Khôi phục và phát triển các loại gia cầm đặc sản của Thanh Hóa theo hướng hữu cơ

Anh Trương Tiến Hải, sinh năm 1976 ở phố Thành Bắc, phường Quảng Thành – TP Thanh Hóa là một người “dám nghĩ dám làm”. Xuất phát điểm là một giảng viên của trường Đại học Hồng Đức nhưng vì đam mê với nghề chăn nuôi anh đã từ bỏ công việc giảng viên để về nhà mở trang trại tự nghiên cứu, lai tạo các giống con nuôi đặc sản. Một trong những con nuôi mà anh dày công nghiên cứu khôi phục đó là giống vịt Cổ Lũng huyện Bá Thước, giống gà quý Kha Thầy, gà Tè ở huyện Ngọc Lặc đang dần bị mai một và dần đưa những giống gà, vịt quý hiểm chăn nuôi theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trang trại chăn nuôi gia cầm của anh Trương Thế Hải, nằm ngay gần QL 47 hướng đi Sầm Sơn tại phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa). Đây là một trong những trang trại tiên phong trong xu hướng sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh. Trên diện tích 1,2 ha, anh xây dựng trang trại nuôi gà và vịt với số lượng đàn khoảng hơn 3.000 con. Hiện tại anh đã mở rộng sản xuất trồng thêm chuối và kết hợp đào ao nuôi cá, ốc để tận dụng được những thửa ruộng bỏ hoang không canh tác của các hộ (anh tự bỏ tiền thuê đất bỏ hoang của các hộ). Để sản phẩm bảo đảm các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, anh chú trọng từng bước từ chăn nuôi đến giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ. Chuồng trại được đầu tư xây dựng khép kín, máng ăn, nước uống tự động, sử dụng đệm lót sinh học phủ men Balasa để phân hủy chất thải, tránh ô nhiễm môi trường.Theo ông Hải, gà, vịt ở trang trại của anh nuôi bằng thức ăn tự phối trộn, nguồn gốc hữu cơ. Sau khi gà nuôi được khoảng 1-2 tháng, ông di chuyển đàn gà về vườn rừng tại các huyện Thạch Thành, Triệu Sơn, Hoằng Hóa… Các vườn rừng này được chia thành các ô khoảnh riêng biệt. Gà được nuôi khoảng 4-5 tháng nữa mới xuất bán. Ngoài thức ăn tự phối trộn gà sẽ tự tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên, vận động nhiều nên thịt săn chắc, chất lượng thơm ngon. Phòng bệnh cho gia cầm cũng rất được anh chú trọng theo hướng hữu cơ bằng các thảo dược như tỏi, bồ kết… Sản phẩm trước khi tiêu thụ được đóng gói, hút chân không và bảo quản đông lạnh để bảo đảm độ tươi ngon. Tất cả các sản phẩm làm ra anh đều được chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm vì vậy sản phẩm của anh rất được tin tưởng và là đầu mối cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch và các nhà hàng, khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh. Vì là con nuôi đặc sản vùng nên sản phẩm của anh gần như là độc quyền trên thị trường nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn hẳn so với các loại con nuôi phổ biến khác. Theo dự tính của anh Hải, mỗi năm trang trại của anh xuất bán ra thị trường khoảng hơn 3.000 con vịt thương phẩm có giá bán 100.000 đồng/Kg và 7.000 vịt giống con với giá bán bình quân từ 12.000-13.000 đồng/con, lúc cao điểm lên đến 18.000 đồng/con, trừ chi phí anh thu lãi 500-700 triệu đồng/năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 80% các hộ chăn nuôi ở các huyện, như: Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Yên Định, Quảng Xương,… đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm thả vườn… theo hướng hữu cơ. Đây được coi là biện pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, tiến tới xóa bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng an toàn sinh học để quản lý tốt hơn về chất lượng sản phẩm và kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; nhất là kiểm soát và hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích, chất cấm trong chăn nuôi.

Mạnh Tùng