năm 2003 với 382 thành viên, thời gian đầu sự liên kết của các thành viên còn lỏng lẻo do chưa hiểu được bản chất của HTX, sự phân cấp, trách nhiệm, ý thức của cán bộ và các xã viên trong hoạt động sản xuất còn chưa cao dẫn đến hoạt động quản lý, sản xuất chưa hiệu quả. Từ khi thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012 đến nay HTX đã có nhiều sự thay đổi về nhân sự, hoạt động quản lý, kinh doanh sản xuất. Ban quản trị HTX có 6 thành viên gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là Giám đốc, 3 thành viên Hội đồng quản trị và 2 thành viên Ban kiểm sóat, 9 lao động thường xuyên và 1000 hộ xã viên. Trong HTX đã có sự thống nhất giữa bộ máy quản lý và điều hành (thành lập một bộ máy vừa quản lý vừa điều hành). HĐQT có chức năng, nhiệm vụ như: ban hành quy chế hoạt động, quyết định tổ chức các bộ phận giúp việc, thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên; xem xét, thông qua báo cáo tài chính, trình đại hội thành viên về hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh, phân phối thu nhập của HTX; quản lý, sử sụng quỹ của HTX. Giám đốc tổ chức thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên, HĐQT, ký kết hợp đồng theo ủy quyền của HĐQT, báo cáo tài chính, tuyển dụng lao động,…Về cơ sở vật chất, HTX được chính quyền cấp, giao quyền sử dụng đất xây dựng văn phòng, nhà kho, nhà xưởng, sân phơi với diện tích 5.110m2, đồng thời HTX còn huy động vốn góp các thành viên đầu tư mua sắm máy móc trang thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất như máy gặt, máy cấy, máy gieo hạt, khay nhựa làm mạ,… với giá trị tài sản trên 3 tỷ đồng. Đến nay đã đủ năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các hộ xã viên, gây dựng được uy tín, lòng tin với người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận.

Các lĩnh vực, dịch vụ HTX thực hiện gồm: tưới tiêu cho các loại cây trồng; dịch vụ thu gom rác thải VSMT; dịch vụ xây dựng công trình kênh mương, san lấp, cải tạo đồng ruộng; dịch vụ mạ khay máy cấy; hỗ trợ thành viên làm đất; thủy lợi nội đồng; bảo vệ đồng; thủy nông; dịch vụ bảo vệ thực vật và chuyển giao khoa học kỹ thuật; dịch vụ tưới tiêu thủy lợi. Hàng năm HTX đã cung ứng cho bà con nông dân trên 700 tấn phân bón các loại, sản xuất mạ khay 80 – 100 ha mạ khay/vụ, cày bừa làm đất từ 70- 100 ha/năm, thuốc BVTV từ 200- 250 lít thuốc phòng trừ các bệnh hại trên mía, lúa, cam bưởi,… Trong liên kết sản xuất, HTX đã liên kết sản xuất165 ha mía nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao với Công ty mía đường Lam Sơn, đảm bảo bao tiêu chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển mía hàng năm cho người dân 8.000 – 11.000 tấn mía/năm, liên kết sản xuất bao tiêu 50 ha ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi với công ty Bò sữa Thống Nhất từ 2500- 3000 tấn/năm. Ngoài ra tận dụng lợi thế đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng năng suất và giá trị trên một diện tích. HTX còn liên kết bao tiêu10 ha sắn dây cho các hộ dân, sản lượng sắn dây hàng năm tiêu thụ là khoảng 150 tấn củ tươi. HTX cũng đầu tư dây chuyền máy móc để đưa vào chế biến bột sắn dây với sản lượng 5 tấn tinh bột và sản phẩm Bột sắn dây Quảng Phú đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Sản phẩm được phân phối tiêu thụ tại các địa phương và trong chuỗi cửa hàng bán sản phẩm OCOP, nông sản trong và ngoài tỉnh. Doanh thu bình quân hàng năm của HTX tăng từ 15 – 20%, đạt 13 – 14 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 2 tỷ đồng/năm. Giá trị thu nhập của các hộ thành viên từ đó cũng tăng lên, đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên tăng gấp 1,5 lần so với trước. Tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên và người lao động mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

HTX đã thực hiện tốt các chính sách với người lao động như đảm bảo tiền lương, tiền công, vệ sinh an toàn lao động, đóng bảo hiểm theo quy định đúng đủ thời hạn. Công khai và khai thác đồng vốn hiệu quả, các thành viên đóng góp vốn đều được hưởng lợi nhuận xứng đáng với tiền vốn và công sức bỏ ra. HTX cũng lên các phương án sản xuất, kinh doanh và kế hoạch cụ thể để phát triển trong từng giai đoạn, hướng tới phát triển bền vững khai thác thị trường hiệu quả. Hội đồng quản trị làm việc có trách nhiệm đối với các thành viên và các hộ xã viên, giải quyết dứt điểm những thắc mắc từ các thành viên, chăm lo cho các thành viên phát triển kinh tế, tăng cường nội bộ đoàn kết, tạo ra một tập thể vững mạnh.

(Bột sắn dây Quảng Phú đạt 3 sao OCOP tỉnh Thanh Hóa)

Ông Vũ Văn Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Phú cho biết, để HTX hoạt động và ngày càng phát triển, theo kịp với sự thay đổi của thị trường hàng hóa và là tổ chức đại diện uy tín của các hộ xã viên. HTX tăng cường tuyên truyền Luật HTX, các chính sách Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể trong toàn thể cán bộ, người lao động, nhân dân về vị trí, vai trò HTX trong đời sống kinh tế, xã hội. Nâng cao năng lực hoạt động (năng lực quản lý, kỹ năng kinh doanh,…). Huy động vốn các thành viên, các thành phần kinh tế nâng cao năng lực kinh tế, đầu tư vào các dự án mở rộng phát triển HTX, đầu tư phương tiện tư liệu sản xuất đáp ứng từ 60-80% nhu cầu thiết yếu của bà con như san lấp, cải tạo cày bừa cơ giới hóa đồng bộ, cung cấp mạ khay, máy cấy và bao tiêu sản phẩm. Củng cố, đa dạng hóa các khâu dịch vụ theo hướng kinh doanh tổng hợp phù hợp với cơ chế thị trường đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động. Thường xuyên cử cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong sản xuất, vận động người dân tích tụ ruộng đất hình thành cánh đồng mẫu lớn để áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn người dân thay thế phương thức sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang quy mô theo hướng hàng hóa, nắm bắt kịp thời xu hướng sản xuất, nhu cầu tiêu dùng thị trường. Liên kết sản xuất, phối hợp cùng Công ty hướng dẫn nông dân xây dựng những mô hình thâm canh mía, lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống. Chủ động liên hệ với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tìm dịch vụ đầu vào với giá rẻ nhằm giảm chi phí đầu vào. Tìm kiếm doanh nghiệp hợp tác ký kết bao tiêu sản phẩm của thành viên HTX để các thành viên an tâm sản xuất. Chú trọng xây dựng thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ cho sản phẩm như bột sắn dây.

Hợp tác xã Nông Nghiệp Quảng Phú là HTX hoạt động nông nghiệp tiêu biểu của huyện Thọ Xuân, HTX đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân, tạo điều kiện, động lực thu hút sự tiếp tục đầu tư vào mô hình HTX, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Phương Thúy