Mô hình chăn nuôi dê thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn

Xã Đông Nam, huyện Đông Sơn là một xã thuần nông nằm cách trung tâm TP. Thanh Hoá 12 Km về phía tây nam. Với địa hình đồng bằng xen lẫn núi đá vôi khiến cho việc canh tác các loại cây trồng chủ lực gặp nhiều khó khăn. Không chịu khuất phục trước khó khăn, người dân nơi đây vốn chịu thương, chịu khó đã biến khó khăn thành lợi thế. Mô hình nuôi dê thả đồi đem lại hiệu quả kinh tế cao đang ngày càng được lan rộng trên địa bàn xã Đông Nam. Hiện nay, trên địa bàn toàn xã Đông Nam có tổng đàn dê hơn 1.200 con , trong đó nuôi dê thả núi có 33 hộ nuôi tập trung ở các thôn: Hạnh Phúc Đoàn và Sơn Lương.

Dê là loài động vật nhai lại, chân có móng thuộc họ Bovidae. Chúng là loài gia súc được nuôi để lấy thịt, sữa và da. Đây là giống gia súc có khả năng sinh sản cao, cho nhiều thịt, mắn đẻ, và là một đối tượng của việc chăn nuôi gia súc lấy thịt. Với hệ thống núi, núi đá vôi trải dài ở xã Đông Nam, huyện Đông Sơn đã trở thành điều kiện lý tưởng để chăn nuôi dê thương phẩm. Dê là loại động vật có hệ tiêu hoá rất phát triển, không chỉ ăn được các loại thức ăn thông thường như: cỏ, rau các loại…. chúng có thể ăn được nhiều loại thức ăn có nhiều độc tố, cay, đắng mà các loại gia súc khác không ăn được như lá xoan, lá xà cừ, lá keo tai tượng…. dê là loại động vật có nguồn thức ăn phong phú hơn nên cũng dễ dàng kiếm thức ăn cho dê trong những ngày mưa gió, bận rộn không chăn thả được. Chính vì vậy, nghề nuôi dê ở xã Đông Nam được nhiều hộ dân tham gia và đã thoát nghèo nhờ nuôi dê.  

Mô hình chăn nuôi dê thả đồi tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn.

Trao đổi với ông Trần Văn Hanh – giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Nam, ông Hanh cho biết: Để nói đến nuôi dê tập trung, quy mô lớn trên địa bàn xã có thể kể đến các hộ dân như: hộ ông Trần Văn Lực, hộ ông Trần Văn Hiến, hộ ông Nguyễn Văn Định. Đây đều là những hộ dân chăn nuôi dê quy mô lớn với bình quân mỗi đàn từ 150 – 200 dê/hộ. Như hộ chăn nuôi của gia đình ông Trần Văn Lực với quy mô đàn hơn 300 con dê với phương thức nuôi chủ yếu là thả đồi, tận dụng tập tính phàm ăn và nguồn thức ăn sẵn có trên núi kết hợp với các loại rau, cỏ, phụ phẩm nông nghiệp khác khiến chi phí chăn nuôi giảm đi đáng kể. Chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư ban đầu ít, thu hồi vốn nhanh. Việc nuôi dê sinh sản để tăng đàn cũng thuận lợi, bình quân mỗi năm 1 con dê cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 – 2 con. Trang trại của anh thường xuyên có vài chục đến hàng trăm con dê thịt có thể xuất bán ra thị trường mỗi năm. Dê ban ngày được chăn thả hoàn toàn tự nhiên trên núi, chỉ có tối đến sẽ được đưa về chuồng cho uống nước, bổ sung thêm các loại lá như: mít, cỏ voi, thân cây chuối trộn cám cho đàn dê tùy vào các đối tượng dê trong đàn như dê sinh sản, dê nuôi con bú, dê thịt vỗ béo sắp xuất chuồng…vậy nên dê ở đây sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh, ít bệnh tật.

