Liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo thương phẩm chất lượng cao tại HTX Nông nghiệp sạch Hoằng Đạo

 

Liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững của nền nông nghiệp Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung để đáp ứng nhu cầu và theo kịp với nền kinh tế thị trường. Hiện nay, việc liên kết sản xuất lúa gạo được nhiều Hợp tác xã (HTX) trong tỉnh áp dụng và triển khai thực hiện, trong đó có Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hoằng Đạo, một trong những HTX nông nghiệp tiêu biểu của huyện Hoằng Hóa đã thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa thương phẩm chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và HTX.

(Mô hình liên kết sản xuất lúa giữa HTX Nông nghiệp sạch Hoằng Đạo với HTX Nông nghiệp Thiệu Duy tại xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa)

HTX Nông nghiệp sạch Hoằng Đạo là một trong những HTX chuyên sản xuất các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, phân vi  sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài ra HTX còn sản xuất và liên kết sản xuất rau quả sạch công nghệ cao, lúa thương phẩm chất lượng cao với các đơn vị cung ứng. Hiện tại HTX đang thực hiện liên kết sản xuất 3.000ha diện tích lúa thương phẩm chất lượng caotrong và ngoài tỉnh như tại các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc (Thanh Hóa) và huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu (Nghệ An) với hơn 500 hộ tham gia sản xuất các giống lúa Thái xuyên 111, Bắc Thịnh, J02, ST25 năng suất bình quân đạt 7- 7,5 tấn/ha, sản lượng thu mua đạt trên 1000 tấn. Sản phẩm lúa chất lượng cao của HTX được đánh giá cao về sản lượng và chất lượng bởi quy trình canh tác đảm bảo theo hướng canh tác hữu cơ an toàn, thân thiện với môi trường.

(Sản phẩm gạo Ngọc Thực – gạo sạch hữu cơ có mặt tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh)

