Liên kết sản xuất khoai tây tại xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa

Liên kết sản xuất khoai tây tại xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa

          Những năm gần đây, tại Hoằng Hóa, cây khoai tây là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định. Các mô hình sản xuất khoai tây theo hình thức liên kết trong đó nổi bật là mô hình liên kết sản xuất tại xã Hoằng Tiến giúp khai thác lợi thế đất đai tự nhiên, nâng cao giá trị trên đơn vị canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân.

(Người dân xã Hoằng Tiến đang thu hoạch khoai tây tại ruộng)

          Hiện nay, Xã Hoằng Tiến có 26 ha diện tích liên kết sản xuất cây khoai tây với Công ty cổ phẩn Quốc Tế An Việt. Công ty đã phối hợp với UBND xã Hoằng Tiến, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Tiến tổ chức ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm. So với các giống cây trồng khác, khoai tây cho thấy khả năng thích nghi tốt với điều kiện đất lúa màu tại địa phương, tốn ít công chăm sóc và chi phí đầu tư cũng ít hơn. Giống khoai tây được đưa vào trồng là các giống Marabel, Julinka là giống được chọn lọc theo phương pháp nội nhập từ Đức, thời gian sinh trưởng khỏang 85-90 ngày, khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh tốt. Năng suất cao, chất lượng khoai tốt, củ to đẹp, ruột màu vàng, vị đậm nên được người dân rất ưa chuộng. Để nâng cao năng suất, HTX DVNN Hoằng Tiến phối hợp chặt chẽ với Công ty CP quốc tế An Việt trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, cung cấp giống, hỗ trợ phân bón, chế phẩm sinh học để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Theo dõi hướng dẫn người dân thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Vietgap, áp dụng máy móc cơ giới hóa đồng bộ trong các công đoạn lên luống, làm đất, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái,… Góp phần giảm thiểu chi phí, bảo vệ môi trường, tránh độc hại cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe từ phía đơn vị liên kết, thị trường tiêu thụ. Nhờ trồng đúng quy trình kỹ thuật năng suất vụ mỗi khoai tây đạt trung bình 26 – 30 tấn/ha. Với giá thu mua của công ty là 7.000 – 8.000 đồng/kg, mỗi ha khoai tây thu về 180 – 200triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 90 – 100 triệu đồng/ha, mang lại mức thu nhập bình quân 6,5 – 7,5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động.

Ông Đinh Công Lai – Giám đốc HTX cho biết: Mô hình liên kết này rất có lợi cho các bên tham gia, HTX đứng ra làm đơn vị trung gian, phối hợp với công ty, đầu tư và cho ứng trước toàn bộ đầu vào như giống, phân ngoại nhập, các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh. Nông dân chỉ việc tuân thủ đúng quy trình, bỏ công chăm sóc cho tốt. Sau thu hoạch, Công ty và HTX cam kết thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, người dân được trả chậm sau khi thu hoạch. Thanh toán cho nhân dân đầy đủ 100% sau khi thu hoạch 7 – 15 ngày nên người dân rất yên tâm tham gia sản xuất. Ngoài ra trong quá trình sản xuất nếu gặp rủi ro, sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân đó là: nếu thiệt hại 50% diện tích hoặc sản lượng do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh không thuận lợi thì sẽ được Công ty hỗ trợ 50% tiền giống, còn nếu thiệt hại trên 70% diện tích hoặc sản lượng thì sẽ được Công ty hỗ trợ 100% tiền giống. Ngược lại, người dân cũng phải cam kết đồng hành với HTX và Công ty tránh tình trạng thị trường được giá bán ra ngoài gây thiệt hại. Nhờ sự đồng thuận từ phía chính quyền xã, HTX, Công ty và người dân nên mọi người rất hào hứng và tin tưởng đây sẽ là cây trồng chủ lực giúp nông dân của xã làm giàu.

Để khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân sau vụ đông xuân trồng khoai tây người dân trong xã sẽ tiếp tục liên kết sản xuất cây đậu tương rau vụ xuân hè với diện tích 20 ha khoảng 70 ngày, tiếp đến là trồng lúa vụ hè thu khoảng 90 – 100 ngày, cuối cùng là liên kết sản xuất rau cải chân vịt vụ thu đông diện tích 20 ha khoảng 60 – 70 ngày, rồi quay lại trồng cây khoai tây vụ đông xuân. Cả hai loại cây đậu tương rau và rau cải chân vịt đều được Công ty xuất nhập khẩu Đồng Giao ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Không chỉ riêng tại Hoằng Tiến mà một số xã như Hoằng Lưu, Hoằng Đức, Hoằng Đông,… có nhiều mô hình liên kết sản xuất khoai tây cho thấy giá trị hiệu quả kinh tế của chuỗi liên kết này, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực, giá trị cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở ra hướng phát triển cây hàng hóa mới có hiệu quả kinh tế cao. Hoằng Tiến cũng như một số xã trong huyện đã và đang có định hướng vận động người dân tích tụ ruộng đất, mở rộng vùng sản xuất, hướng tới xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại thuận tiện, chủ động kịp thời xử lý các vấn đề trong sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào, liên kết sản xuất thông qua các hợp tác xã; đặc biệt xây dựng các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, thực sự vững mạnh

Thực tế cho thấy, liên kết sản xuất khoai tây không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả ổn định, sản xuất theo chuỗi giá trị.

Lê Thúy