Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chiếu cói tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương

Từ bao đời nay, không biết có từ bao giờ nghề dệt chiếu cói ở xã Quảng Trường đã trở thành một nghề truyền thống truyền qua bao thế hệ. Đi dọc theo những con đường quanh xã, những sợi cói dài thẳng tắp, tươi xanh được phơi khô dọc hai bên đường làng, những chiếc chiếu cói vừa mới được dệt xong được phơi đầy khắp sân trong mỗi hộ gia đình ở nơi đây. Nghề dệt chiếu cói ở Quảng Xương nói chung và ở Quảng Trường nói riêng đã có những thời điểm đã dần mai một, đi xuống vì dệt thủ công bằng tay nên hiệu quả không cao, sản phẩm không đa dạng mẫu mã, không thể cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp cùng loại. Mặt khác, không có liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, chiếu làm ra chỉ chủ yếu bán ngoài chợ và cho thương lái, khiến sản phẩm làm ra vì thế không thể tiêu thụ khiến nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Trường đã phải bỏ nghề dệt chiếu để chuyển sang sinh sống bằng nghề khác. Nhưng với tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại, anh Phạm Văn Dũng (thôn Cháu Sơn, xã Quảng Trường) quyết tâm khôi phục và phát triển nghề truyền thống làm chiếu cói.

Xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương là vùng đất chiêm trũng, màu mỡ, độ mặn vừa phải rất phù hợp cho phát triển cây cói, nên bà con nơi đây đã gắn bó lâu đời với nghề trồng cói. Cói có đặc điểm trồng 1 lần có thể thu hoạch trong nhiều năm; mỗi năm có hai vụ chu kỳ mọc lại cây từ gốc cũ, vụ chiêm xuân thu hoạch vào tháng 6 và vụ mùa vào khoảng đầu tháng 11 dương lịch, cói được chăm sóc và thu hoạch đúng cách sẽ cho thân dài và cứng là nguyên liệu để dệt nên những chiếc chiếu cói chất lượng tốt nhất.

Chiếu cói dệt xong được phơi khô tại xã Quảng Trường.

Anh Phạm Văn Dũng – giám đốc công ty TNHH Dũng Châu là một người con sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều thế hệ làm cói, anh Dũng xác định được sản xuất chiếu cói trên địa bàn huyện có nhiều lợi thế về truyền thống, nguồn nguyên liệu, nhân công sẵn có và đặc biệt là các cơ chế chính sách khuyến khích, nếu biết cách nắm bắt sẽ là cơ hội để phát triển nghề làm cói của quê hương. Sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm, học hỏi anh Dũng  nhận ra rằng chỉ có thay đổi cách thức sản xuất – tiêu thụ mới cho ra được sản phẩm chất lượng nhất đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Với suy nghĩ đó cùng với quyết tâm, ý chí kiên định, anh Dũng đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị để chuyển từ dệt tay thủ công sang dệt máy. Cùng với đó là mở rộng diện tích nhà xưởng lên hơn 700m2. Khác biệt rõ rệt nhất từ khi đưa máy móc vào sản xuất là năng suất, chất lượng sản phẩm đã cải thiện rõ rệt, nhiều đơn hàng trước đây không thể đáp ứng được mẫu mã cũng như số lượng thì nay anh đã có thể tự tin hoàn thành bàn giao đúng cam kết. với hơn 50 máy dệt chiếu, công suất mỗi một máy dệt chiếu dệt được khoảng 35 đến 40 đôi/ngày (gấp 4 lần lần so với làm thủ công truyền thống như  trước đây). Chiếu cói được sản xuất với nhiều kích thước khác nhau, sợi cói dai, không bị mủn, mục nát đó chính là tính năng vượt trội của chiếu cói Dũng Châu so với các sản phẩm chiếu khác trên thị trường. Mỗi năm cơ sở sản xuất được hàng trăm nghìn chiếc chiếu cói tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương có việc làm với mức thu nhập từ 5 triệu đồng người/tháng trở lên. Với giá bán bình quân từ 100.000 đồng/chiếc chiếu cói, hàng năm doanh thu của công ty đạt gần 5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí lợi nhuận ước đạt 950 triệu đồng/năm.

Sản phẩm chiếu cói Dũng Châu chuẩn bị được xuất bán.

Tính đến hết năm 2023, huyện Quảng Xương có hơn 550 ha diện tích đất trồng cói, tập trung ở các xã: Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long… trong đó xã Quảng Trường có gần 10 ha diện tích đất trồng cói, sản lượng cói bình quân đạt khoảng gần 700 tấn/ năm. Để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty TNHH Dũng Châu đã liên kết sản xuất, thu mua cói nguyên liệu với các hộ dân ở Quảng Trường, Quảng Phúc, Quảng Long…với diện tích hơn 150 ha trồng cói, sản lượng cói tươi hàng năm đạt hơn 1000 tấn. Cói tươi sau khi thu hoạch sẽ được người dân phơi khô và bán cho các HTX DVNN tại địa phương. Các HTX vừa là đơn vị sản xuất, vừa là đầu mối thu gom cói nguyên liệu của các hộ dân và bán lại cho công ty theo giá đã cam kết trong hợp đồng. HTX thu mua lại của các hộ dân với giá 12.000 đồng/kg cói phơi khô, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hộ thu về lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/ha (hiệu quả kinh tế gần gấp đôi so với làm lúa truyền thống). Sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng lại có thể sản xuất số lượng lớn đã khiến nhiều bạn hàng quan tâm và tìm đến anh Dũng để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, chiếu cói Dũng Châu có hơn 70% sản phẩm  được sản xuất và bán theo đơn đặt hàng có hợp đồng ký kết rõ ràng, 30% còn lại được các thương lái ở nhiều tỉnh thành như: Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nội tìm về tận xưởng để thu mua. Quân đoàn 2 (Bộ Quốc Phòng) là một trong những đối tác lớn đã ký kết tiêu thụ chiếc cói với công ty TNHH Dũng Châu với giá trị hợp đồng 549 triệu đồng trong năm 2022. Ngoài ra, trong năm 2022, công ty Thanh Thuý (Ninh Bình) cũng đã ký kết đặt hàng mua chiếu cói số lượng lớn. Thành công đến với anh Dũng như một hệ quả tất yếu sau bao nhiêu nỗ lực, phấn đấu vượt qua bao khó khăn để đến hiện tại thương hiệu chiếu cói Dũng Châu đã có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Năm 2022, sản phẩm chiếu cói Dũng Châu chính thức được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Thanh Hoá, vinh dự là một trong những sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Quảng Xương. Sản phẩm chiếu cói Dũng Châu trong tháng 10/2023 đã được chọn là một trong nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Thanh Hoá tham gia Hội chợ làng nghề toàn quốc lần thứ 19 diễn ra tại Hà Nội. Thành công bước đầu từ liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm chiếu cói Dũng Châu tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương như một minh chứng rõ ràng nhất trong việc thay đổi cách thức sản xuất – tiêu thụ từ phân tán nhỏ lẻ sang tập trung, tiêu thụ liên kết có hợp đồng là phù hợp với xu thế, thị trường hiện nay.

Mạnh Tùng