Mô hình trồng rau VietGAP ở xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân

Thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng rau an toàn. Đến nay huyện đã xây dựng được những cánh đồng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung chủ yếu ở các xã Thọ Xương, Thọ Hải, Xuân Phú, Thọ Diên, Xuân Hòa.

Tại xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân cánh đồng rau sạch được phát triển trên diện tích của cánh đồng trồng rau truyền thống. Trước đây, có hơn chục hộ chuyên trồng rau cung cấp cho các xã lân cận và Thị Trấn Thọ Xuân, với diện tích 2 ha và 1 năm chỉ có 2 vụ. Từ năm 2016, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã, HTX đã xây dựng vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn. Đến nay diện tích   là 20 ha; trong đó có 12,5 trồng rau trong nhà lưới theo quy trình VietGAP tại thôn Tân Thành với 48 hộ sản xuất. Tùy vào từng thời vụ, HTX lập kế hoạch đến từng thửa ruộng đảm bảo luôn có rau, củ, quả quay vòng đáp ứng yêu cầu cung ứng cho các hợp đồng đã ký kết. Áp dụng những kiến thức kỹ thuật đã được hướng dẫn, các hộ phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chuẩn bị đất, ươm giống đến khâu chăm sóc, thu hoạch, trồng rau an toàn phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt như nguồn đất phải sạch, không nhiễm các hóa chất độc hại đối với con người và môi trường; quy trình trồng rau sạch khá khắt khe, chỉ được dùng phân xanh, phân chuồng đã được ủ hoai mục, nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. So với cách trồng rau truyền thống thì trồng rau sạch theo hướng tập trung tuy có nhiều quy định ràng buộc, nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thời gian đầu do khó khăn về nguồn vốn, chưa hiểu biết về hình thức canh tác của bà con nông dân, nhất là các tập tục canh tác còn lạc hậu, còn lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, do vậy, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trước đây người dân xã Thọ Hải canh tác canh tác nhỏ lẻ là chủ yếu, sản lượng, năng suất không cao, dần dần người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại rau quả. Sản phẩm chủ yếu hiện nay là rau xanh các loại, bí đỏ, mướp, mồng tơi, cà rốt, cà chua, súp lơ, bí xanh, cà tím, rau thơm,… cung cấp cho một số trường mầm non, công ty trong và ngoài huyện. Vì đây là xã thuận lợi để trồng các loại rau quả cho năng suất cao, thời gian thu hoạch rút ngắn, gieo trồng được nhiều mùa vụ, từ đó đời sống người dân được cải thiện, góp phần vào sự phát triển của xã.

      Mô hình trồng rau an toàn tập trung tại xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân

Từ việc sản xuất rau an toàn ban đầu hoạt động theo hướng “Sản xuất rau an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP” gặt hái được nhiều thành quả, được sự vận động, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành, nhất là Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh niên Việt Nam, Công ty Phương Nam đầu tư xây dựng mô hình “Trồng mướp đắng áp dụng công nghệ cao”. Thực hiện mô hình, nông dân được hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn phương pháp canh tác hữu cơ, bón phân qua lá bằng chế phẩm sinh học Sumitri được bào chế từ các loại thảo dược nên an toàn đối với người sử dụng và nhanh chuyển hóa dưỡng chất qua lá cây để tạo vòng cách ly an toàn trong thời gian ngắn. Vì vậy, cây mướp đắng được trồng ở đây cho quả nhiều, quả có màu xanh mướt, vỏ mềm và đặc biệt là hương vị đậm đà, an toàn khi sử dụng. Đặc điểm nổi bật này là lợi thế đem đến hiệu quả kinh tế cho bà con vốn đã gắn bó nhiều năm với nghề trồng rau hữu cơ tại Thọ Hải. Cùng canh tác với cây mướp đắng, bà con còn trồng nhiều loại cây rau khác như: mướp hương, dưa leo, đậu, bí xanh,…đều được sử dụng phân bón hữu cơ.

Hiện nay, trừ chi phí, 1 sào rau sạch cho thu nhập 5 – 7 triệu đồng, với thu nhập bình quân từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng/hộ góp phần tích cực cho kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho 150 lao động.

 Phát triển trồng rau an toàn theo hướng VietGAP đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo đánh giá của anh Trần Lê Văn, giám đốc HTX Đông Phương Hồng xã Thọ Hải, mặc dù số hộ tham gia trồng chưa nhiều, diện tích sản xuất chưa lớn, song, qua thực hiện mô hình sản xuất RAT bà con nông dân đã dần thay đổi được thói quen, tập quán sản xuất rau truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích canh tác. Đặc biệt là thông qua thực hiện mô hình RAT đã làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách an toàn, đúng quy trình, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, vận động bà con áp dụng trồng rau thủy canh trong nhà kín hoặc công nghệ cao; ngoài ra tìm thêm thị trường mới, thị trường tiềm năng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn, với chất lượng sản phẩm sạch, an toàn. Mong muốn của HTX cũng như bà con là được sự quan tâm hơn nữa và hỗ trợ của chính quyền địa phương, lãnh đạo các cấp, các nghành trong tỉnh và muốn cùng với các doanh nghiệp, tổ hợp tác,…giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ rau, củ quả cung cấp cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu./.

                                                                                                        Văn Lộc