Triển vọng liên kết sản xuất dược liệu hữu cơ ở Thanh Hóa

Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; 92,7% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. Như vậy, nhu cầu sử dụng dược liệu rất lớn (khoảng 10%/năm); trong đó, khối bệnh viện y học cổ truyền công lập sử dụng khoảng 300 loại dược liệu khác nhau ở mức khoảng 3.000 tấn mỗi năm.

Thanh Hóa với các đặc điểm về địa hình, khí hậu, đặc biệt vùng núi  là một trong những nơi lưu giữ nhiều loài dược liệu quý hiếm có hơn 20 loài dược liệu khác nhau như: Astiso, Ích mẫu, Quế, Hy thiêm, Nghệ vàng, Giảo cổ lam, Tam thất, Ba kích, Châu thụ, Ngân đằng, Củ mài, Hoa hòe, Sâm báo, Đinh lăng,…Trước đây, diện tích phân bố chủ yếu ở miền núi cao như: Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh,…Gần đây đang có xu hướng mở rộng ở các huyện Trung du và đồng bằng có đất bãi, đất đồi núi thấp như: Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Đông Sơn, …Hiện nay tỉnh có 5.000 ha cây dược liệu, vùng 94.550 ha dược liệu dưới tán rừng tự nhiên được khai thác bền vững, vùng quế 700 ha (huyện Thường Xuân), vùng Son – Bá – Mười, xã Lũng Cao (Bá Thước), có 20 ha, gồm: Atiso, Ba kích, Giảo cổ lam,… Xã Thạch Quảng (Thạch Thành) phát triển được vùng nghệ dược liệu, với diện tích gần 50 ha; Thái Hòa, Triệu Sơn, với diện tích 40 ha, gồm: Nghệ dược liệu, Hy thiêm, Cà gai leo, Sachi,…

Liên kết sản xuất dược liệu hữu cơ đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người nông dân, nhờ áp dụng tổng thể các biện pháp kỹ thuật về giống thuần chủng, kỹ thuật thâm canh hữu cơ, cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến, hiện nay đã có một số nguyên liệu được chế biến thành sản phẩm hàng hóa, như: Trà rau má được sản xuất tại xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc); tinh dầu quế của Hiệp Hội quế Thường Xuân; tinh bột nghệ của Công ty CP Nghệ Việt, xã Thạch Quảng (Thạch Thành); thuốc nam Bà Giằng của cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Gằng (TP Thanh Hóa). Số còn lại đều được xuất bán ở dạng nguyên liệu thô, với sản lượng xuất bán mỗi năm đạt khoảng 15.000 tấn/năm. Mỗi năm giá trị sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.120 lao động, thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Điển hình như mô hình liên kết sản xuất Cà gai leo, Nghệ dược liệu… của Công ty TNHH Thương mại dược liệu Út Phương tại xã Thái Hòa (Triệu Sơn) doanh thu đạt 150-180 triệu đồng/ha/năm, mô hình trồng cây Nghệ vàng dưới tán cây cao su của Nông Trường Thạch Quảng (Thạch Thành) liên kết với Công ty CP Nghệ Việt, doanh thu đạt 120-150 triệu đồng/ha; mô hình trồng Đinh lăng, Nghệ gừng,… quy mô 11.000 m2 tại xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa), cây Cà gai leo 1,5 ha xã Đông Hoàng (Đông Sơn)… Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty CP Dược – Vật tư y tế Thanh Hóa, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng… hiện đang tiến hành liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây Húng quế, Ích mẫu, Hy thiêm, Cà gai leo,… tại nhiều địa phương trong tỉnh. Công ty CP Dược Triệu Sơn đã phối hợp với địa phương nghiên cứu thổ nhưỡng, thực hiện tích tụ hơn 3 ha đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) để phát triển cây Sâm Báo.

Việc nhân rộng mô hình liên kết là biện pháp thiết thực để gìn giữ, bảo tồn nguồn gen của những loài dược liệu quý, hình thành tư duy khai thác gắn với phát triển, hướng tới sản xuất dược liệu quy mô lớn, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến dược phẩm trong nước và xuất khẩu. Song nhu cầu thị trường về cây được liệu hữu cơ hiện nay rất lớn, là cơ hội cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, diện tích trồng cây dược liệu hữu cơ vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng phục vụ trong vùng sản xuất chuyên canh còn nhiều khó khăn, nhân giống, gieo trồng, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế (chủ yếu là thủ công, bán sản phẩm thô), diện tích được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp còn hạn chế.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, Ngày 22-10-2018,Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 4125/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2019; trong đó, phê duyệt Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cây Sâm Báo theo GACP-WHO gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc,…cũng như tỉnh có kế hoạch đến năm 2025 phát triển 100.000 ha cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, với sản lượng khai thác ổn định 1.000 tấn/năm. Riêng cây quế, mục tiêu đến năm 2025, phát triển 20.000 ha, sản lượng khai thác đạt 100.000 tấn/năm.

Vì vậy, để phát triển hiệu quả, bền vững cây dược liệu hữu cơ, các địa phương cần đẩy mạnh việc thu hút Doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; tích tụ đất đai để xây dựng vùng trồng cây dược liệu hữu cơ tập trung, quy mô lớn, cùng với việc quy hoạch vùng, cần có những chính sách đặc thù về giống, vốn, công nghệ sơ chế, khai thác bảo quản. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng những mô hình sản xuất phù hợp với vùng sinh thái của địa phương và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

                                                                                             Văn Lộc