Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Quảng Xương

Quảng Xương là một huyện đồng bằng ven biển, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây cơ cấu kinh tế huyện Quảng Xương đã dàn dịch chuyển sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tuy nhiên nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế huyện. Những năm gần đây UBND huyện Quảng Xương đã tích cực thực hiện chủ trương chính sách tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh bằng các chủ trương tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa để hình thành các cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Cây lúa từ lâu vẫn là cây trồng chủ lực truyền thống của huyện với gần 7000 ha trồng lúa, trong đó có 3500 ha sản xuất lúa chất lượng cao ở các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Nhân, Quảng Long, Quảng Yên… Với mục đích tiến tới nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, người dân huyện Quảng Xương đã thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm bằng hợp đồng nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và được nhân rộng trên địa bàn huyện.

Ảnh: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương.

Trao đổi với hộ ông Nguyễn Văn Sơn, xã Quảng Hòa (Quảng Xương), ông cho biết: Từ năm 2018, gia đình tôi đã được UBND xã kêu gọi, khuyến khích sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Với 8 sào lúa của gia đình sau khi chuyển đổi hoàn toàn sang trồng lúa hướng hữu cơ, so với những diện tích lúa được sản xuất truyền thống, tôi nhận thấy có sự khác biệt rõ ràng, như không bị sâu bệnh, cây cho bông đều, nhiều hạt…Gạo được trồng từ lúa hữu cơ cho vị thơm, cơm dẻo và ăn dễ tiêu hơn so với gạo thường. Đặc biệt, gạo hữu cơ giàu giá trị dinh dưỡng, nhiều chất xơ và các vitamin, không chỉ an toàn mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhìn chung, chất lượng gạo cao hơn hẳn so với gạo được sản xuất đại trà nên rất được người tiêu dùng chọn lựa. Khi tham gia mô hình các hộ dân được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng các biện pháp thâm canh sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo cấy tập trung, thẳng hàng, bón phân hợp lý nên ruộng đồng thông thoáng tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Theo đó, tỷ lệ gây hại của sâu bệnh thấp hơn nên hạn chế số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất. Năng suất lúa đạt hơn 60 tạ/ha, tăng từ 10 đến 15% so với sản xuất theo hướng truyền thống. Sản phẩm hiện được Công ty CP Bắc Trung bộ ký cam kết thu mua 100% lúa thương phẩm. Lợi nhuận trung bình đạt khoảng 20 đến 25 triệu đồng/ha/vụ.

Hiện nay, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Xương đã phối hợp với UBND xã Quảng Hòa xây dựng mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm” với quy mô 20 ha và 80 hộ dân tham gia. Ông Lê Văn Phấn, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Hòa, cho biết: Khi tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 50% giống và 50% phân bón hữu cơ vi sinh, được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo nhân rộng mô hình, dự hội nghị tổng kết và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình thực hiện. Mô hình sử dụng giống lúa Bắc Thịnh, có chất lượng và phẩm cấp tốt, tỷ lệ nảy mầm cao, thời gian sinh trưởng 110 – 115 ngày, có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất thâm canh lúa như cấy thưa, cấy thẳng hàng, bón phân cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa nên lúa phát triển khỏe, đẻ nhánh tốt, số bông hữu hiệu cao, đồng thời giảm sâu bệnh. Bên cạnh đó, mô hình không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc từ hóa học mà chỉ sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, ít độc hại với con người và môi trường. Đến nay, sau nhiều tháng triển khai, diện tích lúa đã được mở rộng lên 150 ha, với 300 hộ dân tham gia sản xuất. Do áp dụng đúng các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất gạo hữu cơ nên gạo làm ra sau khi được kiểm nghiệm đã cho chất lượng tốt đáp ứng được các tiêu chí trong tiêu chuẩn quốc gia về Nông nghiệp hữu cơ (gạo hữu cơ )TCVN 11041-5:2018.

Việc thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Quảng Hòa là một hướng đi mới, là bước tiến phù hợp để xây dựng vùng sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, góp phần tạo dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, xanh sạch, an toàn và bền vững, vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người sản xuất. Ông Lê Đại Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quảng Xương, cho biết: Mục tiêu của mô hình là định hướng cho người dân sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, quy hoạch những vùng sản xuất lúa tập trung, sử dụng một loại giống lúa chất lượng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm trước biến động của thị trường.

Mạnh Tùng