Liên kết sản xuất đậu tương rau xuất khẩu sang Nhật Bản

Đậu tương rau (tên khoa học là Glycine max (L.) Merrill) là loại đậu tương được chọn theo mục đích ăn tươi và rau đông lạnh, hương vị dịu và dễ đun nấu hơn so với đậu tương thường. Đậu tương rau có nguồn gốc tại Nhật Bản được ưa chuộng và phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc do hương vị đặc trưng, khá ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, được thu hái khi quả còn xanh và luộc ăn như một món rau, đang được trồng tại các tỉnh như: Bắc Giang, Thái Bình, Hải Phòng ,Nghệ An,…

Hiện nay, thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là rau quả ngày càng mở rộng, đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là những loại cây phục vụ chế biến, xuất khẩu làm lợi cho nông dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Một số huyện như Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa, Nga Sơn… là những địa phương đã mạnh dạn đi đầu trong ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu rau quả xuất khẩu tập trung với nhiều doanh nghiệp. Để sản xuất rau quả phục vụ chế biến, xuất khẩu đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều địa phương đã linh hoạt xây dựng các cơ chế khuyến khích nhân rộng mô hình liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các HTX xây dựng mối quan hệ giữa người sản xuất và các nhà xuất khẩu. Các địa phương khuyến khích nông dân áp dụng giống mới, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và chế biến rau quả, đầu tư xây dựng mô hình trồng rau quả chất lượng cao…

Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu rau quả. Bên cạnh vùng nguyên liệu tại tỉnh Ninh Bình, hàng năm công ty đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với 13 tỉnh, thành phố trong cả nước với diện tích gần 15.000 ha vùng nguyên liệu. Đại diện công ty cho biết: Tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương có diện tích sản xuất rau quả xuất khẩu lớn với 3.000 ha mỗi năm (ngô ngọt 1.500 ha, đậu tương rau 900 ha, rau chân vịt 300 ha, 300 ha các cây trồng khác như chanh leo, chuối tiêu hồng…). Theo tính toán, những vùng sản xuất rau quả phục vụ chế biến, xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế tương đối ổn định. Rau chân vịt cho doanh thu 300 triệu đồng/6 tháng mùa đông và xuân; cây đậu tương rau doanh thu 250 triệu đồng/năm; cây ngô ngọt 180 triệu đồng/năm… Đại diện công ty này cũng cho biết thêm, tỉnh Thanh Hóa có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp với các loại cây trồng xuất khẩu này. Nếu được tạo điều kiện thuận lợi trong tích tụ ruộng đất, sẽ phát triển được nhiều vùng sản xuất rau quả xuất khẩu quy mô lớn, mang lại nguồn nguyên liệu ổn định cho công ty và lợi nhuận cao hơn cho nông dân.

Để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích cũng như thu nhập và đời sống của người dân, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã liên kết với Công ty để sản xuất và bao tiêu sản phẩm đậu tương rau xuất khẩu sang Nhật Bản với diện tích 50 ha tập trung ở 4 xã: Thiệu Thành (12 ha), Thiệu Vũ (11 ha), Thiệu Tiến (13 ha) và Minh Tâm (14 ha). Để khuyến khích bà con yên tâm sản xuất, trước khi trồng Công ty đã trực tiếp theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cũng như hướng dẫn cho bà con các kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, giúp cây phát triển tốt nhất. Khi đậu tương rau vào độ chín Công ty sẽ thu tại ruộng, mua cả quả, không phải phơi, đập và không phụ thuộc vào thời tiết như những giống đậu tương khác, cho nên hạn chế được nhiều rủi ro cho người nông dân.

Ngoài việc bao tiêu sản phẩm, trong quá trình trồng, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo quy trình sạch, hỗ trợ 50% giống, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt, khi thu hoạch, sẽ kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

 

Đậu tương rau là cây ngắn ngày, cách chăm sóc đơn giản, ít sâu bệnh

Là xã có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì vậy anh Lê Văn Nhuận, giám đốc HTXDVNN xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa là người tiên phong đưa mô hình trồng đậu tương rau trên đất 2 lúa. Anh cho biết, bén duyên với đậu tương rau trong vụ Đông – Xuân 2016 – 2017, trên diện tích 12 ha tại 3 thôn Thành Tiến, Thành Đức, Thành Giang. Qua thời gian trồng cho thấy, đậu tương rau thích nghi tốt với đồng đất, sinh trưởng mạnh hơn (thời gian trồng ngắn từ 65 – 70 ngày) so với những giống đậu tương khác, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thân cao, phân cành tốt, sai quả, bình quân từ 30 – 50 quả/cây, mỗi năm trồng được 3 vụ, đạt từ 4 – 5 tạ/sào; năng suất trung bình 10 tấn/ha với giá 8.000 đồng/kg. Trừ tất cả chi phí, nông dân còn lãi 45 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế gấp 4- 5 lần so với lúa, ngô,…Tuy nhiên trồng đậu tương rau, nhất là trong mùa mưa cũng đòi hỏi điều kiện thủy lợi phải tốt, hệ thống tưới tiêu phải đảm bảo thông thoáng thì việc đưa đậu tương rau xuống ruộng mới đạt hiệu quả cao./.

Cùng với xã Thiệu Thành, đậu tương rau đã được đưa vào trồng tại Minh Tâm với diện tích 14 ha, là cây thâm canh 4 vụ gồm trên 1 thửa đất (vụ mùa trồng lúa, vụ đông trồng ngô ngọt, vụ đông xuân trồng khoai tây, vụ xuân hè trồng đậu tương rau).

Như vậy, phát triển rộng được mô hình này sẽ góp phần giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thuốc bảo vệ thực vật độc hại sẽ không còn phun xịt bừa bãi trên đồng ruộng. Ngoài ra, cây này còn được biết đến là cây cải tạo đất hiệu quả nhất, mang lại hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác.

                                                                                        Văn Lộc