Mô hình chăn nuôi gà quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao tại xã Quảng Định, huyện Quảng Xương

Trong nền nông nghiệp hiện nay, việc áp dụng những tiến bộ, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã trở nên phổ biến. Xã Quảng Định, huyện Quảng Xương là một vùng chiêm trũng, người dân chủ yếu là làm nông nghiệp, với chỉ dựa vào cây lúa cho thu nhập thấp nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, Quảng Định là xã đi đầu của huyện trong việc chuyển đổi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn áp dụng công nghệ cao. Điển hình có thể kể đến mô hình chăn nuôi gà quy mô lớn áp dụng công nghệ cao của hộ gia đình anh Đoàn Đình Phúc (thôn Thượng Đình 2, xã Quảng Định). Là một thanh niên trẻ mang trong mình nhiệt huyết với hoài bão, ước mơ đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp, anh Đoàn Đình Phúc quyết tâm thay đổi vùng đất chiêm trũng của xã thành khu chuồng trại chăn nuôi gà với quy mô lớn áp dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều lao động của địa phương và trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở xã.

Trang trại chăn nuôi gà của hộ gia đình anh Đoàn Đình Phúc.

Năm 2017, anh Đoàn Đình Phúc được UBND xã Quảng Định tạo điều kiện cho thầu 1,4 ha diện tích đất vùng trũng, anh Phúc cũng đã mua thêm 0,6 ha đất của các hộ xung quanh để cải tạo, phát triển mô hình chăn nuôi gà tập trung với quy mô lớn. Với tư duy làm quy mô lớn, tập trung để áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, anh Phúc mạnh dạn vay vốn, đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng hai dãy chuồng trại chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao. Trang trại của anh Phúc được đầu tư với các thiết bị đảm bảo độ chuẩn về các thông số, có giàn mát, quạt thông gió để kiểm soát nhiệt độ ổn định vào mùa hè và lò hơi cấp nhiệt giữ ấm vào mùa đông; máng ăn, nước uống được lắp đặt hoàn toàn tự động. Về công nghệ làm mát, trang trại của anh Phúc sử dụng các tấm làm mát bằng giấy dầu của Thái Lan (trung bình 35 tấm/trại 800m2), các tấm làm mát này được thiết kế để tối đa hóa hiệu quả bay hơi bằng cách tạo ra thời gian tiếp xúc giữa không khí và nước lâu hơn để giúp bay hơi hiệu quả hơn. Để giữ ấm cho đàn gà trong những tháng mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp, anh Phúc sử dụng các bóng hồng nhiệt để tăng nhiệt độ trại, ngoài ra hai lò hơi cấp nhiệt chạy bằng than đá cũng được đặt tại hai đầu trại gà để bổ sung thêm nhiệt độ đảm bảo giữ ấm cho đàn gà. Hệ thống cảm biến trong chuồng nuôi sẽ báo nhiệt độ và độ ẩm, tự vận hành hệ thống phun sương và làm thoáng khí tự động để duy trì điều kiện môi trường không khí phù hợp với gà. Trang trại gà của anh Phúc đã ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát lượng thức ăn, nước uống số lượng bao nhiêu, anh Phúc đều có thể thực hiện thông qua điện thoại thông minh, thức ăn, nước uống từ bể chứa được đưa thẳng trực tiếp tới máng ăn của gà.

Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giảm được chi phí nhân công, kiểm soát được dịch bệnh và đảm bảo chất lượng, năng suất của đàn gà. Lứa đầu tiên, anh đưa vào thả nuôi thử gần 8.000 con gà giống Lạc Thủy có nguồn gốc từ Hòa Bình, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, sau gần 4 tháng chăm sóc, đàn gà đủ trọng lượng cho xuất chuồng, sau khi trừ chi phí gia đình anh lãi được hơn 100 triệu đồng. Thành công bước đầu đã tạo động lực mạnh mẽ cho anh Phúc tiếp tục giấc mơ, anh huy động thêm nhiều nguồn lực và xây dựng thêm một dãy chuồng trại để nâng quy mô đàn.

Anh Phúc kiểm tra các hệ thống máng ăn tự động trong trang trại.

Năm 2020, anh nhận thấy giống gà Minh Dư có nguồn gốc ở Bình Định có chất lượng thịt vừa dai lại thơm ngon, rất được thị trường ưa chuộng. Giống gà này sau khi được nuôi thử nghiệm cho thấy rất phù hợp với khí hậu ở địa phương, lại dễ chăm sóc, sức đề kháng rất tốt ít bị bệnh, anh Phúc đã quyết định nhập về hơn 20.000 gà giống Minh Dư nuôi bán thương phẩm. Để đàn gà khoẻ mạnh phải phòng bệnh, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc 1 tuần 2 lần khu vực bên ngoài và 1 tuần 1 lần bên trong trại gà; khâu quản lý chuồng trại phải thực hiện nghiêm ngặt, ra vào phải sát khuẩn và không cho người lạ vào khu vực trại nuôi. Và đặc biệt, phải tiêm vắc – xin phòng bệnh đầy đủ như dịch tả, cầu trùng, đặc biệt là cúm cho đàn gà. Vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, việc đảm bảo giữ ấm, nguồn thức ăn đủ chất dinh dưỡng, chuồng trại sạch sẽ là điều kiện cần thiết để đàn vật nuôi không bị nhiễm bệnh, lớn nhanh, đạt trọng lượng tốt khi xuất chuồng. Nhờ áp dụng tốt các quy trình sản xuất kết hợp với kinh nghiệm có được sau nhiều năm làm việc, đàn gà tại trang trại anh Phúc gần như không bị dịch bệnh mỗi  năm, anh Phúc đưa vào nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa khoảng hơn 20.000 con. Nhờ nuôi gối đàn nên lúc nào trang trại gà của anh Phúc cũng có gà để bán, trung bình một tháng gia đình anh Phúc cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 45 tấn gà thương phẩm với giá bình quân là 75.000 đồng/kg. Mô hình nuôi gà của gia đình anh Phúc cho doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt gần 400 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thị trường tiêu thụ trong tỉnh, gà của gia đình anh Phúc còn được tiêu thụ rộng rãi tại Hà Nội, Quảng Bình, Đà Nẵng thông qua các công ty và thương lái ở nhiều nơi về thu mua.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, gia đình anh sẽ mở rộng thêm từ 1-2 dãy trại nuôi gà và xây dựng trại giết mổ tại trang trại và đóng gói nhập vào các siêu thị để người tiêu dùng được dùng những sản phẩm sạch. Từ thành công của mô hình, anh Phúc trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia trại ở địa phương, thu hút nhiều hội viên nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình.

Mạnh Tùng