Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể. Thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân, đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông,… Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, một số hộ dân còn khai thác vùng đất bãi ven sông để trồng các loại cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh Đỗ Xuân Sơn đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi đất canh tác, phát triển vùng trồng cây ăn quả. Sau nhiều năm đầu tư, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc, đến nay diện tích 7 ha cây ăn quả, với trên 3500 gốc bưởi và cam đã cho thu hoạch với sản lượng hàng năm từ 80 đến 90 tấn quả, mang lại cho gia đình anh thu nhập hàng tỷ đồng. Gia đình ông Đỗ Văn Tư là một trong những hộ tiên phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư xây dựng mô hình trồng hoa từ đất lúa kém hiệu quả; đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, ông Tư chia sẻ: “Trước đây, trên diện tích đất 2 ha, gia đình chủ yếu trồng lúa, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như thổ nhưỡng, thời tiết,… nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, thu nhập bấp bênh. Được sự khuyến khích, hỗ trợ của xã và nghiên cứu từ các mô hình đã thành công, gia đình ông quyết định đầu tư xây dựng mô hình trồng hoa trong nhà lưới. Để chủ động cung ứng hoa cho thị trường, ông Tư thực hiện gieo cấy “gối” cây giống giữa các lứa nên được thu hoạch quanh năm. Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu, đầu tư xây dựng nhà lưới để tránh côn trùng, áp dụng khoa học – kỹ thuật để có được những cành hoa to, đẹp; tính toán để hoa nở đúng độ vào ngày rằm, mùng một hàng tháng hoặc các dịp lễ, tết. Mỗi năm, doanh thu trung bình của gia đình ông từ 120 đến 150 triệu đồng/ha. Ngoài ra, trên địa bàn xã Xuân Trường còn thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như: Mô hình trồng cây ăn quả, ớt xuất khẩu, rau màu các loại,…

Mô hình trồng cây bưởi diễn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dânở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân

Trang trại tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh được xem là một trong những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trên địa bàn xã. Để hiện thực hóa ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị đã mạnh dạn thuê lại diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả của người dân để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản. Sau thời gian tìm hiểu, học hỏi tại các mô hình trang trại đã thành công trên địa bàn tỉnh, chị Hạnh bắt tay vào xây dựng trang trại tổng hợp. Tận dụng thế mạnh đất vườn đồi, với đàn gà có số lượng hơn 10.000 con, chị kết hợp giữa nhốt chuồng và chăn thả tự nhiên. Ngoài các loại thức ăn chính là lúa, ngô và cám tổng hợp thì gà còn tự kiếm thêm các loại thức ăn khác trong tự nhiên là các loại côn trùng và cây cỏ,… Vì vậy, gà lớn nhanh, ít bệnh tật, thịt săn chắc, trứng gà bảo đảm chất lượng. Những lứa gà thả đồi của gia đình chị được thương lái khắp nơi đến đặt mua, trung bình mỗi tháng, chị xuất bán hơn 2.000 con gà. Bên cạnh đó, chị còn đào ao nuôi các loại cá truyền thống, như: Cá trắm, cá mè,… Chị Hạnh cho biết: Khi xây dựng mô hình, gia đình đã được cán bộ nông nghiệp của xã hỗ trợ trong việc lựa chọn con giống có chất lượng, kỹ thuật chăn nuôi gà đồi cũng như tiêm phòng dịch bệnh. Đồng thời, áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Với những chủ trương hợp lý, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp cùng cách làm hiệu quả, các mô hình chuyển đổi đang đạt được những thành công trong thực hiện chủ trương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Xã đã chuyển đổi được gần 40 ha đất màu và đất 2 lúa kém hiệu quả ở các xứ đồng Hội Hiền, Nãi Tài,… xây dựng được 17 trang trại và gia trại, hiệu quả kinh tế cao gấp từ 6 đến 8 lần so với trồng lúa trước đây.

Thời gian tới, xã Xuân Trường sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua việc duy trì và phát triển vùng cây ăn quả, trồng hoa ứng dụng công nghệ cao hiện có, Tích tụ, tập trung đất đai với hơn 30 ha; chuyển đổi 170 ha đất lúa kém hiệu quả, đưa giống mới vào sản xuất và hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị sản phẩm,… Nghiên cứu đưa những cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiêp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân./.

                                                                                                           Văn Lộc