Liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông Nghiệp Đông Phú, huyện Đông Sơn

Liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững của nền nông nghiệp Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung để đáp ứng nhu cầu và theo kịp với nền kinh tế thị trường hiện nay. Hiện nay, việc liên kết sản xuất lúa gạo được nhiều HTX trong tỉnh áp dụng và triển khai thực hiện, trong đó có Hợptác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Phú (HTX DVNN), một trong những HTX nông nghiệp tiêu biểu của huyện Đông Sơn đã thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa thương phẩm chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và DN liên kết.

(Cánh đồng liên kết sản xuất tại HTX DVNN Đông Phú)

Trước năm 2018, diện tích sản xuất của HTX DVNN Đông Phú chỉ khoảng 30ha với 800 hộ xã viên, các hộ chủ yếu sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, chưa xây dựng được cánh đồng mẫu lớn với quy mô hàng hóa để liên kết sản xuất với các DN, vì vậy giá trị thu nhập thấp, sản phẩm bán thị trường tự do. Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo Nghị quyết số 13-NQ/TU của tỉnh Thanh Hóa “Về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến 2030”. HTX DVNN Đông Phú đã có định hướng cho người dân tích tụ đất đai quy hoạch cánh đồng mẫu lớn hình thành vùng sản xuất lúa tập trung theo hướng hàng hóa. Hiện nay, toàn xã Đông Phú có hơn 150ha diện tích canh tác tập trung tại các thôn Chiếu Thượng, Đồng Văn, Hoằng Thịnh với hơn 1300 hộ tham gia liên kết sản xuất các giống lúa chất lượng cao như Bắc Thơm, Thiên Ưu 8, TBR225, Nếp Hương…., năng suất bình quân đạt 62 – 64 tạ/ha. Sau thu hoạch, toàn bộ sản lượng lúa được các Công ty CP thương mại Sao Khuê, Công ty TNHH Lương thực và Thực Phẩm Khang Long (Thái Bình), Công ty TNHH Vật tư Nông Nghiệp Hồng Quang (Ninh Bình) và thương lái thu mua, đưa vào chế biến và tiêu thụ. Toàn bộ quy trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn Vietgap, chất lượng gạo thơm ngon vì vậy sản phẩm lúa gạo của HTX được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Thực hiện liên kết sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, các hộ dân được tập huấn, phổ biến áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới trong sản xuất thâm canh, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ chủ động trong sản xuất, canh tác theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường sinh thái, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và lạm dụng thuốc trừ sâu độc hại. Giúp tiết kiệm lượng giống sử dụng, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất so với truyền thống từ 20 – 30%, năng suất, chất lượng đồng đều, sản phẩm sau thu hoạch được thu mua ngay tại ruộng vận chuyển về công ty để phơi sấy, xay xát và bảo quản nhằm giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo được chất lượng, sản lượng. Sản phẩm được Công ty thu mua 100% với mức giá từ 8 – 9.000 đồng/kg, giúp người dân giảm tối đa các rủi ro trong khâu tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người dân. Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp đã giúp năng suất tăng từ 10 – 15%, doanh thu trung bình đạt từ 42- 44 triệu đồng/ha/vụ tăng hơn 6 – 7 triệu đồng/ha/vụ.

(Sản phẩm gạo của HTX DVNN Đông Phú)

Trong quá trình sản xuất, HTX DVNN Đông Phú là đầu mối trung gian trong việc liên kết giữa các hộ dân sản xuất và DN bao tiêu. Để hình thành cánh đồng mẫu lớn đáp ứng quy mô hàng hóa và nhu cầu thu mua số lượng lớn của DN, HTX vận động, kêu gọi các hộ dân dồn điền đổi thửa tích tụ ruộng đất. Bảo đảm các điều kiện sản xuất như tưới, tiêu nước, công tác mạ khay, máy cấy, máy gặt, máy cày bừa,… tổ chức sản xuất hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, sử dụng các loại phân bón hữu cơ đảm bảo chất lượng mà Công ty cung cấp hoặc khuyến cáo, phổ biến cho người dân các loại phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học trong danh mục cho phép của ngành nông nghiệp. Các chuỗi liên kết đều được đảm bảo thông qua các hợp đồng, biên bản được ký kết giữa ba bên gồm đại diện HTX, UBND xã Đông Phú và đại diện phía DN nhằm đảm bảo sự ràng buộc, tính pháp lý thông qua các điều khoản được thể hiện rõ trong hợp đồng. Hợp đồng được ký kết theo từng vụ trong năm theo kế hoạch sản xuất của Công ty và nhu cầu thị trường về loại giống canh tác, diện tích sản xuất. Công ty hỗ trợ 30% chi phí ban đầu lúa giống, phân bón (nếu cần) và đầu tư theo hình thức trả chậm, phần còn lại khấu trừ vào sản phẩm khi thu hoạch. Cam kết thu mua sản phẩm sau thu hoạch theo hợp đồng ký kết và có thể thay đổi theo tình hình thu hoạch thực tế và nhu cầu của Công ty, thanh toán đầy đủ và đúng hạn trong vòng 7 – 10 ngày kể từ khi thu mua sau khi trừ đi các khoản nợ người dân ứng trước. Đảm bảo thời gian và địa điểm, phương tiện vận chuyển thu mua cho người dân. Người dân cam kết tuân thủ quy trình sản xuất theo hưỡng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty và hướng dẫn của HTX; giao đủ số lượng và chất lượng hàng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm lúa tươi theo hợp đồng ký kết. Mô hình liên kết theo chuỗi đã từng bước hình thành quan hệ hợp tác sản xuất, mua bán theo đơn đặt hàng của Công ty, với giá mua – bán cam kết rõ ràng ngay từ đầu. Nông dân thực hiện mua chung – bán chung, được mua vật tư nông nghiệp với giá cả hợp lý, được nợ cuối vụ, chất lượng vật tư được bảo đảm, sản phẩm được hỗ trợ bao tiêu. Vì vậy, HTX cũng như người dân luôn yên tâm về đầu ra, chỉ cần tập trung trong sản xuất nâng cao kiến thức, trình độ canh tác, sử dụng các loại giống chất lượng cao về năng suất, chất lượng.Trong việc gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua HTX đã phát huy vai trò và mối liên kết sản xuất giữa các bên. Từ đó nhận thức, tư duy, trình độ của bộ máy quản lý, điều hành của HTX ngày càng được cải thiện, nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, cải thiện trình độ canh tác của người dân, hướng tới nền nông nghiệp quy mô hàng hóa, bền vững, an toàn với con người, thân thiện với môi trường. Thúc đẩy các HTX khác chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp tập trung, đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị liên kết với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Việc liên kết này mở ra một hướng sản xuất chặt chẽ hơn trong sản xuất nông nghiệp, gắn quyền lợi nhà nông và doanh nghiệp một cách hài hòa, bền vững. Hình thành các chuỗi liên kết giá trị lúa gạo chất lượng cao, nâng tầm giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu gạo xứ Thanh.

Phương Thúy