Tuy nhiên, trong chăn nuôi dê cũng cần đặc biệt lưu ý, dê là loài vật có tính khí ưa chạy nhảy và hiếu động, chúng có tập tính bầy đàn cao. Dê có khứu giác và thính giác rất phát triển nên dê rất nhạy cảm với tiếng động. Dê còn có khả năng tự chịu đựng và dấu bệnh. Khi dê ốm thường vẫn cố theo đàn cho đến khi kiệt sức ngã quỵ xuống mới thôi. Vì vậy, khi chăm sóc dê phải quan tâm tỷ mỉ mới phát hiện được dê mắc bệnh để có biện pháp khắc phục kịp thời. Cũng như các loại gia súc khác như: Trâu, bò… dê cũng cần phải được tiêm phòng các loại Vắc xin để phòng tránh cách bệnh có thể xảy ra gây thiệt hại cho đàn. Về kỹ thuật chăn nuôi dê thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao cần đảm bảo các khâu như: Chọn giống, chuồng trại, chăm sóc. Thứ nhất, về khâu chọn giống, cần chọn lựa những con dê khoẻ mạnh, thân hình cân đối, tuyệt đối không chọn những con có cổ ngắn, bụng nhỏ, lông tai trụi, đầu dài, tứ chi không thẳng, đứng không chắc chắn. Thứ hai, về khâu chuẩn bị chuồng trại, đây cũng là công đoạn vô cùng quan trọng để đàn dê sinh trưởng tốt và phát triển khoẻ mạnh. Hộ chăn nuôi nên chọn lựa vị trí làm chuồng sạch sẽ, yên tĩnh, cách xa khu dân cư, nhưng phải đảm bảo dễ dàng quản lý, chăm sóc và vệ sinh. Diện tích chuồng nuôi phụ thuộc vào số lượng đàn vật nuôi, mật độ trung bình từ 1 – 1.5 con/m2. Nên lựa chọn hướng Đông Nam hoặc hướng Nam để chuồng thông thoáng. Độ cao của chuồng và khoảng cách từ sàn nuôi đến mặt đất phải cao từ 50 – 80cm. Nền chuồng bên dưới sàn phải có độ nghiêng từ 2 – 3%, dốc dần về phía rãnh thoát nước. Thành chuồng nuôi phải cao tối thiểu từ 1,5 – 1,8m, đóng bằng gỗ hoặc tre. Cuối cùng là về khâu chăm sóc, đối với dê con dưới 10 ngày tuổi: Ngay sau khi sinh, dê cần được lau khô, cắt rốn và cho bú, phải vuốt sạch máu và để lại 3-4cm cuống rốn. Dê con cần được giữ ấm, tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều vi khuẩn và mầm bệnh. Dê con từ 11 đến 45 ngày tuổi: Cho dê bú sữa mẹ khoảng dưới 1lít/ngày, cho bú ban ngày và tách mẹ vào ban đêm. Dê đang phát triển 46 ngày tuổi đến trưởng thành: Trong quá trình đang tuổi lớn, dê rất cần bổ sung khẩu phần ăn nên hộ chăn nuôi có thể cho dê ăn kèm thức ăn tinh từ 50 đến 100g và tăng dần lên theo sự phát triển của dê. Sau 3 tháng, dê phát triển mạnh cần cho chăn thả cùng bố mẹ, cho ăn đa dạng các loại thức ăn thô, kết hợp lẫn thức ăn tinh. Thông thường sau khoảng 6 tháng nuôi là các hộ chăn nuôi có thể xuất bán ra thị trường.

Sáng chăn thả trên núi, tối đến dê sẽ được đưa về chuồng đề phòng mưa gió.

Thị trường tiêu thụ dê thường được các thương lái, các chủ nhà hàng quanh vùng đến tận nơi thu mua. Vì được chăn thả tự nhiên, tự do kiếm ăn trên núi khác với các loại dê nuôi nhốt chuồng ở các nơi, dê ở xã Đông Nam cho chất lượng thịt rất ngon, dai và chắc thịt. Chính vì vậy sản phẩm dê Đông Nam rất được thị trường ưa chuộng và luôn bán được giá tốt. Với mỗi dê thành phẩm khi xuất bán có cân nặng từ 25 – 30 kg/con, với giá bán bình quân từ 150.000 đồng/kg đối với thịt cân hơi, với mỗi con dê được xuất bán, hộ chăn nuôi thu về từ 5 – 6 triệu đồng/con, trừ các loại chi phí như: con giống, thức ăn….có thể thu lời từ 1,5 – 2 triệu đồng/con. Với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, hàng năm có thể xuất bán trên dưới 100 con/năm có thể cho thu nhập ổn định từ 150 – 200 triệu đồng/năm. Thị trường tiêu thụ dê thương phẩm ở xã Đông Nam thường là trong huyện và các địa phương lân cận như: TP. Thanh Hoá, Quảng Xương, Triệu Sơn…

Để đàn dê trên địa bàn phát triển ổn định và nâng cao giá trị, UBND xã Đông Nam đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, giúp đỡ, tư vấn cho các hộ dân tham gia mô hình chăn nuôi dê lựa chọn con giống tốt, phù hợp và tập huấn kỹ thuật chăm sóc đàn dê, chú trọng công tác tiêm phòng dịch bệnh. Đồng thời, hỗ trợ việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để bà con có điều kiện tăng số lượng đàn dê, mở rộng quy mô chăn nuôi; đặc biệt khuyến khích người dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Với sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, thành công từ mô hình chăn nuôi dê thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Đông Nam sẽ trở thành một điểm sáng mới trong phát triển kinh tế tại huyện Đông Sơn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nơi đây và mô hình sẽ ngày càng được nhân rộng tại nhiều nơi trên toàn tỉnh.

Mạnh Tùng