Mô hình trang trại nông nghiệp tuần hoàn tại xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa

          Nông nghiệp tuần hoàn là xu thế chung và tất yếu mà toàn ngành nông nghiệp đã và đang hướng tới nhằm phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Mô hình sản xuất tuần hoàn tại xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa đã và đang hướng tới nhằm tận dụng tối đa nguồn phế phụ phẩm để tái đầu tư vào sản xuất nhằm gia tăng tối đa lợi nhuận nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại, hạn chế tối thiểu nhất tác động xấu đến môi trường.

(Trang trại chăn nuôi tổng hợp ứng dụng mô hình tuần hoàn của ông Đặng Xuân Hùng, xã Hoằng Hải, Huyện Hoằng Hóa)

  Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được xác định là quá trình sản xuất theo quy trình khép kín, từ đầu vào đến đầu ra. Áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật nhằm chuyển hóa phế, phụ phẩm công đoạn này thành nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến các công đoạn khác của quá trình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông, lâm, thủy sản, giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm chất thải tác động tới môi trường. Mô hình này dựa trên nguyên tắc tuần hoàn các nguồn tài nguyên trong hệ thống nông nghiệp, từ đất, nước, phân bón, đến cây trồng và vật nuôi. Xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa có tổng số 5 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các trang trại đều có đặc điểm chung đó là chăn nuôi theo mô hình vườn – ao – chuồng. Tại các trang trại một lượng lớn phế phụ phẩm và chất thải chăn nuôi được thải ra hàng ngày,nếu không xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường cho khu vực chăn nuôi. Vì vậy các chủ trang trại đã ứng dụng mô hình tuần hoàn khép kín để xử lý triệt để nguồn chất thải đó, đồng thời quay lại đầu tư vào đất để giúp cải tạo trả lại độ phì cho đất tạo nguồn phân bón cho cây trồng, thức ăn cho cá, tạo năng lượng tái sinh, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt cho trang trại, chống ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu. Như trang trại của ông Đặng Xuân Hùng với diện tích 18ha, được ông thuê tại khu đất đồi của xã để xây dựng trang trại nuôi lợn kết hợp trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệpvà nuôi cá. Với quy mô đàn hơn 2000 lợn nái và lợn thịt, toàn bộ quy trình chăn nuôi được thực hiện theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn cho người nuôi và vật nuôi. Qua thực tế chăn nuôi cho thấy lượng chất thải từ chăn nuôi của trang trại khá lớn.Vì vậy, ông đã xây dựng hệ thống bể biogas 600m3 để xử lý chất thải vật nuôi. Chất thải được đẩy xuống hệ thống bể thu phân sau đấy qua hệ thống máy ép tách phân để tách chất thải rắn, ép khô và đẩy ra ngoài còn nước thải sau quá trình ép sẽ chảy vào bể biogas. Với phân sẽ được ủ với các chế phẩm, men vi sinh EM trong một thời gian để khử mùi và đóng bao trở thành nguồn phân bón hữu cơ chính cho cây trồng của trang trại và xuất bán cho các trang trại nuôi cá khu vực xung quanh. Nước thải sẽ được xử lý và bơm qua hệ thống các bể lắng lọc, bể chứa nước, bể xử lý hóa chất sau đó được đưa vào bồn chứa để tái sử dụng làm nguồn nước tắm cho đàn lợn.

(Đàn lợn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng tiêu chuẩn chăn nuôi và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Vietgap)

          Xung quanh trang trại ông còn còn tận dụng đất trồng hơn 3ha cây ăn quả như mít, dừa, bưởi, xoài,… và một số cây lấy gỗ như cây sao đen, sưa, keo, bạch đàn, xà cừ,… để nâng cao thu nhậptừ sản phẩm cây ăn quả và cây lấy gỗ, ngoài ra gỗ còn được tận dụng để làm ván sàn cho chuồng lợn. Các loại cây trồng của trang trại được bón bằng phân chuồng đã qua xử lý giúp cây trồng phát triển nhanh, cải tạo đất tốt, giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá phân bón tăng cao như hiện nay. Với phế phụ phẩm từ hoạt động trồng, chăm sóc cây có thể tận dụng cành cây để làm chất đốt, lá cây, cỏ có thể để lại tạo giữ độ ẩm cho đất trồng. Ngoài ra ông còn tận dụng hồ nước của xã ngay bên cạnh để nuôi các loại cá như cá trắm, chép, trôi, rô phi,…. với nguồn thức ăn cho cá chủ yếu từ rau cỏ của trang trại và phân đã qua xử lý. Với vòng sản xuất tuần hoàn như vậy, trang trại đã tạo ra các sản phẩm an toàn cung ứng cho thị trường, lợn thịt được liên kết xuất bán cho Công ty CP Green Pig, các điểm giết mổ thực phẩm an toàn và thương lái thu mua.Trung bình mỗi năm, trang trại ông xuất chuồng gần 2.000 con lợn thịt, 20 tấn cá và các loại quả. Ông cho biết, để giảm thiểu chi phí đầu vào cho sản xuất, ngay từ khi xây dựng trang trại ông đã nghiên cứu đầu tư hệ thống, máy móc xử lý chất thải, phù hợp với quy mô trang trại. Chất thải sẽ xử lý bằng máy ép với tần suất chạy 1lần/ tuần sẽ thu được khoảng 2 tấn phân khô hữu cơ, số phân bón đó chủ yếu sử dụng đến 80 – 90 % cho cây trồng và ao nuôi cá của trang trại, số còn lại sẽ được bán cho các trang trại nuôi cá xung quanh, cho thu nhập từ bán phân từ 1 – 1.5 triệu đồng, ngoài ra nhờ công nghệ xử lý nước thải trang trại còn tái sử dụng được 500 m3 nước thải/tuần để tắm cho đàn vật nuôi. Khí biogas phát sinh trong quá trình ủ còn được sử dụng làm khí đốt sinh hoạt tại trang trại. Như vậy, nhờ tái sử dụng nguồn chất thải trang trại có thu nhập bổ sung 6-8 triệu đồng/tháng. Theo tính toán, sau khi trừ các chi phí trang trại cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. Từ mô hình trang trại này cho thấy thu nhập các trang trại trong xã cũng như trong huyện tăng lên đáng kể từ 10 – 15% nhờ tận dụng được các nguồn nguyên liệu để tái quay vòng trong sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực chăn nuôi, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người nuôi và phòng dịch vệ sinh cho đàn vật nuôi, hạn chế tối đa tình trạng dịch bệnh.

Nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm tối đa lượng chất thải bảo vệ môi trường. Tận dụng tối đa các quy trình phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng và an toàn của các sản phẩm nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả giá trị ngành hàng, tăng thu nhập đáng kể cho người sản xuất. Góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ, phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp bền vững.

Phương Thúy