Huyện Hoằng Hoá đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn

Huyện Hoằng Hoá đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn

 

Hoằng Hoá là huyện đồng bằng ven biển với dân số đa phần là làm nông nghiệp. Những năm gần đây, Hoằng Hoá được biết đến như là một điểm sáng của tỉnh trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều doanh nghiệp, HTX Nông nghiệp và các hộ dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đứng ra thuê lại đất bỏ hoang để sản xuất theo hình thức tập trung, quy mô lớn và có thể áp dụng được khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất. Nhìn lại nhiều năm trước đây, trên địa bàn huyện khi chưa được tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn áp dụng công nghệ cao, năng suất chất lượng của sản phẩm tương đối thấp, sản phẩm làm ra không đạt chất lượng như yêu cầu của thị trường, khiến sản phẩm khó cạnh tranh được trên thị trường dẫn đến thu nhập của người nông dân còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, chính quyền và người dân nơi đây đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và đến hiện tại bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từ đó tạo niềm tin để nhân rộng và phát triển các mô hình phát triên nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn.

Điển hình trong việc sản xuất tập trung quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao có thể kể đến HTX Sản xuất thương mại – Nông nghiệp sạch Hoằng Đạo. Năm 2019, chị Quyên (giám đốc HTX) đã mạnh dạn bỏ tiền thuê lại 2 ha đất bỏ hoang của xã Hoằng Đạo để đầu tư sản xuất theo công nghệ cao, quy mô lớn. Trên 2 ha diện tích đất được thuê, chị đã đầu tư xây dựng nhà lưới quy mô lớn lên đến gần 1 ha, đi cùng với đó là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, hệ thống châm phân bón tự động….đều được chị mạnh dạn đầu tư và đưa vào sản xuất. Sản phẩm được chị lựa chọn là dưa vàng Kim Hoàng Hậu, sản phẩm của chị Quyên được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ký kết bao tiêu toàn bộ. Trong năm 2022, với sản phẩm dưa vàng Kim Hoàng Hậu được trồng trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao đã giúp HTX của chị đạt lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm. Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đã tiết giảm tối đa được chi phí đầu vào như: phân bón, điện nước, nhân công….Với mỗi lần tưới bón cho cây, khi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ giúp người nông dân tính toán được chính xác lượng nước, phân bón cần thiết cho cây qua đó tiết kiệm được tối đa chi phí đầu vào cho sản xuất mà chất lượng sản phẩm lại rất đồng đều, mẫu mã đẹp rất được thị trường đón nhận.

Một mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn thành công ở huyện Hoằng Hoá đó là mô hình liên kết sản xuất tập trung khoai tây áp dụng công nghệ cao. Công ty TNHH đầu tư và xây lắp Xuân Minh đã đứng ra thuê lại hơn 25 ha đất bỏ hoang của người dân và đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động để chủ động được trong việc sản xuất, tiết kiệm chi phí. Ngoài ra công ty còn chủ động liên kết sản xuất – tiêu thụ với hơn 16 ha khoai tây của các hộ dân trên địa bàn xã, với cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá sàn 11.500 đồng/Kg, sau khi trừ chi phí ước tính mỗi hộ đạt lợi nhuận từ 5 đến 8 triệu đồng/sào. Không chỉ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản cũng là lĩnh vực lợi thế của huyện ven biển Hoằng Hóa khi cả huyện có đến hơn 2.800 ha nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) ở 17 xã với gần 900 cơ sở NTTS. Điểm nổi bật trong NTTS của huyện so với các huyện ven biển khác của tỉnh trong những năm gần đây đó là việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào NTTS, tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm cao và trở thành kim chỉ nam trong NTTS của ngành nông nghiệp huyện. Đặc biệt nhất phải kể đến diện tích nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao đã đạt 303,6 ha (gấp ba so với năm 2015), trong đó diện tích nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã đạt 19 ha tại các xã như: Hoằng Yến, Hoằng Hà, Hoằng Châu, Hoằng Lưu, Hoằng Phụ. Tuy nhiên, hình thức nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn và kiến thức khoa học – kỹ thuật chuyên sâu.

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ cao đã và đang tạo ra những đột phá cho sản xuất nông nghiệp của huyện. Vì vậy, huyện Hoằng Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có hơn 880 ha diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, khoảng 200 ha diện tích sản xuất được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap hoặc tiêu chuẩn hữu cơ. Trước thực tế đó, năm 2020, khi ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, giai đoạn 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đã xác định mục tiêu: Xây dựng nền sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng CNC và nông nghiệp sạch theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới… Việc ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn trong sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo ra những đột phá lớn cho nghành nông nghiệp của huyện. Chính vì thế, huyện Hoằng Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có hơn 900 ha diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, khoảng hơn 200 ha diện tích sản xuất được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap hoặc tiêu chuẩn hữu cơ.

Để có được một nền nông nghiệp bền vững tạo giá trị cho tương lai lâu dài rất cần những doanh nghiệp, cá nhân có tâm có tầm với nông nghiệp để đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất tập trung, quy mô lớn tạo nên thương hiệu riêng cho nông nghiệp của huyện Hoằng Hoá nói riêng và tỉnh Thanh Hoá nói chung. Song song với đó, các cấp chính quyền địa phương cũng cần tạo điều kiện về hành lang pháp lý về tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn áp dụng KHKT cho các doanh nghiệp, cá nhân. Chỉ khi mà tất cả các bên cùng vào cuộc và quyết tâm thì khi đó nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn mới thực sự phát triển bền vững.

Mạnh Tùng