Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo tiêu chuẩn Vietgap ứng dụng công nghệ cao tại xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân

 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo tiêu chuẩn áp dụng công nghệ cao đang là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị của sản phẩm, phát triển bền vững, nhằm góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân ở nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dưa vàng Thọ Thanh theo tiêu chuẩn VietGAP áp dụng công nghệ cao có thể truy xuất nguồn gốc quét mã QR code.

Xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân là một xã miền núi thuần nông, có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi để phát triển nông nghiệp đó chính là được dòng sông Chu hiền hoà ôm trọn trong lòng. Trước đây tại xã Thọ Thanh, bà con nông dân chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như: sắn, ngô, mía, cỏ voi… có giá trị kinh tế thấp. Ngoài ra, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến cho các hoạt động cơ giới hoá không thể phát triển mạnh dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp làm ra không đồng đều, khả năng cạnh tranh trên thị trường là tương đối yếu. Để tiềm năng, lợi thế của xã thuần nông không bị lãng phí, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Thọ Thanh xác định sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao sẽ là bước đột phá để phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai cho người dân thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa; tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, giúp người dân thụ hưởng nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 30a để đầu tư sản xuất. Bắt đầu từ năm 2016, xã Thọ Thanh đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng diện tích một số loại cây trồng có năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém. Nếu như trước đây, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ với đa phần là trồng lúa, chỉ có 10 ha trồng mía, 1,5 ha cây ăn quả các loại thì sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tính đến nay trên địa bàn xã đã có gần 70 ha sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 30 ha mía công nghệ cao, 20 ha ớt xuất khẩu, 10 ha cây ăn quả gồm bưởi, ổi, mít thái, bơ; 2 ha rau an toàn, 15.000 m2 nhà lưới trồng dưa vàng, dưa Kim Hoàng Hậu ứng dụng công nghệ cao.

Nhắc đến thành công từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao ở Thọ Thanh phải kể đến HTX Dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh. Nếu như trước đây HTX chỉ trồng các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế thấp như: sắn, ngô, mía…thì giờ đây, sau khi thực hiện chương trình tái cơ cấu nghành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, HTX đã có hơn 10 ha trồng cây ăn quả và 6.000 m2 nhà lưới trồng dưa vàng, dưa lưới đều sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Khác với cách thức trồng truyền thống, để chủ dộng nguồn nước tưới và đảm bảo năng suất, chất lượng cho sản phẩm, với hơn 10 ha trồng cây ăn quả như: mít Thái, ổi, bưởi…đều được anh Lê Văn Thượng – giám đốc HTX DVTH Thọ Thanh đầu tư sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt song hành với bón phân tự động. Hệ thống tưới được kết nối với bồn chứa nước, phân bón được cài đặt tự động kết hợp với các cảm biến sẽ tự động tưới nước, bón phân theo sự tính toán, cài đặt để cây trồng hấp thu được dinh dưỡng một cách tốt nhất giúp giảm tối đa chi phí, tiết kiệm nguồn nước, phân bón một cách hiệu quả. Đối với cây ăn quả, khi áp dụng công nghệ cao có thể mang lại hiệu quả kinh tế ngay. Nếu như cây ăn quả trồng trồng theo phương thức truyền thống thì phải chờ từ 3 – 4 năm sau mới cho thu hoạch. Còn theo mô hình này, cây ăn quả ngay từ năm thứ 2 trở đi đã có thể cho thu hoạch với năng suất khá ổn định. Đối với các loại cây rau mầu trồng trong nhà lưới như: dưa vàng, dưa chuột….nếu 1ha nhà lưới thực hiện đúng quy trình kỹ thuật có thể cho năng suất bình quân 25 tấn/ha một vụ. HTX DVTH Thọ Thanh với 6.000 m2 diện tích nhà lưới trồng dưa vàng và 10ha cây ăn quả, một năm 3 vụ sẽ cho sản lượng bình quân 45 tấn (dưa vàng), 25 tấn (ổi, bưởi…) với giá bán bình quân từ 20.000 đồng/Kg (dưa vàng), 10.000 đồng/Kg (ổi, bưởi…) sau khi trừ chi phí lợi nhuận ước đạt từ 300 – 400 triệu đồng/năm. HTX DVTH Thọ Thanh hiện tại đang tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng và các lao động đều được HTX đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội hàng tháng. Ngoài ra, vào những dịp cao điểm sản xuất, HTX đã tạo việc làm thêm cho hàng chục lao động thời vụ ở địa phương đã góp phần gia tăng thu nhập cho bà con nông dân huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn.

Dưa vàng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP áp dụng công nghệ cao tại Thọ Thanh.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo cho sản phẩm của HTX có chỗ đứng trên thị trường, với mục tiêu có mặt tại các kệ hàng tại các siêu thị lớn. HTX DVTH Thọ Thanh đã phối hợp phòng nông nghiệp huyện và trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nông, lâm, thuỷ sản Thanh Hoá để tực hiện chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm nông nghiệp của mình. Hiện tại, sản phẩm dưa vàng của HTX DVTH Thọ Thanh đã được công nhận là  sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022 của tỉnh Thanh Hoá, sản phẩm đã được gắn tem mác, có mã QR code truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Tiếp đà phát triển, trong thời gian tới đây, theo kế hoạch HTX DVTH Thọ Thanh sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, mở rộng thêm 1 ha diện tích nhà lưới và trồng thêm một số loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao như: mướp đắng, cà chua baby…. HTX cũng sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng quảng bá, thương hiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức, cải thiện mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm. Chủ động kết nối, mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An…. Ngoài ra, đầu năm 2024, xã Thọ Thanh đã được Viện nông nghiệp Thanh Hoá chọn thí điểm làm mô hình Mô hình: Trồng thương phẩm giống bơ Booth7, bơ 034, thuộc dự án: Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng thương phẩm cây bơ Booth7, bơ 034 tại một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, thuộc dự án cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2024. Nếu mô hình thành công và được nhân rộng kết hợp với áp dụng công nghệ cao vào sản xuất hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương nơi đây.

Có thể nói chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo tiêu chuẩn chất lượng ứng dụng công nghệ cao đang dần trở thành xu hướng và là hướng đi đúng đắn nhất trong thời kỳ phát triển, hội nhập như hiện nay. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ dần bị đào thải và được thay thế bằng những sản phẩm chất lượng có thể truy xuất được nguồn gốc. Để làm được như vậy chỉ khi sản xuất quy mô lớn áp dụng cơ giới hoá, công nghệ hiện đại mới cho ra được những sản phẩm chất lượng, năng suất cao được kiểm định chất lượng an toàn sẽ là bước phát triển nông nghiệp bền vững cho Thọ Thanh nói riêng và cả huyện Thường Xuân nói chung.

Mạnh Tùng