Các chuỗi liên kết đều được đảm bảo thông qua các hợp đồng, biên bản được ký kết giữa hai bên gồm đại diện các HTX tham gia và đại diện phía HTX NN sạch Hoằng Đạo nhằm đảm bảo sự ràng buộc, tính pháp lý thông qua các điều khoản được thể hiện rõ trong hợp đồng. Hợp đồng được ký kết theo từng vụ trong năm theo kế hoạch sản xuất của HTX Hoằng Đạo và nhu cầu thị trường về loại giống lúa canh tác, diện tích sản xuất, năng suất dự kiến. Công ty hỗ trợ 50 – 70% chi phí ban đầu lúa giống, phân bón và đầu tư theo hình thức đối trừ vào sản phẩm sau thu hoạch. Cam kết thu mua sản phẩm sau thu hoạch theo hợp đồng và có thể thay đổi theo tình hình thu hoạch thực tế và nhu cầu của bên mua, thanh toán đầy đủ và đúng hạn trong vòng 7 – 10 ngày kể từ khi thu mua sau khi trừ đi các khoản nợ người dân ứng trước. Đảm bảo thời gian và địa điểm, phương tiện vận chuyển thu mua ngay đầu bờ cho người dân. Về phía người dân cam kết tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng dẫn của HTX, sử dụng đúng loại phân của HTX cung cấp; giao đủ số lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm lúa tươi về độ chín, hạt lúa đều đẹp, không sâu bệnh, không còn dư lượng thuốc BVTV, phân bón, kim loại nặng vượt quá ngưỡng cho phép về an toàn thực phẩm. Đôi bên cùng cam kết thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng, không tự ý đơn phương đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ hợp đồng, chủ động thông báo tiến độ thực hiện hợp đồng cho nhau để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Mô hình liên kết theo chuỗi đã từng bước hình thành quan hệ hợp tác sản xuất, mua bán theo đơn đặt hàng, với giá mua – bán cam kết rõ ràng ngay từ đầu. Nông dân thực hiện mua chung – bán chung, được mua vật tư nông nghiệp với giá cả hợp lý, được nợ cuối vụ, chất lượng vật tư bảo đảm, sản phẩm được hỗ trợ bao tiêu. Vì vậy, người dân luôn yên tâm về đầu ra, chỉ cần tập trung nâng cao kiến thức, trình độ canh tác nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong việc gắn kết đơn vị bao tiêu và người sản xuất, HTX đã phát huy vai trò là đơn vị trung gian liên kết giữa các bên. Từ đó nhận thức, tư duy, trình độ của bộ máy quản lý, điều hành của HTX ngày càng được cải thiện, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, hướng tới nền nông nghiệp quy mô hàng hóa, bền vững, an toàn với con người, thân thiện với môi trường. Thúc đẩy các HTX khác chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp tập trung, đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị liên kết với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Nguyễn Thị Quyên – Giám đốc HTX cho biết: “Do ký kết hợp đồng thu mua lúa tươi theo giá cố định ngay từ đầu vụ sản xuất, cho nên HTX có thể hạch toán được đầu vào, đầu ra, từ đó, tạo sự yên tâm cho các thành viên”. Nhờ việc liên kết chặt chẽ, uy tín, luôn xem trọng lợi ích người dân đi đôi với lợi ích DN nên qua hơn 3 năm triển khai, các mô hình liên kết này đã mang lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với sản xuất manh mún nhỏ lẻ trước kia. Trong quá trình thực hiện liên kết, các hộ dân được tập huấn, phổ biến áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới trong sản xuất thâm canh, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ chủ động trong sản xuất, canh tác theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường sinh thái, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học Tre Xanh Hoằng Đạo do HTX sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, loại bỏ hoàn toàn phân bón và thuốc BVTV hóa học, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất so với truyền thống từ 20 – 30%, năng suất, chất lượng đồng đều. Sản phẩm được thu mua 100% với mức giá từ 10 – 13.000 đồng/kg, giảm tối đa các rủi ro trong khâu tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người dân. Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp đã giúp năng suất tăng từ 10 – 15%, doanh thu trung bình các hộ sản xuất đạt từ 45- 50 triệu đồng/ha/vụ tăng hơn 6 – 7 triệu đồng/ha/vụ. Đối với đơn vị thu mua, sản phẩm ngay khi thu hoạch sẽ được vận chuyển về nhà máy phơi sấy, xay xát chế biến, đóng gói đạt tiêu chuẩn và bảo quản nhằm giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo được chất lượng, sản lượng.Hiện tại sản phẩm gạo mang thương hiệu Ngọc Thực của HTX đang được bán trên thị trường với giá 18 – 30.000đ/kg và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích tin tưởng, đánh giá cao sản phẩm. Với những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, những năm qua doanh thu của HTX ngày càng tăng, tổng doanh thu hàng năm đạt trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân từ 1 – 1,5 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 15 – 20 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập đạt 6 – 8 triệu đồng /người/tháng.         Định hướng sắp tới của HTX là đăng ký bảo hộ thương hiệu và sản phẩm OCOP của huyện Hoằng Hóa. Mở rộng diện tích vùng liên kết sản xuất cũ, khảo sát, tìm kiếm triển khai thực hiện vùng liên kết mới, thúc đẩy thương hiệu và quảng bá sản phẩm gạo an toàn chất lượng cao Ngọc Thực thông qua các đại lý phân phối bán lẻ và thông qua các trang thương mại điện tử, website HTX. Để phát triển mô hình liên kết bền vững HTX sẽ đồng hành cùng các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các cơ quan ban ngành chức năng vận động người dân dồn điền đổi thửa, khoanh vùng sản xuất tập trung để tiện cho cơ giới hóa, ứng dụng khoa học – kỹ thuật đồng bộ, thực hiện các mô hình canh tác lúa hữu cơ thân thiện môi trường sử dụng phân bón tre xanh Hoằng Đạo, nâng cao nhận thức và trình độ canh tác của người dân.

Việc xây dựng thành công các mô hình liên kết này mở ra hướng đi mới, chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp, gắn được quyền lợi đơn vị sản xuất và đơn vị bao tiêu một cách hài hòa, bền vững. Hình thành các chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ chất lượng cao bền vững giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và cung cấp được sản phẩm gạo an toàn đến tay người tiêu dùng, từng bước xây dựng phát triển thương hiệu gạo Ngọc Thực, Hoằng Hóa.

Phương Thúy