Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa thương phẩm tại xã Tiến Lộc

Liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo là xu thế tất yếu phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp hiện đại tạo nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện nay việc liên kết sản xuất lúa gạo được nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng và triển khai thực hiện, trong đó có xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc là xã đã thực hiện sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ.

(Giống lúa nếp A Sào được liên kết sản xuất tại xã Tiến Lộc cho hiệu quả kinh tế cao)

          Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo Nghị quyết số 13-NQ/TU của tỉnh Thanh Hóa “Về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Huyện Hậu Lộc cũng như xã Tiến Lộc đã có những định hướng cho người dân sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, tích tụ đất đai quy hoạch cánh đồng mẫu lớn để hình thành vùng sản xuất lúa tập trung. Hiện nay, toàn xã Tiến Lộc có hơn 100ha diện tích với 6 hộ tham gia liên kết sản xuất lúa thương phẩm với các giống lúa thuần  như Bắc Thơm, Thiên Ưu, TBR225,…., năng suất bình quân đạt 60- 65 tạ/ha. Sau thu hoạch, toàn bộ sản lượng lúa được Công ty CP thương mại Sao Khuê và thương lái thu mua, đưa vào chế biến và tiêu thụ. Đáng chú ý, trong vụ hè thu năm 2021, các hộ dân đã liên kết với Công ty CP An Thành Phong trồng giống lúa nếp A Sào là giống lúa nếp cổ quý ở Thái Bình, đây là giống lúa mới lần đầu được canh tác tại địa phương có khả năng thích ứng với thổ nhưỡng điều kiện tại đây tốt, khả năng chống chịu bệnh tốt và cho năng suất cao đạt 55-60 tạ/ha cao hơn so với các giống lúa nếp khác mà chi phí đầu vào thấp hơn. Chất lượng hạt tròn, đều, đẹp, sau khi thu hoạch được Công ty thu mua ngay tại ruộng với giá 8.500đồng/kg lúa tươi, sau trừ chi phí lãi trên 35-40 triệu đồng/ha, lợi nhuận so với các giống khác cao gấp 1,5-2 lần.

Ngoài việc liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, các hộ sản xuất còn áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới trong sản xuất thâm canh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hóa học. Trong các chuỗi liên kết, lúa được trồng cùng giống, liền vùng, liền thửa nên dễ quản lý, chăm sóc, năng suất, chất lượng đồng đều. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, các hộ sản xuất đã đầu tư máy móc như máy gặt, máy lồng, máy bơm,… để chủ động trong vụ mùa sản xuất. Vì vậy, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch, nhằm đảm bảo được chất lượng, sản lượng theo yêu cầu từ phía Công ty liên kết. Sản phẩm được Công ty thu mua 100%, giúp người dân giảm tối đa các rủi ro trong khâu tiêu thụ. Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp đã giúp năng suất tăng từ 10 đến 15% so với sản xuất theo hướng truyền thống; lợi nhuận trung bình đạt từ 25 triệu đồng/ha/vụ. Từ thành công của mô hình, lãnh đạo UBND xã cho biết: sẽ định hướng và tăng cường tuyên truyền vận động bà con nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai sản xuất cánh đồng mẫu lớn dự kiến diện tích lúa liên kết lên 120 ha toàn xã, sản xuất có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên tham gia, khuyến khích sự liên kết dựa trên việc ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện giúp đỡ nhau trong sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.

Thời gian tới, theo định hướng chung của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, không chỉ riêng lĩnh vực sản sản xuất lúa gạo, mà trong các lĩnh vực nông nghiệp khác xã Tiến Lộc, cũng như huyện Hậu Lộc sẽ hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng trên một đơn vị diện tích. Sử dụng các giống lúa tốt, có chất lượng gạo ngon. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất. Có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong tỉnh tiến tới phù hợp với yêu cầu xuất khẩu.

Lê Thúy